Ngành triển vọng cùng quan hệ thương mại Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang kỳ vọng nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và lĩnh vực mới là công nghiệp y tế có triển vọng mới cùng quan hệ thương mại Việt - Mỹ.
Việt Nam ngày càng quan trọng với vai trò là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng. Việt Nam ngày càng quan trọng với vai trò là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng.

Bối cảnh thuận lợi

Bà Kamala Harris, Phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam từ ngày 24 - 26/8/2021, bàn về các vấn đề thế giới và khu vực, thảo luận về việc củng cố quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, trong đó có nội dung quan trọng là thương mại và chuỗi cung ứng.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Một số thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 (Đơn vị: tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Một số thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 (Đơn vị: tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Nhóm hàng hoá xuất khẩu chủ lực gồm dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu tương, phế liệu sắt thép…, với giá trị ước tính 10,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Trước đó, năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD). Con số này dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2021.

Trong giai đoạn 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng hơn 175%.

Về đầu tư, kết quả thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, đầu tư của Mỹ đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 28 dự án cấp mới có tổng vốn đăng ký 300,64 triệu USD và 6 dự án điều chỉnh tăng 6,59 triệu USD.

Tôn thép, dệt may, thuỷ sản… vào mùa

Các nhóm ngành có triển vọng sáng hơn khi quan hệ thương mại Việt - Mỹ được củng cố bao gồm dệt may, thép, thuỷ sản, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, nhóm ngành sẽ được hưởng lợi từ việc củng cố quan hệ thương mại Việt - Mỹ bao gồm dệt may, thép, thuỷ sản, bất động sản khu công nghiệp và cảng biển.

Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, là thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản.

Về dệt may, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) đang xuất khẩu tới 62% sang thị trường Mỹ, con số này tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là 41%. Ngành dệt may được dự báo vẫn khả quan trong những tháng tới nhờ các đơn hàng từ đầu năm và liên tục ký mới do nhu cầu mua sắm tại thị trường xuất khẩu tăng cao.

Về thủy sản, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) nằm trong nhóm doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu chủ lực sang Mỹ. Tuy vậy, các thị trường xuất khẩu thắt chặt thủ tục hải quan do lo ngại nguồn lây virus và chi phí sản xuất, vận chuyển tăng…, ảnh hưởng tới triển vọng của nhóm này.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng tăng mạnh nhằm hồi phục kinh tế của Mỹ tạo thêm dư địa tăng trưởng cho xuất khẩu thép của Việt Nam, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG).

Ngành cảng biển được hưởng lợi vì xuất nhập khẩu tăng, kéo theo nhu cầu về hàng hoá thông quan, vận chuyển. Trong khi đó, lợi nhuận ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ “thức giấc” nhờ sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ về công nghiệp chế biến, chế tạo linh kiện điện tử (vi mạch, bán dẫn…). Nhu cầu về thiết bị bán dẫn của Mỹ vẫn cao nên ngành này có triển vọng tăng trưởng tốt.

VinFast đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Mỹ trong nửa đầu năm nay để sản xuất ô tô điện. Đây là tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam có thể có những sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu sang Mỹ.

“Trong tương lai gần, chúng ta có thể hy vọng rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo linh phụ kiện điện tử cũng như các mặt hàng công nghệ cao sẽ tăng dần tỷ trọng ở thị trường Mỹ”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhìn nhận, động thái khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 25/8/2021 đã mở ra triển vọng nền công nghiệp y tế của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch Covid-19 hiện nay.

Thời gian qua, trình độ y tế của Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng. Mới đây, Bộ Y tế cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir có khả năng kháng virus đặc hiệu để bào chế kháng sinh điều trị Covid-19.

Cơ hội và thách thức từ chuỗi cung ứng

Châu Á đang là châu lục sản xuất lớn nhất thế giới, nắm hầu hết chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm khởi đầu của đường biển huyết mạch cung cấp hàng hoá ra thế giới.

Trong ASEAN, Việt Nam nổi lên là quốc gia có lợi thế về thể chế chính trị ổn định, dân số trẻ, độ phủ Internet cao… là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc như Toyota, Honda, Yamaha, Hyundai, Samsung…, đã đầu tư lớn vào Việt Nam nên Việt Nam đã giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những tập đoàn kinh tế lớn này.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi cung ứng phải ngừng sản xuất nhằm phòng chống dịch bệnh đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Phía Mỹ đã cam kết duy trì chuỗi cung ứng giữa hai bên, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh khó khăn này.

Tuy nhiên, ông Long khuyến cáo, cam kết của phía Mỹ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt, song cũng đặt lên vai Chính phủ và doanh nghiệp áp lực nặng nề, đó là áp lực khống chế dịch bệnh, áp lực cạnh tranh đối với hàng hoá xuất khẩu.

Đồng quan điểm, GS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phía Mỹ đã cam kết sẽ tạo ra những chính sách rộng rãi, ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp cận tốt nhất thị trường Mỹ.

Nhưng cam kết không đứt gãy chuỗi cung ứng không phải một cam kết đơn giản, đòi hỏi sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ vẫn phải diễn ra liên tục trong lúc chống dịch bệnh. Đây là thách thức lớn nhất hiện nay đối với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, BSC đánh giá, giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang làm giảm sức chống chịu của các doanh nghiệp trong duy trì chuỗi cung ứng, đó là năng suất lao động giảm, chi phí gia tăng (phí vận chuyển và nguyên vật liệu tăng cao, phát sinh thêm phí kiểm dịch, chi phí hoạt động “ba tại chỗ”…).

“Tôi hy vọng vào Chính phủ, với một quyết tâm rất cao như hiện nay, chỉ đạo quân đội tung lực lượng để hỗ trợ giãn cách xã hội, lực lượng y tế được chi viện để phân loại điều trị. Nếu trong tháng 9 có kết quả nhất định về chống dịch thì có thể giúp sản xuất và cung ứng được cải thiện vào cuối năm nay”, ông Thịnh nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục