Năng lượng: Dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần 27/6 bởi nguồn cung thắt chặt, nhưng có tuần thứ 2 giảm giá do lo ngại lãi suất tăng có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái.
Cụ thể, chốt phiên, dầu Brent tăng 3,07 USD (+2,8%) lên 113,12 USD/thùng; dầu WTI tăng 3,35 USD (+3,2%) lên 107,62 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tuần, cả 2 loại dầu giảm lần lượt 1,77% và 0,43%.
Xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung trong năm nay cũng như nhu cầu đang phục hồi từ đại dịch và giá dầu đã gần tới mức cao nhất mọi thời đại tại 147 USD/thùng đạt được vào năm 2008.
Giá dầu thô tăng được hỗ trợ từ việc gần như dừng hoạt động tại Libya do bất ổn. Trong ngày 23/6/2022, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya cho biết, Chủ tịch Tập đoàn Dầu quốc gia đang giấu số liệu sản lượng, nâng nghi ngờ về số liệu công bố trong tuần trước.
Tổ chức OPEC+ nhóm họp vào ngày 30/6/2022 dự kiến sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu trong tháng 7 và 8/2022.
Theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ bổ sung số giàn khoan dầu và khí tự nhiên trong tuần qua, tăng tuần thứ hai liên tiếp trong đợt tăng kỷ lục 23 tháng, do giá dầu cao và sự hối thúc của chính phủ.
Kim loại: Ngoại trừ thép, giá đều giảm, đồng giảm thấp nhất 1 năm
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng do USD thoái lui và lo sợ suy thoái làm tăng sức hấp dẫn của vàng, nhưng khả năng tăng lãi suất khiến tài sản này có tuần giảm.
Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.830,22 USD/ounce trong phiên 24/7, sau khi chạm mức thấp nhất một tuần tại mức 1.816,1 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 8/2022 đóng cửa tăng 0,26% lên 1.830,3 USD/ounce, nhưng cả tuần giảm 0,66%.
Nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank cho biết, vàng có khả năng tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, dự báo đạt 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tích cực nên không hỗ trợ cho vàng.
Trên thị trường giao ngay, các đại lý cho biết, giá giảm trong tuần này tại Ấn Độ để thu hút người mua khi mùa cưới kết thúc, trong khi một số người tiêu dùng tại Trung Quốc mua vàng đề phòng ngừa những lo ngại về kinh tế.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong phiên cuối tuần, thiết lập tuần giảm mạnh nhất trong một năm, do nhà đầu tư lo lắng những nỗ lực của các ngân hàng trung ương để ngăn chặn lạm phát sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu kim loại.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,5% xuống 8.367 USD/tấn, sau khi chạm 8.122,5 USD/tấn, giảm 25% từ mức đỉnh hồi tháng 3 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá đồng giao tháng 7/2022 giảm 3,5% xuống 64.080 CNY (tương đương 9.572,47 USD)/tấn và giảm 7,9% trong tuần.
Giá đồng có thể giảm về mức chi phí sản xuất quanh 7.000-7.500 USD/tấn, nhưng nguồn cung hạn hẹp và nhu cầu ngày càng tăng để sử dụng trong truyền tải điện vào cuối thập kỷ này sẽ khiến giá tăng.
Fitch Solutions cho biết, họ đang kỳ vọng kim loại cơ bản sẽ tiếp tục giảm lỗ sau đợt giảm gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do Fed thắt chặt và kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhờ chính sách không Covid của nước này.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết, đồng USD mạnh hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với các kim loại cơ bản và rủi ro thường nghiêng về phía giảm.
Tăng trưởng sản xuất đang chậm lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi nguy cơ suy thoái ngày càng tăng ở Mỹ đặt ra mối đe dọa mới đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đồng được sử dụng trong lĩnh vực điện, xây dựng và được coi là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, đã giảm hơn 20% kể từ khi đạt mức đỉnh 10.845 USD/tấn vào tháng 3/2022.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, trong tháng 5/2022, sản lượng nhà máy của Nhật Bản đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp do sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi việc “khóa Covid” nghiêm ngặt ở Trung Quốc.
Tại Chile, các nhà lãnh đạo công đoàn tại công ty khai thác mỏ quốc doanh Codelco - nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, đã đạt được thỏa thuận với công ty để chấm dứt cuộc đình công quốc gia về quyết định đóng cửa một nhà máy luyện nằm trong khu vực ô nhiễm cao.
Giá các kim loại khác trên Sàn giao dịch kim loại London cũng có sự thay đổi với giá nhôm giảm 0,4% xuống 2.467 USD/tấn; kẽm tăng 0,2% lên 3.499,5 USD/tấn; chì tăng 0,2% lên 1.950,5 USD/tấn; thiếc giảm 1,8% xuống 26.500 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 trong phiên trước đó.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá nhôm giảm 1,4%; kẽm giảm 2,6%; nikel giảm 7,5%; chì giảm 1,3% và thiếc giảm 7,2%.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên 24/6 tăng 1% lên 736 CNY (tương đương 109,9 USD)/tấn, nhưng giảm 11% trong tuần qua- mạnh nhất kể từ giữa tháng 2/2022.
Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 7/2022 giảm 1% xuống 115 USD/tấn.
Trên thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc giao dịch tại 117,5 USD/tấn trong ngày 23/5. Giá đã giảm xuống 112,5 USD trong phiên trước đó, mức thấp nhất kể từ 10/12/2021, theo số liệu của Công ty SteelHome.
Tại TP. Đường Sơn - trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, có 56/126 lò cao bị đóng cửa để bảo dưỡng, do các nhà máy phải vật lộn để đối phó với lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu và tồn kho cao.
Những hạn chế do Covid-19 đã gây áp lực cho lĩnh vực bất động sản và những gián đoạn của hoạt động xây dựng bởi thời tiết không thuận lợi là những yếu tố bất lợi cho lĩnh vực thép của Trung Quốc, thế nhưng giá thép vẫn đi lên.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép thanh tăng 0,5% và thép cuộn cán nóng tăng 0,4%, trong khi thép không gỉ giảm 2,5%. Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá than luyện cốc giảm 0,6%, nhưng than cốc tăng 0,5%.
Nông sản: Ngô và đậu tương tăng giá, lúa mì giảm
Trên Sàn giao dịch Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 đóng cửa phiên 24/7 tăng 17-1/2 US cent lên 16,10-3/4 USD/bushel. Thị trường dầu thô mạnh bổ sung hỗ trợ cho đậu tương.
Giá ngô cũng tăng sau khi thị trường này giảm 3,3% sau 4 phiên. Cụ thể, ngô CBOT kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 3-1/2 US cent lên 7,50-1/4 USD/bushel. Hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 18-1/2 US cent lên 6,74 USD.
Sau khi nhiệt độ trong tuần này giảm xuống sau một đợt nắng nóng, trọng tâm là lượng mưa sẽ đến vùng Trung Tây Mỹ khi các cây ngô và đậu tương tiến đến các giai đoạn tăng trưởng quan trọng trong mùa hè.
Lúa mì giảm do áp lực bởi vụ thu hoạch đang diễn ra ở các khu vực trồng lúa mì vụ đông của Mỹ. Theo đó, lúa mì vụ đông mềm đỏ giảm 13-1/2 US cent xuống 9,23-3/4 USD/bushel và lúa mì vụ đông cứng đỏ kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 12 US cent xuống 9,93 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, doanh số xuất khẩu lúa mì hàng tuần đạt tổng cộng 477.800 tấn, cao hơn mức cao nhất của dự báo thương mại dao động từ 150.000-400.000 tấn.
Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê và đường cùng giảm giá, cao su diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần qua, đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 0,1% xuống 18,37 US cent/lb sau khi giảm xuống mức 18,23 US cent, thấp nhất kể từ ngày 1/3/2022. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 cũng giảm 1,3% xuống 543,6 USD/tấn.
Các quỹ phòng hộ đang bán đường kỳ hạn do kinh tế vĩ mô yếu kém và lo ngại suy thoái cũng như thời tiết thuận lợi hơn. Đồng USD mạnh, còn đồng real của Brazil yếu là yếu tố bất lợi cho đường, cà phê.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 5,75 US (-2,5%) xuống 2,2325 USD/lb sau khi giảm về 2,2225 USD/lb, mức thấp nhất trong hơn một tuần qua. Cà phê robusta cùng kỳ hạn cũng giảm 42 USD (-2%) xuống 2.044 USD/tấn.
Cả cà phê arabica và ca cao là những mặt hàng xa xỉ, do nhu cầu tiêu dùng và chi tiêu đang chậm lại cũng như niềm tin thấp bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới nhu cầu và giá của những sản phẩm này. Dự trữ cà phê arabica được sàn ICE chứng nhận giảm 13.760 bao trong ngày 24/6/2022 xuống còn hơn 955.000 bao, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2000.
Giá cao su Nhật Bản gần như ổn định do đồng JPY mạnh lên và lo ngại về lạm phát trong nước tăng cao, nhưng hy vọng về nhu cầu cao su tự nhiên phục hồi tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 24/7 tăng 0,1 JPY lên 253,9 JPY (1,89 USD)/kg, nhưng cả tuần giảm 0,4%.
Lạm phát tiêu dùng lõi hàng năm của Nhật Bản trong tháng 5/2022 vượt mục tiêu tháng thứ hai liên tiếp, làm nổi bật sức ép ngày càng tăng với nền kinh tế của nước này khi chi phí nguyên liệu thô toàn cầu tăng cao. Thăm dò của Reuters cho thấy, hoạt động sản xuất của Nhật Bản có thể giảm trong tháng 5 - tháng thứ hai liên tiếp, do gián đoạn chuỗi cung ứng bởi phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 90 CNY lên 12.800 CNY (1.912,30 USD)/tấn.
Nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc trong tháng 6/2022 dường như được cải thiện hơn với 2 tháng trước đó.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |