Hôm 16/6 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2007, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã nâng lãi suất điều hành. Động thái này đã đưa đồng Franc vọt lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Vài giờ sau, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng thông báo nâng lãi suất và dự báo sẽ còn vài đợt nâng lãi suất lớn hơn nữa…
Giá trị của tiền tệ đã nổi lên như một phần ngày càng lớn của phương trình lạm phát. Nhà kinh tế học Michael Cahill của Goldman Sachs Group nói rằng ông không thể nhớ lần gần đây nhất mà ngân hàng trung ương các nước đua nhau làm cho đồng tiền của mình mạnh hơn là khi nào, nghĩa là đã lâu rồi không xảy ra tình trạng này.
Thị trường ngoại hối gọi đó là "cuộc chiến tiền tệ ngược", vì trong hơn một thập kỷ qua, các quốc gia thường làm ngược lại. Họ chủ động làm đồng tiền của mình yếu hơn để bán được hàng ra nước ngoài với giá cạnh tranh hơn, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ đây, khi giá cả mọi loại hàng hóa, từ nhiên liệu, thực phẩm đến các thiết bị gia dụng tăng cao, mà nhiều nơi phải nhập khẩu nên việc tăng cường sức mua đột nhiên trở nên quan trọng hơn.
Theo Bloomberg, đó là một trò chơi nguy hiểm, bởi nếu không được kiểm soát, điều này có nguy cơ gây ra sự biến động lớn về giá trị của các loại tiền tệ, các nhà sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu và các công ty đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng xấu. Trong khi đó, gánh nặng lạm phát càng lan ra trên toàn cầu.
Một trong những can thiệp quy mô lớn đáng chú ý nhất của Chính phủ Mỹ vào thị trường tiền tệ là vào năm 1985. Giá trị của đồng bạc xanh đã tăng vọt trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan (do lãi suất dài hạn tăng), lên mức cao nhất so với đồng bảng Anh.
Ban đầu, Nhà Trắng coi đây là sự tôn vinh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, nhưng những hạn chế của việc USD tăng giá đã nhanh chóng bộc lộ khi các nhà sản xuất Mỹ than phiền rằng ngày càng khó tiếp thị hàng hóa ra nước ngoài. Uớc tính, hàng trăm công ty Mỹ đã mất hàng tỷ USD đơn đặt hàng quốc tế hàng năm vào tay đối thủ Nhật Bản do USD mạnh hơn ở thời điểm đó.
Vào tháng 9/1985, lãnh đạo Fed đã gặp gỡ các người đồng cấp của Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh tại khách sạn Plaza ở New York để ký "Hiệp ước Plaza"; trong đó có kế hoạch khiến đồng tiền của Mỹ giảm giá 40% trong hai năm tiếp theo, cho đến khi các bộ trưởng tài chính ký "Hiệp định Louvre" ở Paris để chấm dứt nỗ lực này. Kể từ đó, các chính phủ hiếm khi can thiệp rõ ràng vào giá trị đồng tiền, nhưng vẫn có những hành động quy mô nhỏ hơn.
Chẳng hạn, vào năm 2010, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã nhắc đến "cuộc chiến tiền tệ" khi ông cáo buộc các quốc gia bao gồm Thụy Sĩ và Nhật Bản cố tình làm suy yếu đồng tiền của họ để tăng khả năng cạnh tranh ở nước ngoài.
Hay trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã khiến một số chuyên gia nước ngoài bất bình khi từ chối cho phép đồng Nhân dân tệ mạnh lên, nhằm giúp hàng xuất khẩu nước này duy trì mức giá rẻ. Khi Mỹ và Trung Quốc chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã cho phép đồng Nhân dân tệ giảm sâu xuống dưới mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Động thái này đã khiến Bộ Tài chính Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" cho chính quyền Trung Quốc.
Trong cuộc chiến tiền tệ ngày nay, việc USD mạnh lên được cho là sẽ gây thiệt hại cho Mỹ nhiều nhất nếu mục tiêu kiềm chế lạm phát của Fed không thành công. Chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhấn mạnh cam kết rằng tỷ giá hối đoái là "do thị trường quyết định".
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Jeffrey Frankel của Đại học Harvard cho biết, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước xuất khẩu như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước dễ bị tổn thương nhất, bởi "điều tồi tệ nhất trong các nền kinh tế mới nổi là để đồng tiền của bạn giảm giá so với đồng USD khi bạn đang mắc nợ bằng đồng USD".