Nguy cơ Tencent, Alibaba... loại bỏ dần doanh nghiệp Việt khỏi cuộc chơi chuyển phát

0:00 / 0:00
0:00
Đang có một cuộc thôn tính của các ông lớn nước ngoài nhằm vào các doanh nghiệp chuyển phát lớn tại Việt Nam.
Nguy cơ Tencent, Alibaba... loại bỏ dần doanh nghiệp Việt khỏi cuộc chơi chuyển phát

“Đảo ngôi” trên thị trường

Ngoài sự hiện diện của các ông lớn trong ngành chuyển phát phương Tây như TNT, DHL, UPS, FedEx…, vài năm gần đây, các doanh nghiệp phương Đông, đặc biệt Trung Quốc, đã âm thầm thâm nhập thị trường bưu chính, chuyển phát của Việt Nam qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A). Trong top 5 thương hiệu lớn nhất thị trường gồm Viettel Post, VNPost, Giao hàng tiết kiệm (GHTK), Giao hàng Nhanh (GHN) - Ahamove và J&T, thì 3/5 ông lớn đã lọt vào tay nước ngoài.

Điển hình là trường hợp của GHTK. Năm 2019, Báo cáo tài chính của SEA (Tencent - Trung Quốc) thể hiện số cổ phần mà SEA nắm giữ tại một tổ chức liên kết ở Việt Nam là 78,46%, trùng với số cổ phiếu ẩn danh thuộc tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ tại GHTK. Tháng 6/2020, 42% cổ phần của GHTK đã được chuyển nhượng cho Parcel (Singapore).

Điều thú vị ở chỗ, Báo cáo tài chính 2020 của Tập đoàn chuyển phát Kerry Logistics (Hồng Kông) thể hiện sở hữu 42% của GHTK. Đến tháng 2/2021, doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu Trung Quốc là SF Holding (vốn hóa 45 tỷ USD) đã mua lại 51,8% của Kerry Logistics với kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Ngoài sở hữu tại GHTK, các cổ đông sáng lập như Mai Thanh Bình, Mai Minh Huy còn sở hữu phần lớn cổ phần tại Công ty cổ phần Phát triển thể thao điện tử (Espost) và Công ty cổ phần Giải trí và Thể thao điện tử. Đây là 2 công ty phân phối độc quyền sản phẩm, dịch vụ nền tảng công nghệ của Garena, tiền thân của SEA. Năm 2017, sau khi Garena đổi tên thành SEA, các cổ đông Mai Thanh Bình đột nhiên thoái hết vốn tại 2 công ty này. SEA tiếp nhận 30% vốn, 70% còn lại đứng tên bởi các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

Như vậy, GHTK đang có tỷ lệ sở hữu lớn của 2 “đại gia” là SEA và Kerry Logistics - SF Holding. Cuộc M&A này nhanh chóng trở nên hiệu quả ngay năm 2020, sản lượng của Shopee Việt Nam (sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của SEA) được yêu cầu hỗ trợ tối đa cho GHTK và sản lượng của GHTK phần lớn đến từ Shopee.

Chưa hết, công ty mẹ của SEA là Tencent đang sở hữu hơn 30% tại VNG và 15% tại JD.com. JD.com năm 2018 bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phần của sàn thương mại điện tử Tiki, còn VNG đã mua 38% cổ phần Tiki với giá 384 tỷ đồng. Ngay sau các thương vụ này, Tiki tung ra thị trường dịch vụ TikiNOW giao hàng nhanh thần tốc, cạnh tranh với các đối thủ chuyển phát khác.

Cùng thời điểm diễn ra các thương vụ trên, GHN và Ahamove (thuộc Scommerce) đã nhận vốn đầu tư 100 triệu USD từ Temasek. Scommerce có 3 cổ đông lớn, lớn nhất là Ficus Asia Investment với tỷ lệ nắm giữ 43,63%. Điều đáng chú ý là, Ficus được EWTP Capital (quỹ trị giá 600 triệu USD của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma) gần đây rót 50 triệu USD thông qua Quỹ Redefine Capital Fund (Singapore). Alibaba đang sở hữu Lazada, sàn thương mại điện tử lớn top 3 Việt Nam hiện nay.

Một doanh nghiệp bưu chính khác cũng có bàn tay thao túng của Alibaba chính là BEST Inc. (Trung Quốc). Để thâm nhập nhanh thị trường Việt Nam, BEST Inc. đã mua lại VNC Post, thương hiệu giao hàng thuộc Công ty TNHH Vinacapital Việt Nam. Năm 2017, BEST Inc. được Alibaba đầu tư thêm khoảng 150 triệu USD nắm giữ 23,4% cổ phần; công ty hậu cần của Alibaba là Cainiao Smart Logistics Network cũng sở hữu 5,6%.

Giống BEST Inc, J&T Express (Hồng Kông) được thành lập bởi các cựu lãnh đạo OPPO và thâm nhập thị trường Việt Nam qua Công ty Thuận Phong. Ban đầu, J&T chỉ vận chuyển cho OPPO, Akulaku, Thế giới Di động, nhưng đang là đối tác của Shopee, Sendo, Lazada, Shopify, Nhanh.vn, Pancake, Tpos… và nhanh chóng lọt vào top 5 ngành chuyển phát chỉ trong 4 năm.

Ngoài các thương vụ trên, 2 ông lớn khác thuộc top 5 thị phần của chuyển phát nhanh là VNPost, Viettel Post cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Lo ngại

Sự tham gia của các ông lớn nước ngoài nhằm thâu tóm thị trường chuyển phát, logistics Việt Nam đã có hiệu quả. Phần lớn hàng lưu chuyển 2 chiều từ các sàn thương mại lớn nhất Việt Nam như Shopee, Tiki (Tencent), Lazada (Alibaba) đã khiến thị phần ngành chuyển phát thay đổi chóng mặt.

Cụ thể, với GHTK, năm 2019, sản lượng mới đạt 152,2 triệu bưu kiện, thì năm 2020, khi được chỉ định hợp tác với Shopee, đã tăng trưởng 62%, đạt 250,9 triệu kiện. Sản lượng GHN và Ahamove còn đột biến hơn khi song hành cùng Lazada của Alibaba, tăng tới 89%, từ 56,4 triệu kiện năm 2019 lên 106,7 triệu kiện năm 2020. Đặc biệt, J&T tăng trưởng sản lượng tới 106%, từ 43,2 triệu kiện năm 2019 lên 89,1 triệu kiện năm 2020.

Theo tổng hợp các số liệu ghi nhận từ báo cáo tài chính của các đơn vị này, tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp trên lên tới 11.822 tỷ đồng, chiếm gần 33% tổng doanh thu toàn ngành khoảng 36.000 tỷ đồng (gồm 435 doanh nghiệp bưu chính chuyển phát, trong đó có 2 ông lớn là Viettel Post và VNPost).

Điều thấy rõ nhất trong năm 2019-2020 là các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam đang dần bị loại khỏi cuộc chơi chuyển phát, logistics cho thương mại điện tử - mảng đang phát triển mạnh, ước đạt doanh thu 25 tỷ USD vào năm 2025. Cụ thể, các ông lớn Trung Quốc đang xây dựng hệ sinh thái khép kín từ sàn thương mại điện tử, vận chuyển giao hàng, thanh toán trên chính các nền tảng của họ. Còn các sàn sàn thương mại điện tử Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đang thuộc sở hữu hoặc nước ngoài chi phối.

Trong bối cảnh phân phối và lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế, thì việc khối ngoại dần làm chủ sàn thương mại điện tử, vận chuyển lưu thông hàng hóa và thanh toán sẽ khiến việc quản lý hoạt động, thu thuế, kiểm tra chất lượng sản phẩm cho người dùng nằm ngoài tầm với của cơ quan nhà nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chưa kể một nguồn dữ liệu người mua khổng lồ hàng đang chảy qua các sàn sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp chuyển phát này sẽ bị các đơn vị đó nắm giữ.

Thị trường bưu chính, chuyển phát tại Việt Nam đang là “miếng bánh” béo bở trong mắt khối ngoại. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị thị trường ngành chuyển phát của Việt Nam tăng 24% trong giai đoạn 2016 - 2019. Nếu duy trì tốc độ phát triển 20-30%/năm như hiện nay, ngành bưu chính, chuyển phát sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục