Thị trường hàng hóa tuần từ 27/8-3/9: Giá than và khí LNG lập kỷ lục cao mới, vàng tăng 4 tuần liên tục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 27/8-3/9, ngoại trừ mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá, các mặt hàng chủ chốt khác như năng lượng, kim loại ngay nguyên liệu công nghiệp đều tăng, trong đó giá than và khí LNG lập kỷ lục cao mới, giá vàng ghi nhận tăng tuần thứ 4 liên tục.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu và khí LNG duy trì đà tăng, giá than lập kỷ lục cao mới

Trong phiên cuối tuần 3/9, giá dầu giảm sau báo cáo số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi kinh tế không bền vững, đồng nghĩa nhu cầu nhiên liệu chậm lại khi đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, đà giảm giá bị hạn chế bởi lo ngại nguồn cung của Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Ida, khiến sản lượng từ Vịnh Mexico giảm sút.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 42 US cent (-0,58%) xuống 72,61 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 70 US cent (-1%) xuống 69,29 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu này vẫn tăng, với dầu Brent là + 1,27% và dầu WTI là +0,8%, sau nhiều phiên giữa tuần diễn biến trồi sụt bởi tác động của bão Ida, lập trường chính sách của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và số liệu việc làm mới nhất của Mỹ. Đây là tuần thứ 2 liên tục giá dầu tăng.

Một số nhà phân tích nhận thấy khả năng dầu sẽ tăng giá sau khi OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đang “mắc kẹt” với kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường trong vài tháng tới. Mỹ hoan nghênh động thái này và cam kết hối thúc OPEC+ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng cách tăng sản lượng.

Bên cạnh dầu thô, các mặt hàng khác như xăng RBOBkhí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng có mức tăng ấn tượng trong tuần qua. Đặc biệt, khí LNG tăng liên tục 5 phiên trong tuần và kết thúc tuần với mức tăng 7,38% lên 4,712 USD/MMBTu - mức cao nhất kể từ mùa đông năm 2018.

Giá than luyện cốc tại Trung Quốc tiếp tục tăng 8% trong phiên 2/9, đạt mức giới hạn tăng hàng ngày và là mức cao kỷ lục mới, thúc đẩy giá than cốc tăng, do nhập khẩu chậm và việc kiểm soát sản lượng tại các mỏ gây lo ngại về nguồn cung.

Mông Cổ đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 ngày 1/9 cao nhất cho thấy nhập khẩu than luyện cốc từ quốc gia này có thể vẫn tiếp tục giảm trong tháng 9 này. Trong khi đó, Cơ quan An toàn mỏ quốc gia Trung Quốc gần đây đã nhắc lại tầm quan trọng của của sản xuất an toàn tại các mỏ trong thời gian còn lại của năm nay.

Một số nhà máy tại tỉnh Sơn Tây đã nâng giá than luyện cốc, theo báo cáo của Huatai Futures.

Giá than luyện cốc trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 8% lên 2.669 CNY (412,99 USD)/tấn. Than cốc tại Đại Liên đóng cửa tăng 6,5% lên 3.359 CNY/tấn.

Kim loại: Giá vàng tăng 4 tuần liên tục, giá đồng, nhôm, thép cũng tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần qua 3/9, lên mức cao nhất trong hơn 2,5 tháng do thị trường việc làm của Mỹ tăng ít hơn dự kiến khiến USD giảm và làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.830,71 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021 tại mức giá 1.833,8 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1,2% lên 1.833,7 USD/ounce, qua đó đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp của vàng (+0,9%).

Trong khi giá vàng nhích nhẹ thì giá bạcbạch kim bật tăng mạnh trong tuần qua. Theo đó, giá bạc vượt ra khỏi biên độ đi ngang trong gần 1 tháng qua bằng mức tăng 2,87% lên 24.8 USD/ounce; giá bạch kim cũng tăng 1,5% lên 1021 USD/ounce.

Nước Mỹ trong tháng 8/2021 có thêm 235.000 việc làm, thấp hơn đáng kể so với số liệu của tháng 7 cũng như dự đoán của giới chuyên gia trước đó, phản ánh mức độ hồi phục yếu kém của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị USD vì thế mà suy yếu và hỗ trợ cho giá của các kim loại quý nêu trên.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá cơ bản cũng được hỗ trợ bởi USD yếu đi sau khi báo cáo việc làm của Mỹ không như kỳ vọng làm dấy lên đồn đoán Mỹ sẽ trì hoãn việc siết chặt chính sách tiền tệ. Tính chung cả tuần, giá đồng và nhôm tăng, trong khi các kim loại cơ bản khác giảm.

Cụ thể, giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,6% lên 9.439 USD/tấn. Tuần trước, giá đồng cũng đã tăng 4%. Tồn kho đồng giảm đang giúp củng cố xu hướng tăng giá, dự trữ đồng trên sàn LME giảm 1/3 trong 2 tuần qua, xuống mức 152.475 tấn.

Giá nhôm tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm ở Trung Quốc gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 2.723 USD/tấn.

Giá thép tại Thượng Hải tăng trong phiên 3/9, trong đó thép không gỉ tăng hơn 6% cùng với sự gia tăng của thép thanh và thép cuộn cán nóng, do việc hạn chế sản lượng trong mùa nhu cầu cao điểm gây lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Theo số liệu của Công ty Tư vấn Mysteel, nhu cầu đối với 5 sản phẩm thép, trong đó có thép xây dựng và thép sản xuất tăng tuần thứ 3 liên tiếp (tính tới ngày 2/9) lên 10,41 triệu tấn. Tuy nhiên, công suất sử dụng tại 162 lò cao ở Trung Quốc đã giảm xuống mức 75,06% trong tuần qua từ mức 75,53% ở tuần trước nữa.

Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2021 tại Thượng Hải cả tuần tăng 6,1% lên 18.760 CNY (2.904,97 USD)/tấn, riêng phiên 2/9 tăng 5,9% lên 18.715 CNY.

Thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 4,3% lên 5.840 CNY/tấn và cả tuần tăng 5,3%.

Thép thanh dùng trong xây dựng tăng 2,4% lên 5.408 CNY/tấn, cả tuần tăng 3,6%.

Giá của các thành phần sản xuất thép tăng nhẹ. Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,4% lên 786 CNY/tấn. Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc không đổi trong phiên 3/9, bằng mức giá 147,5 USD/tấn trong ngày 2/9.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm về dưới mốc hỗ trợ tâm lí 1.300 cents/giạ (-2,36%) trong tuần qua. Ảnh hưởng từ cơn bão Ida là thông tin chiếm phần lớn sự quan tâm của thị trường nông sản trong tuần. Các hoạt động xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng sau bão khiến đậu tương ở Nam Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trong giai đoạn này là yếu tố tạo sức ép lên giá.

Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12/2021 cũng giảm 2,22% trong tuần qua về mức 59 cents/pound do lo ngại về nguồn cung dầu thực vật được giảm bớt, trong khi lượng xuất khẩu dầu cọ Malaysia trong tháng 8/2021 giảm mạnh gần 15%. Tuy nhiên, mức giảm đã được thu hẹp một phần nhờ mức hồi phục mạnh mẽ của thị trường dầu thô. Giá khô đậu tương cũng không tránh khỏi xu hướng giảm chung của thị trường, đặc biệt khi mặt hàng này liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng, kết thúc tuần giảm 3,23% về 342 USD/tấn.

Ngô là mặt hàng dẫn đầu mức giảm của thị trường nông sản trong tuần qua, ở mức -5,37% về 524 cents/giạ do diện tích gieo trồng dự kiến ở Mỹ sẽ tăng lên 1 triệu mẫu trong Báo cáo Cung - cầu tháng 9/2021, làm giảm lo ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp ethanol giảm tuần thứ 8 liên tiếp cũng gây là yếu tố “bearish" với giá.

Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 12/2021 kết thúc tuần qua với mức giảm 0,8% về 726,25 cents/giạ do nguồn cung thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết tiêu cực ở các quốc gia sản xuất chính.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường hạ nhiệt, cà phê và cao su vẫn tăng

Phiên cuối tuần 3/9, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 đóng cửa giảm 0,28 US cent (-1,4%) xuống 19,62 US cent/lb và cả tuần giảm 2%. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 3,8 USD (-0,8%) xuống 485,1 USD/tấn.

Giá đường đang hạ nhiệt sau khi chạm mức cao nhất 4,5 tháng trong tháng trước. Nhu cầu yếu được thể hiện ở giá đường thô và đường trắng giao ngay ở mức thấp hơn so với những kỳ hạn xa hơn. Tuy vậy, xu hướng tăng giá của đường được cho là chưa mất đi, với sự đồng thuận mạnh mẽ dự đoán nguồn cung thiếu hụt trong niên vụ tới 2021/22 do sản lượng giảm ở Brazil.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 1,35 US cent (-0,7%) trong phiên 3/9, xuống mức 1,93 USD/lb, song vẫn tăng 0,4% trong cả tuần. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 cũng tăng 3 USD (+0,1%) lên 2.059 USD/tấn và cả tuần tăng 2%, thiết lập mức cao nhất 4 năm tại 2.092 USD/tấn trong ngày 1/9.

Giá cao su của Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần qua do hy vọng số liệu yếu tại Trung Quốc có thể thúc đẩy Bắc Kinh tung ra thêm một số biện pháp kích thích và nhu cầu tài sản rủi ro tăng trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga quyết định từ chức. Tồn trữ cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải tuần qua tăng 2,6% so với tuần trước nữa.

Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,2% lên 212 JPY (1,9 USD)/kg, tính chung cả tuần tăng 2,7% sau 2 tuần sụt giảm trước đó.

Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 65 CNY lên 13.810 CNY (2.141 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg). (USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel (giạ) lúa mỳ hoặc đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel (giạ) ngô = 25,4 kg).

(USD hoặc cent/lb; 1 USD = 100 cent, 1 lb ~ 0,45Kg; đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục