Thị trường hàng hóa tuần từ 7-14/5: Nhiều loại hàng hóa đã giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian tăng giá khá dài, nhiều loại hàng hóa đã điều chỉnh giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua (từ 7-14/5), trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp như ngô, lúa mì, bông, cà phê, cao su…
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Phiên cuối tuần qua 14/5, giá dầu đảo chiều tăng trở lại sau khi giảm mạnh ở phiên 13/5 khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh và USD quay đầu giảm. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 còn căng thẳng ở Ấn Độ hạn chế mức tăng của giá dầu.

Kết thúc phiên này, dầu thô Brent tăng 1,54 USD (+2,3%) lên 68,6 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,45 USD (+2,3%) lên 65,27 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm khoảng 3% trong phiên trước đó.

Tính chung cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 0,7% - cũng là tuần tăng thứ ba liên tiếp của hai loại dầu này.

Tuần qua, giá dầu chịu áp lực giảm từ cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Ấn Độ, nước tiêu thụ nhiều dầu thứ ba thế giới. Thị trường lo ngại biến chủng Covid Ấn Độ sẽ lây lan nhanh sang nhiều quốc gia khác, gây áp lực lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Chứng khoán Phố Wall và toàn cầu hồi phục mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (14/5) sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an giới đầu tư rằng, chưa đến lúc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trước đó, thị trường chứng khoán sụt mạnh trong 3 phiên đầu tuần khi nhà đầu tư lo ngại lạm phát leo thang sẽ dẫn tới việc Fed tăng lãi suất và giảm bơm tiền sớm hơn dự kiến.

Giá cổ phiếu tăng giúp giảm bớt sức ép đối với giá dầu. Ngoài ra, giá “vàng đen” còn được hỗ trợ bởi sự xuống giá của USD. Trong phiên ngày thứ Năm (13/5), USD tăng giá là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm sâu.

Dù vậy, giá dầu vẫn được đánh giá sẽ nhận được sự hỗ trợ từ dự báo lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa cuối năm 2021. Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều cho rằng, nhu cầu dầu sẽ khởi sắc trong 2 quý cuối năm nhờ điều kiện kinh tế thế giới được cải thiện.

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2, đồng giảm tuần đầu tiên sau 6 tuần, thép và quặng sắt cũng giảm

Ở nhóm kim loại quý, trong tuần vừa qua, giá vàng tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm sau số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 4/2021 bất ngờ ngừng tăng.

Theo đó, giá vàng giao ngay phiên 14/5 tăng 0,6% lên 1.838,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.843,3 USD/ounce và cả tuần tăng khoảng 0,7% - là tăng tuần thứ 2 liên tục.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm, thúc đẩy nhu cầu vàng thỏi. Đồng thời chỉ số đồng USD giảm 0,4% khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không đẩy sự phục hồi kinh tế đi chệch hướng bằng cách tăng lãi suất” và “Chúng ta vẫn đang chứng kiến những khó khăn trên quy mô toàn cầu, nhất là những bất ổn ở Brazil hay Ấn Độ do Covid-19. Biến chủng của virus này có vẻ đang lan nhanh ra khắp thế giới”.

Theo chuyên gia này: “Có quá nhiều rủi ro liên quan đến việc bắt đầu giảm mạnh hoặc tăng lãi suất vì nền kinh tế không còn sức mạnh để chống chọi với những cú sốc mới”.

Các số liệu kinh tế Mỹ quan trọng công bố trong tuần qua cho thấy, giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống thấp nhất 14 tháng, làm gia tăng lo ngại về lạm phát tăng và khả năng ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất.

Tuy nhiên, Christopher Waller - một quan chức của Fed, vừa cho rằng, cơ quan này cần “quan sát dữ liệu vài tháng nữa” trước khi xem xét thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo vị này, bất chấp báo cáo lạm phát CPI tăng bất ngờ vào ngày 13/5, các yếu tố gây áp lực lên lạm phát chỉ là tạm thời và chính sách tiền tệ điều chỉnh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phục hồi với kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại sau khi vượt 2% trong năm nay và năm sau.

Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cũng đánh giá thấp khả năng lạm phát tăng vọt trong dài hạn. Trước đó, các quan chức Fed nhiều lần nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, diễn biến giá đồng, nhôm, sắt thép… cùng tăng mạnh vào đầu tuần qua và quay đầu giảm vào cuối tuần sau khi đã lên đến mức đỉnh điểm.

Cụ thể, kết phiên 14/5, giá đồng trên sàn London giảm 0,9% xuống 10.245,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn) trong ngày 10/5. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm gần 2% - cũng là tuần giảm đầu tiên kể từ đầu tháng 4/2021 do lo ngại lạm phát gia tăng và nhu cầu tại Trung Quốc giảm.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng đồng được sử dụng trong xây dựng và năng lượng sẽ tăng hơn nữa khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục và chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa sử dụng nhiều đồng.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 6% xuống 5.641 CNY (876,61 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 6% xuống 6.135 CNY/tấn, nhưng cả tuần vẫn tăng 2,3%.

Giá thép giảm theo xu hướng giá các nguyên liệu sản xuất thép giảm. Cụ thẻ, giá giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 7,5% xuống 1.173 CNY/tấn và tính cả tuần giảm 4,4%; giá quặng sắt 62% Fe giao ngay ở cảng biển Trung Quốc giảm 12 USD xuống 220,5 USD/tấn, Công ty Tư vấn SteelHome cho biết.

Nông sản: Giá ngô giảm 12%, lúa mỳ giảm 7%

Giá ngô Mỹ giảm liên tiếp 3 phiên cuối tuần, kết thúc tuần ở mức thấp nhất 2 tuần qua trong bối cảnh lo ngại nguồn cung suy giảm bị hạn chế.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 31 US cent xuống 6,43-3/4 USD/bushel và cả tuần giảm tới hơn 12% - tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần qua, khi các thương nhân tập trung vào triển vọng nguồn cung lớn hơn so với dự kiến.

Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 2-1/4 US cent lên 15,86-1/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 5-3/4 US cent lên 7,07-1/4 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá lúa mì vẫn giảm mạnh trên 7%, còn giá đậu tương giảm 0,15%.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh việc bán nông sản cũ hoặc hủy các đơn hàng đã đặt. Thay vào đó, nước tiêu thụ nông sản hàng đầu thế giới này đang tiếp tục đặt ngô từ Mỹ với một đơn đặt hàng 1,3 triệu tấn được ghi nhận. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xác nhận rằng, Trung Quốc đã nhập 4,3 triệu tấn ngô Mỹ của niên vụ 2021-2022 trên tổng số 6 triệu tấn được chốt trước đó.

Dự báo diện tích vụ ngô năm 2021 của Mỹ sẽ tăng lên 96,8 triệu mẫu, còn diện tích trồng đậu tương tăng lên 88,5 triệu mẫu (1 mẫu Mỹ = 4.046,86 m2), tăng lần lượt là 5,7 triệu mẫu và 900.000 mẫu so với trước đó.

Dự báo thời tiết cho thấy, thời tiết tại khu vực Đồng bằng Bắc Mỹ và Trung Tây Bắc Mỹ sẽ khô hạn hơn, cùng với mưa lớn tại phía Nam biên giới bang Iowa và Missouri. Vụ ngô Brazil cũng đang phải trải qua thời tiết khô/nóng kéo dài đến ngày 24/5.

Nhu cầu nhập khẩu đậu tương, ngũ cốc chăn nuôi của Trung Quốc tương đối lớn vào đầu năm 2022. Giá ngô đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục ở Brazil và Trung Quốc.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt giảm giá

Giá đường giảm từ mức cao nhất 2,5 tháng vào đầu tuần qua xuống thấp ở phiên cuối tuần. Cụ thể, phiên 14/5, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,15 US cent (-0,9%) xuống 16,96 US cent/lb; trước đó, ngày 12/5, giá đường thô đạt mức cao nhất 2,5 tháng (18,25 US cent/lb), giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 1,9 USD tương đương 0,4% xuống 453,6 USD/tấn. Tính cả tuần, giá đường giảm khoảng 3%.

Với mặt hàng cà phê, phiên 14/5, giá arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 1,4 US cent (-1%) xuống 1,45 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 31 USD (-2,1%) xuống 1.417 USD/tấn. Tính chung, cả 2 loại cà phê cùng giảm hơn 5% trong tuần qua.

Giá cà phê tiếp nối đà giảm do báo cáo tồn kho trên cả 2 sàn cà phê kỳ hạn tiếp tục tăng. Cụ thể, tồn kho Arabica tại sàn New York ở mức cao 13,5 tháng và tồn kho Robusta tại sàn London ở mức cao 6 tháng.

Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho biết, việc xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu của niên vụ 2020/2021 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước cũng góp phần khiến giá cà phê chững lại.

Giá cao su tuần qua cũng giảm. Phiên cuối tuần 14/5, giá cao su trên sàn Osakla kỳ hạn giao tháng 10/2021 giảm 10 JPY xuống 242 JPY/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 5,3% xuống 13.280 CNY/tấn.

Tính chung cả tuần, giá cao su ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần qua, ở mức 3-5%.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục