Năng lượng: Giá dầu, khí LNG và than cùng tăng mạnh
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần qua và có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, khi các công ty năng lượng bắt đầu đóng cửa sản xuất tại Vịnh Mexico (Mỹ) trước ảnh hưởng của bão Ida.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/8, dầu thô Brent tăng 1,63 USD (+2,3% lên 72,7 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) tăng 1,32 USD (+2%) lên 68,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 11% và dầu WTI tăng hơn 10% - tuần tăng mạnh nhất đối với cả 2 loại dầu kể từ tháng 6/2020.
Được biết, các giếng ngoài khơi Vịnh Mexico chiếm 17% sản lượng dầu thô của Mỹ, trong khi hơn 45% trong tổng công suất lọc dầu của Mỹ nằm dọc bờ vịnh này. Ngoài ra, giá dầu tăng cũng được hỗ trợ bởi USD giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần so với giỏ tiền tệ chủ chốt sau bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. USD suy yếu khiến dầu trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (bao gồm Nga), được gọi là OPEC+, sẽ họp vào ngày 1/9 tới để thảo luận về kế hoạch nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong vài tháng tới.
Bên cạnh giá dầu, giá khí tự nhiên (LNG) tại Mỹ cũng tăng hơn 4% lên mức cao mới 32 tháng, do dự báo thời tiết đến giữa tháng 9/2021 sẽ vẫn nóng hơn bình thường cũng như ảnh hưởng từ cơn bão Ida.
Theo đó, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn New York tăng 18,6 US cent (+4,4%) lên 4,370 USD/mmBtu - cao nhất kể từ tháng 12/2018 trong phiên thứ 2 liên tiếp và tính cả tuần, giá LNG tăng gần 14% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2020. Trong tuần trước, giá khí tự nhiên giảm dưới 1%.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 17 US cent lên 4,39 USD/mmBtu.
Ở chiều ngược lại, giá than cốc và than luyện cốc đã giảm trong phiên 27/8 từ mức cao kỷ lục xác lập trong phiên liền trước.
Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần qua 27/8, giá than luyện cốc trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc giảm 1,8% xuống mức 2.523 CNY (tương đương 389,25 USD)/tấn sau khi tăng 7 phiên, còn giá than cốc giảm 2,8% xuống 3.164,50 CNY/tấn sau 4 phiên tăng.
Tuy nhiên, tính cả tuần, các hợp đồng tương lai giao dịch tháng 1/2022 vẫn tăng 11,2% đối với than cốc và 10,5% đối với than luyện cốc.
Đợt giảm giá diễn ra sau khi các báo cáo chính quyền Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường và trừng phạt các nhà đầu cơ.
Giới phân tích cho biết, lo ngại về nguồn cung than luyện cốc ở Trung Quốc đã tăng lên với việc đóng cửa biên giới với Mông Cổ, trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ địa phương yếu do các chiến dịch môi trường và kiểm tra an toàn.
Giá quặng sắt Đại Liên giao tháng 1/2022 giảm 1,4% xuống 840 CNY/tấn, nhưng vẫn tăng 9,3% trong tuần qua sau 5 tuần giảm liên tiếp. Giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 2,1% lên 156,45 USD/tấn.
Kim loại: Trừ thép, các mặt hàng khác đều tăng giá
Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 28/7, giá vàng tăng hơn 1% sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ngừng phát tín hiệu Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu rút hỗ trợ kinh tế.
Theo đó, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,4% lên 1.817,21 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 0,9% lên 1.819,5 USD/ounce.
Tương tự, giá bạc tăng 4,1% lên 24,06 USD/ounce và bạch kim tăng 1,2% lên 1006,5 USD/ounce.
Sự suy yếu của USD là yếu tố hỗ trợ giá của mặt hàng kim loại quý hồi phục. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole, ông Powell cho biết về khả năng sẽ giảm tốc độ thu mua tài sản trong năm nay do nền kinh tế Mỹ đã đạt được những tiến triển nhất định, tuy nhiên, mức lãi suất thấp sẽ vẫn được duy trì do thị trường lao động vẫn hồi phục thiếu ổn định. Đồng thời, biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ cũng là một yếu tố khiến cho Fed cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các chính sách thắt chặt.
Thông tin trên không gây bất ngờ đối với giới đầu tư, song việc Fed có thể giữ nguyên lãi suất thấp cộng thêm các gói ngân sách trị giá hàng nghìn tỉ USD của Tổng thống Biden được thông qua cũng khiến cho USD bị mất giá.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, đóng cửa phiên này, giá đồng tăng 4,4% lên 4.318 USD/pound trong bối cảnh tình hình đình công tại các mỏ đồng lớn ở Chile tiếp tục leo thang, khi các công ty khai thác không đạt được thỏa thuận tiền lương với công nhân.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,8% lên 2.641 USD/tấn, trong phiên giá nhôm có thời điểm đạt 2.697 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 4/2018, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rusal. Giá nhôm trên sàn Thượng Hải cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.
Theo tính toán của Reuters, các giới hạn hàng tháng đối với 5 lò luyện tại Tân Cương trong 7 tháng đầu năm 2021 chiếm 10% sản lượng cắt giảm. Trong khi đó, Tân Cương là trung tâm luyện kim lớn nhất tại Trung Quốc, chiếm gần 1/5 nguồn cung của nước sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới. Điều này đã khiến nhập khẩu nhôm của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 1,4% xuống 840 CNY/tấn trong phiên 27/8, nhưng cả tuần vẫn tăng 9,3% sau 5 tuần giảm liên tiếp. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Singapore tăng 2,1% lên 156,45 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,6%, thép không gỉ giảm 0,9%.
Các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường quặng sắt trong thời gian tới sau khi dịch bệnh được kiểm soát, khiến cho lực mua bắt đáy mạnh trong bối cảnh USD suy yếu.
Nông sản: Đồng loạt tăng trở lại
Giá đậu tương tại Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do mưa thúc đẩy triển vọng vụ thu hoạch tại một số khu vực khô hạn thuộc Trung tây Mỹ. Theo đó, kết thúc phiên 27/8, trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 3 US cent xuống 13,23-1/4 USD/bushel, nhưng cả tuần vẫn tăng 2,5%.
Dầu đậu tương dẫn đầu đà tăng của thị trường nông sản với mức tăng 6,51% lên 60,34 cent/pound trong tuần qua, sau khi giảm hơn 10% ở tuần trước nữa.
Mức tăng mạnh của giá dầu thô cũng đã kéo tăng giá dầu đậu tương. Diễn biến tăng của dầu đậu tương tiếp tục là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá khô đậu tương, khiến đây là mặt hàng duy nhất giảm nhẹ 0,7% trong nhóm nông sản trong tuần qua.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 3 US cent lên 5,53-3/4 USD/bushel và cả tuần tăng 3,1% - cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp trong 5 tuần gần nhất.
Giá ngô tuy tăng, nhưng vẫn đang trong khoảng tích luỹ đi ngang. Yếu tố chính hỗ trợ cho giá ngô đến từ hoạt động mua hàng của các nước nhập khẩu chính. Ngược lại, sản lượng ethanol giảm 7 tuần liên tiếp và triển vọng nguồn cung tại Brazil cho niên vụ tới tăng lên đã hạn chế đà tăng của giá ngô.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 6-3/4 US cent xuống 7,32-1/2 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 0,6%.
Trong khi nguồn cung thế giới thắt chặt và diễn biến giảm của USD là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì, thì lượng mưa lớn đem theo độ ẩm cho đất ở các khu vực sắp gieo trồng lúa mì vụ đông lại tác động “bearish", cân bằng lại giá lúa mì.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê và đường cùng bật mạnh, cao su và dầu cọ giảm giá
Đóng cửa phiên 28/7, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,36 US cent (+1,8%) lên 20,04 US cent/lb. Giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 10,2 USD (+2,1%) lên 487,4 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng gần 6% lên 192,2 cents/pound, còn giá cà phê robusta bứt phá hơn 7% lên 2.018 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Giá Robusta là động lực kéo cả thị trường cà phê trên hai Sở đi lên trong tuần qua.
Những lo ngại về chuỗi vận chuyển do thiếu hụt container và giá cước vận tải biển leo thang vẫn là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát ở 2 nước sản xuất robusta lớn là Việt Nam và Indonesia càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của thị trường, khiến cho lực mua áp đảo trong cả tuần qua. Ngoài những yếu tố cung cầu, sự suy yếu của USD cũng là lý do thúc đẩy thị trường cà phê.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá cao su thị trường Thượng Hải, sau số liệu công nghiệp từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế tại nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới chậm lại.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Osaka giảm 7,5 JPY (-3,5%) xuống 206,5 JPY/kg và cả tuần giảm 4,2% - cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 3,6% xuống 13.810 CNY/tấn.
Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7/2021 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng, các hạn chế trong chuỗi cung ứng và sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mất dần động lực.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 1%, chịu áp lực bởi giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên và Chicago suy yếu, song giá dầu có tuần tăng bởi lo ngại nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu thắt chặt.
Theo đó, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 63 ringgit tương đương 1,43% xuống 4.329 ringgit (1.033,67 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu tăng 1,5% sau khi giảm mạnh tuần trước đó.