Thị trường hàng hóa tuần từ 24/6-4/7: Giá đồng rơi về mức thấp nhất 17 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 24/6-4/7, mặt hàng kim loại giảm giá mạnh, đặc biệt là đồng đã rơi về mức thấp nhất 17 tháng. Kim loại công nghiệp này thường được xem là chỉ báo quan trọng phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Trái chiều giá dầu, dự trữ khí đốt của EU giảm mạnh

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên 1/7 khi nguồn cung ở Libya và Na Uy giảm. Cụ thể, dầu thô Brent giao sau ở mức 111,63 USD/thùng, tăng 2,60 USD (+2,4%); dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 108,43 USD/thùng, tăng 2,67 USD (+2,5%).

Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 1,3%, trong khi WTI tăng 0,8%.

Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần qua bất chấp việc công bố dữ liệu ngành cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại hơn dự kiến trong tháng trước, nền kinh tế nước này đang hạ nhiệt khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô và nhiên liệu ở mức thấp đã hỗ trợ thị trường.

Các công nhân dầu khí Na Uy có kế hoạch đình công vào ngày 5/7/2022 có thể cắt giảm sản lượng xăng dầu của nước này khoảng 8%, tương đương 320.000 thùng dầu/ngày, trừ khi có một thỏa thuận mới, theo tính toán của Reuters.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) hôm thứ Năm đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại các cảng Es Sider và Ras Lanuf, cũng như mỏ dầu El Feel. NOC cho biết tình trạng bất khả kháng vẫn diễn rac tại các cảng Brega và Zueitina.

NOC cho biết sản lượng đã giảm mạnh, với lượng xuất khẩu hàng ngày dao động trong khoảng 365.000 đến 409.000 thùng/ngày, giảm 865.000 thùng/ngày so với sản lượng trong "trường hợp bình thường".

Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng lên 595 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Mặc dù số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng kỷ lục trong 22 tháng tính đến tháng 6/2022, nhưng mức tăng hàng tuần hầu như chỉ ở một con số.

Vào thứ Năm, nhóm các nhà sản xuất OPEC+, bao gồm cả Nga, đã đồng ý giữ vững chiến lược sản lượng sau hai ngày họp. Tuy nhiên, câu lạc bộ nhà sản xuất đã tránh thảo luận về chính sách từ tháng 9/2022 trở đi. Trước đó, OPEC + đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ ngày vào tháng 7 và tháng 8/2022, tăng so với kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/tháng.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, OPEC đã bơm 28,52 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2022, giảm 100.000 thùng/ngày so với tổng số đã điều chỉnh của tháng Năm.

Giá dầu thế giới tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3/2022. Giá đã giảm kể từ đó, nhưng vẫn ở mức trên 115 USD vào thứ Năm (30/6) do nguồn cung thắt chặt và lo ngại rằng, các quốc gia OPEC có ít khả năng tăng sản lượng nhanh chóng. Các nhà phân tích cho biết, những lo ngại đó còn lớn hơn những lo lắng về suy thoái kinh tế.

Saudi Arabia và Nga lần lượt là 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong OPEC+. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Bên cạnh nỗi lo về nguồn cung dầu, châu Âu đang phải vật lộn để quản lý tình trạng thiếu khí đốt do lượng giao hàng của Nga thấp hơn.

Số liệu do Gas Infrastructure Europe (GIE) công bố ngày 2/7 cho biết, tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các kho chứa ngầm của châu Âu tính đến tháng 6/2022 đạt 60%. Tuy nhiên, tốc độ bơm khí đốt dự trữ đã giảm mạnh so với các tháng trước.

Theo GIE, trong tháng 6, các kho chứa ngầm châu Âu đã được bổ sung 12,75 tỷ m3 khí đốt, thấp hơn gần 3 tỷ m3 so với tháng 5, đưa lượng khí đốt dự trữ lên 62,5 tỷ m3. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ các kho ngầm và thấp hơn gần 2% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.

Theo hãng tin TASS của Nga, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ dự trữ khí đốt của châu Âu giảm là do lượng khí đốt của Nga chuyển cho châu Âu qua tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc” chỉ đạt 40% công suất.

Ngoài ra, Nga cũng đã dừng cung cấp khí đốt cho một loạt công ty của châu Âu vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble, trong khi việc xuất khẩu khí đốt của Nga qua tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” gián đoạn một tuần để sửa chữa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ điện gió trong sản xuất điện của châu Âu chỉ đạt 11,3% trong tháng 6, giảm so với mức 14% trong tháng 5. Điều này khiến châu Âu phải sử dụng nhiều khí đốt hơn cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, góp phần làm giảm tỷ lệ dự trữ khí đốt. Các nước châu Âu đang sử dụng lượng khí đốt từ các kho dự trữ nhiều hơn so với cùng kỳ 2021, ở mức 978 triệu m3 trong tháng 6.

Tính đến cuối tháng 6/2022, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức 1.600 USD/1.000 m3. Trong tháng 7, tình hình được dự báo sẽ khó khăn hơn do việc cung cấp khí đốt của Nga qua tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc” sẽ bị tạm dừng để tiến hành bảo dưỡng thường niên từ ngày 11-21/7.

Kim loại: Vàng giảm giá tuần thứ 3 liên tục, giá đồng về mức thấp nhất 17 tháng, sắt thép cũng lao dốc

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp do USD mạnh và lãi suất tăng, trong khi việc tăng thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ cũng làm giảm nhu cầu của nước này.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.804,81 USD/ounce và giảm 1,2% trong tuần qua. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 0,3% xuống 1.801,5 USD/ounce.

Các nhà đầu tư dường như cũng thích sự an toàn của USD trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng tăng. Sự gia tăng của đồng bạc xanh cũng khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Ấn Độ, nước tiêu dùng vàng lớn thứ hai thế giới, đã tăng thuế nhập khẩu với vàng từ 7,5% lên 12,5% trong một nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng tới nhu cầu, mặc dù quý 3 thường thấy lượng mua vào mạnh trong dịp lễ hội. Các đại lý vàng tại Ấn Độ đã bán ở mức trừ lùi sâu trong tuần qua do nhu cầu vẫn yếu, cộng với thuế tăng có thể làm giảm lợi nhuận hơn nữa.

Các mặt hàng kim loại quý khác cũng có ít nhất 3 tuần giảm liên tiếp, trong đó bạc giảm 7,05% về 19,67 USD/ounce; bạch kim giảm 3,54% về 871,3 USD/ounce. Những lo ngại về suy thoái kinh tế khi các ngân hàng trung ương mạnh tay tăng lãi suất khiến cho các mặt hàng kim loại quý chịu sức ép bán lớn.

Các số liệu kinh tế của Mỹ được công bố trong tuần qua như chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) hay chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều không quá tích cực, có thể là chỉ báo sớm cho sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, tâm lý của các nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn và gia tăng sức bán đối với các mặt hàng kim loại quý.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng do lạm phát và số liệu hoạt động sản xuất củng cố lo sợ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại.

Cụ thể, đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 2,6% xuống 8.047 USD/tấn trong phiên 1/7, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021 tại 7.955 USD/tấn.

Tính cả tuần, giá đồng giảm 4%, cũng là tuần giảm thứ 4 liên tiếp, ghi nhận quý II/2022 tồi tệ nhất kể từ năm 2011 với mức giảm lên tới 20,4%.

Giá các kim loại công nghiệp khác cũng giảm, chẳng hạn kẽm giảm 9% trong tuần qua và nhôm giảm tuần thứ 6 liên tiếp.

Lạm phát khu vực Eurozone đạt mức kỷ lục mới trong tháng 6, cung cấp thêm động lực cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ngay cả một số tin tức lạc quan từ Trung Quốc cũng không hỗ trợ được tâm lý. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 6 phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng qua bởi sản lượng phục hồi mạnh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Mỹ chậm hơn dự kiến trong tháng 6, xuống mức thấp nhất 2 năm.

Tương tự, quặng sắt và thép cũng giảm giá do khả năng kinh tế toàn cầu giảm mạnh làm dấy lên lo sợ nhu cầu hàng hóa sụt giảm, bất chấp những dấu hiệu phục hồi sản xuất tại Trung Quốc.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 6,9% xuống 747,5 CNY (tương đương 111,47 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 4,3% xuống 113,9 USD/tấn.

Ở thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62%Fe giảm 2 USD xuống 122 USD/tấn trong ngày 30/6, qua đó xóa sạch mức tăng trong năm 2022, theo số liệu của Công ty SteelHome.

Suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu quặng sắt vốn đã mờ mịt tại trung Quốc, nơi các nhà máy đã dừng hàng chục lò cao gần đây trong nỗ lực giảm tồn kho khi đơn đặt hàng yếu.

Hoạt động sản xuất của châu Á đình trệ trong tháng 6 do nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi gián đoạn nguồn cung khi Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt Covid-19, trong khi nguy cơ suy giảm kinh tế mạnh tại châu Âu và Mỹ ngày một rõ nét.

Sản lượng thép của Trung Quốc chậm lại cũng cho thấy quyết tâm tiếp tục giảm sản lượng hàng năm phù hợp với mục tiêu khử carbon. Tại Hà Bắc, tỉnh sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc, một số nhà máy được cho đã lựa chọn thực hiện đại tu hàng năm cho các lò cao sớm hơn bình thường.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh giảm 2,5% trong phiên 1/7 sau khi tăng 6 phiên trước đó; thép cuộn cán nóng giảm 2,2%; thép không gỉ giảm 2,4%.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá lúa mì của Mỹ giảm mạnh về mức trước xung đột ở Ukraine hồi tháng 2/2022 bởi USD mạnh lên và nguồn cung toàn cầu tăng từ vụ thu hoạch ở Bắc bán cầu.

Cụ thể, lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 38 US cent xuống 8,46 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2 và giảm 9,7% trong tuần qua.

Như vậy, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đã giảm gần 40% từ mức đỉnh hồi tháng 3/2022 do một số chuyến ngũ cốc bắt đầu di chuyển từ Ukraine và tăng tốc thu hoạch lúa mì vụ đông.

Tương tự, đậu tương và ngô thoái lui trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ và lo lắng về nhu cầu yếu.

Cụ thể, ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 12-1/4 US cent xuống 6,07-1/2 USD/bushel trong phiên 1/7 và giảm 9,9% trong tuần, cũng là thấp nhất trong 4 tháng.

Gđậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2022, đóng cửa phiên 1/7 giảm 62-3/4 US cent về 13,95-1/4 USD/bushel.

Tương tự, khô đậu tương và dầu đậu tương cũng có 1 tuần giao dịch trong sắc đỏ. Sự lao dốc của giá dầu và giá dầu cọ đã phần nào tác động gián tiếp lên đà giảm của giá dầu đậu tương.

Không những vậy, hoạt động xuất khẩu dầu cọ tại Malaysia trong tháng 6 gặp nhiều khó khăn do Ấn Độ và châu Âu giảm nhu cầu về dầu thực vật. Cụ thể, theo ước tính của Công ty Khảo sát hàng hóa SGS, xuất khẩu dầu cọ trong tháng 6 của nước này là hơn 1,2 triệu tấn, giảm 7,4% so với mức 1,3 triệu tấn trong tháng 5. Nhu cầu sử dụng dầu thực vật đang dần suy yếu đã gây áp lực lên giá dầu đậu tương trong tuần qua.

Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê và đường cùng giảm giá, cao su diễn biến trái chiều

Kết thúc tuần qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 0,43 US cent (-2,3%) xuống 18,07 US cent/lb, mức thấp nhất kể từ ngày 1/3/2022. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 cũng giảm 7,2 USD (-1,3%) xuống 549,4 USD/tấn.

Các quỹ đang bán ra sau tin tức tiêu cực về hoạt động sản xuất của Mỹ và châu Âu gây lo sợ về suy thoái.

Giá trị ethanol đang giảm tại Brazil sau khi thay đổi thuế nhiên liệu trong tuần này cũng khiến giá đường giảm. Khi giá ethanol giảm, các nhà máy đường của Brazil sẽ nỗ lực sản xuất đường nhiều hơn và ít nhiên liệu sinh học hơn.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 đóng cửa phiên 1/7 giảm 5,45 US cent (-2,4%) xuống 2.2465 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 27 USD (-1,3%) xuống 2.006 USD/tấn.

Công ty Tư vấn Safras & Mercado ước tính, 35% vụ mùa của Brazil đã được thu hoạch tính đến ngày 21/6/2022, thấp hơn tốc độ trung bình, bởi khó khăn trong việc tìm kiếm lao động và quả chín không đều.

Dự trữ cà phê được sàn ICE chứng nhận tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/1999 ở mức 854.000 bao.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp do lo ngại về các hãng ô tô sản xuất chậm lại và giá hàng hóa giảm trong bối cảnh lo sợ suy thoái toàn cầu.

Trên Sàn giao dịch Osaka, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2022 đóng cửa phiên 1/7 giảm 1,9 JPY (-0,7%) xuống 255,5 JPY (1,9 USD)/kg, nhưng cả tuần vẫn tăng 0,6%.

Tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá cao su giao tháng 9/2022 tăng 145 CNY lên 12.995 CNY (1.940 USD)/tấn.

Giá cao su tại Thượng Hải tăng và hy vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc có thể hỗ trợ thị trường cao su trong tuần này.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục