Thị trường hàng hóa tuần từ 3-10/9: Khí LNG và nickel tăng kỷ lục, vàng và nông sản đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 3-10/9, thị trường hàng hóa chứng kiến đà tăng giá tốt của mặt hàng năng lượng và kim loại công nghiệp với điểm nhấn là sự bật mạnh của giá khí LNG hay nickel, ngược lại là sự đi xuống của kim loại quý hay nông sản, trong đó vàng giảm tuần đầu tiên sau 5 tuần.
Thị trường hàng hóa tuần từ 3-10/9: Khí LNG và nickel tăng kỷ lục, vàng và nông sản đi xuống

Năng lượng: Giá dầu, khí LNG và than duy trì đà tăng

Trong phiên cuối tuần 10/9, giá dầu thế giới tăng mạnh sau khi Trung Quốc quyết định sử dụng dầu từ kho dự trữ chiến lược và sự hồi phục sản lượng của Mỹ diễn ra chậm chạp sau cơn bão Ida.

Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2021 tại Sàn Giao dịch hàng hóa New York tăng 1,58 USD (+2,3%) lên mức 69,72 USD/thùng và cả tuần tăng 0,6%. Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 tại sàn ICE Futures Europe tăng 1,47 USD (+2,1%) lên 72,92 USD/thùng và cả tuần tăng 0,4%.

Colin Cieszynski, phụ trách chiến lược thị trường tại Công ty Quản lý đầu tư SIA Wealth Management (Canada) cho rằng, giá dầu của Mỹ đang có xu hướng giao dịch trong khoảng 67-71 USD/thùng trong một tuần. Tuy nhiên, lòng tin của nhà giao dịch có sự cải thiện sau cuộc điện đàm vào đêm 9/9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực "hâm nóng" quan hệ song phương.

Thị trường dầu mỏ và thị trường chứng khoán tăng một phần cũng nhờ tin tức về cuộc điện đàm này, động thái được các nhà phân tích cho rằng sẽ làm dấy lên hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ ấm áp hơn và nhờ đó, thương mại toàn cầu sẽ phát triển hơn.

Bên cạnh dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã tăng trong tuần qua lên mức cao kỷ lục tính theo mùa vụ do khách hàng châu Âu cạnh tranh với khách hàng châu Á để mua hàng trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.

Cụ thể, giá LNG kỳ hạn tháng 10/2021 giao tới các nước Đông Bắc Á trung bình trong tuần qua đạt 20,1 USD/mmBtu, tăng 0,2 USD so với tuần trước nữa.

Tương tự các mặt hàng trong nhóm năng lượng khác, giá than thế giới tiếp tục tăng trong tuần qua.

Giá than NAR 5500 kcal kg sản xuất trong nước tại cảng Qinhuangdao đạt 165 USD/tấn do lượng than tồn kho tại các cảng Trung Quốc giảm xuống dưới 4 triệu tấn sau khi kết thúc đợt kiểm dịch trong 4 ngày trong tuần qua. Dự kiến, tiêu thụ than ở Trung Quốc có thể tăng do nhiệt độ trung bình hàng ngày bắt đầu giảm xuống.

Giá than Úc đang trong xu hướng tăng, đạt trên 170 USD/tấn. Người tiêu dùng Ấn Độ bổ sung tích trữ, làm tăng giá than Úc. Nguồn cung than hiện tại ở Úc suy giảm trong bối cảnh lệnh cấm khai thác than được gia hạn đến ngày 10/9/2021 đã tác động tích cực đến giá than.

Hoạt động giao dịch gia tăng của người dùng Ấn Độ và việc Chính phủ Indonesia hạn chế xuất khẩu than đã làm tăng giá than Indonesia lên mức hơn 130 USD/tấn.

Nguồn cung than luyện cốc của Úc cho thị trường xuất khẩu hạn chế và nhu cầu nhập khẩu của các nhà máy thép Trung Quốc đã góp phần đẩy giá than luyện kim của Úc tăng lên mức hơn 260 USD/tấn.

Từ 5/8 - 10/9/2021, sản xuất than ở Úc bị kiểm soát nghiêm ngặt do sự bùng phát dịch Covid-19. Việc giảm nguồn cung từ Mông Cổ sang Trung Quốc khiến các công ty thép Trung Quốc mua nguyên liệu của Úc từ các thương nhân châu Á. Vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc.

Kim loại: Giá vàng giảm sau 5 tuần, nickel tăng cao nhất hơn 7 năm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng thế giới giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên 10/9, khép lại tuần giảm lần đầu tiên sau 5 tuần. Cụ thể, phiên 10/9, giá vàng giao tháng 12/2021 giảm 7,9 USD (-0,4%) xuống mức 1.792,1 USD/ounce, có thời điểm giá đã chạm mức cao nhất phiên là 1.806 USD/ounce.

Phiên này, chỉ số USD tăng 0,1%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,334%. Bart Melek, phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại đã ngăn cản các quỹ đầu cơ chuyển sang mua vàng.

Thực tế, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cao có thể còn duy trì trong một thời gian nữa. Số liệu công bố từ Mỹ cho thấy, chỉ số giá của nhà sản xuất tại nước này tăng 0,7% trong tháng Tám, so với mức tăng 1% trong tháng Bảy.

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng hoặc USD mạnh lên sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Theo đối tác quản lý Michael Armbruster tại Công ty Dịch vụ môi giới Altavest (Mỹ), đây là trở lực kép đối với giá vàng. Chuyên gia này nhận định, giá vàng có thể giảm cho đến cuối năm 2021 và lợi suất trái phiếu không có dấu hiệu cho thấy sẽ "phá vỡ" biên độ gần đây.

Cùng với đà giảm của vàng, giá bạcbạch kim cũng đi xuống trong phiên cuối tuần qua. Cụ thể, giá bạc giảm 0,9% xuống 23,86 USD/ounce, bạch kim giảm 1,9% xuống 958,51 USD/ounce và cả hai kim loại này đều giảm trong tuần qua, sau tuần bật mạnh trước đó. Giá palladium phiên 10/9 cũng giảm 1,7% xuống 2.142,12 USD/ounce và giảm khoảng 11% trong tuần qua.

TD Securities Melek lưu ý rằng, những lo ngại ngày càng tăng về sản xuất ô tô ở Trung Quốc và các nơi khác do thiếu chip đã đẩy nhu cầu đối với chất xúc tác tự động platinum và paladi xuống mức thấp hơn trong tuần qua.

Ở nhóm kim loại công nghiệp,phiên 10/9, giá nickel đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm qua do tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu từ các nhà máy thép không gỉ và các nhà sản xuất pin xe điện tăng mạnh, khiến lượng dự trữ kim loại này giảm mạnh.

Hợp đồng nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 20.500 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 20.705 USD - mức cao nhất kể từ tháng 5/2014. Hợp đồng này đã tăng gần 30% so với mức thấp nhất năm 2021 chạm tới hồi tháng 3 vừa qua.

Nhà phân tích Jim Lennon của Macquarie dự báo, tiêu thụ niken sẽ tăng 17% trong năm nay lên 2,8 triệu tấn.

Giá nhôm cũng tăng trong phiên 10/9 do lo ngại sản xuất ở Trung Quốc bị hạn chế bởi chính sách cắt giảm lượng khí thải ở nước này. Kết thúc phiên, giá nhôm tăng 2,7% lên 2.916 USD/tấn.

Cũng trong phiên này, giá đồng tăng lên 9.738 USD/tấn, mức cao nhất trong hơn một tháng qua; kẽm tăng lên 3.133,5 USD/tấn- cao nhất kể từ tháng 6/2018.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt Trung Quốc giảm trong phiên 10/9 cũng như cả tuần, trong đó hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tham chiếu dao động quanh mức thấp nhất gần 7 tháng do lo ngại việc ngành thép nước này sẽ hạn chế sản lượng.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đóng cửa giảm 0,3% xuống 732,50 CNY (113,66 USD)/tấn. Phiên liền trước 9/9, giá đã chạm mức 717,50 CNY/tấn - thấp nhất kể từ ngày 4/2/2021.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 0,4% xuống 129,15 USD/tấn.

Nông sản: Tiếp tục đi xuống

Đậu tương Mỹ vững giá trong phiên 10/9 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố diện tích đậu tương thu hoạch ở Mỹ giảm. Theo đó, giá đậu tương tăng 16 US cent lên 12,86-1/2 USD/bushel, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ ngày 24/8/2021, nhưng tính cả tuần giá vẫn giảm 0,43%.

Giá ngô cũng tăng 7-1/2 cent lên 5,17-1/2 USD/bushel khi kết thúc phiên 10/9 cho dù có thời điểm giảm xuống 4,97-1/2 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 25/1/2021, tính chung cả tuần giảm 1,24%.

Giá lúa mì phiên này giảm, có lúc xuống mức thấp nhất 7 tuần, do giảm bớt lo ngại về nguồn cung lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 3-3/4 US cent xuống 6,88-1/2 USD/bushel, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2021.

Công ty Nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, 2 báo cáo mà USDA đưa ra ngày 10/9 gồm ước tính vụ mùa tháng 9/2021 và ước tính cung - cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) không cho thấy biến động bất ngờ nào.

Giới đầu tư chuyển sự tập trung sang báo cáo dự trữ tháng 9/2021, dự kiến sẽ đưa ra vào cuối tháng và bắt đầu báo cáo dữ liệu về sản lượng thu hoạch thực tế hàng ngày từ tuần này. AgResource cho rằng, nhu cầu xuất khẩu của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới giá cả nông sản.

USDA ước tính dự trữ ngô của Mỹ cuối niên vụ 2021-2022 sẽ tăng 166 triệu bushel, lên 1.408 triệu bushel, đồng thời dự báo dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2021-2022 sẽ ở mức 185 triệu bushel. Tuy nhiên, báo cáo WASDE hạ dự báo dự trữ lúa mỳ cuối niên vụ 2021-2022 của Mỹ giảm 12 triệu bushel, xuống còn 615 triệu bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm tiếp, cao su vẫn tăng, cà phê diễn biến trái chiều

Phiên cuối tuần 10/9, giá đường giảm do các quỹ hàng hóa và các nhà đầu tư bán thanh lý mạnh mẽ, trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 0,45 cent (-2,3%) xuống 18,79 cent/lb, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2021 là 18,73 cent. Đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 1,7% xuống 466,90 USD/tấn.

Giá cà phê arabica đảo chiều hồi phục trong phiên 10/9, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,6 USD (+0,3%) lên 1,8805 USD/lb. Trong khi đó, cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 2 USD (-0,1%) xuống 2.048 USD/tấn, khối lượng giao dịch thấp dưới mức trung bình.

Tại Brazil - nước sản xuất arabica hàng đầu thế giới, nơi đầu mùa này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và băng giá - đã có một số trận mưa trong những ngày gần đây và dự kiến mưa sẽ tiếp diễn vào cuối tuần này ở các bang trồng cà phê như Parana, Sao Paulo và Minas. Những tuần tới, cây cà phê rất cần mưa bởi sắp đến mùa ra hoa.

Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất gần 11 tháng do các nhà đầu tư ngừng bán khống vào cuối tuần qua, cho dù tâm lý chung không mấy lạc quan trong bối cảnh lo ngại về sản lượng ô tô toàn cầu giảm.

Kết thúc phiên 10/9, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Osaka tăng 2,6 JPY (+1,3%) lên 202,2 JPY (1,8 USD)/kg, trong phiên có lúc giảm xuống 197,4 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 16/10/2020. Cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải cũng tăng 155 CNY lên 13.435 CNY (2.087 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg). (USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg).

(USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục