Thị trường hàng hóa tuần từ 16-23/10: Dầu, vàng giảm giá, nông sản bật tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Số ca nhiễm Covid-19 mới tăng, e ngại dư thừa nguồn cung dầu hay kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ… là những thông tin tác động lên giá dầu và vàng tuần qua, trong khi nhu cầu tăng giúp giá nhiều mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp tăng theo.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu quay đầu giảm, khí đốt bật tăng mạnh

Kết thúc tuần từ 16-23/10, giá dầu Brent giảm từ 42,73 USD/thùng xuống 42,22 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%. Giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm từ 40,69 USD/thùng xuống 40,36 USD/thùng, tức giảm gần 1%. Cả hai loại dầu đều có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần qua.

Các nhà phân tích cho biết, số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng ở châu Âu và Mỹ có khả năng hạn chế nhu cầu nhiên liệu. Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cũng dự kiến tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021 sau khi cắt giảm sản lượng kỷ lục hồi đầu năm, gây áp lực đối với giá dầu.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co BKR.N cho hay, tại Mỹ, các công ty năng lượng đã tăng số lượng giàn khoan lên 5 giàn để nâng tổng số lên 287 giàn trong tuần tính đến ngày 23/10/2020- nhiều nhất kể từ tháng 5/2020.

Theo số liệu công bố ngày 25/10 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Brazil đã vượt qua Iraq trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Trung Quốc trong tháng 9/2020, trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tìm kiếm được nguồn cung dầu chất lượng tương đối cao với giá rẻ từ nhà xuất khẩu Nam Mỹ này.

Trong khi giá dầu quay đầu giảm thì giá khí tự nhiên hóa lòng (LNG) tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá LNG tăng khoảng 7%, từ 2,773 USD/ mmBtu lên 2,971 USD/mmBTu, cũng là tuần thứ 5 tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2019.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đạt trung bình 86,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến tháng 10/2020. Đây là mức thấp nhất trong một tháng kể từ tháng 10/2018. Sản lượng đạt mức cao nhất là 95,4 bcfd đạt được vào tháng 11/2019.

Refinitiv dự báo nhu cầu trung bình sẽ tăng từ 89,9 bcfd trong tuần qua lên 97,5 bcfd vào tuần này, trước khi giảm xuống 97,1 bcfd trong 2 tuần kế tiếp khi các máy phát điện dự kiến đốt ít khí hơn.

Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG cho đến nay đạt trung bình 7,1 bcfd trong tháng 10/2020, tăng từ mức 5,7 bcfd trong tháng 9 - là mức cao nhất trong một tháng kể từ tháng 4/2020 và đưa xuất khẩu trên đà tăng tháng thứ 3 liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Kim loại: Đa phần giảm giá

Với nhóm kim loại quý, đóng cửa phiên cuối tuần 23/10, giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp do giới đầu tư giảm hy vọng vào gói kích thích kinh tế Mỹ, sau khi IHS Markit công bố chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của Mỹ tăng trong tháng 10/2020.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.903,07 USD/ounce; vàng giao sau vững ở mức 1.905,2 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng 0,1%.

Cũng phiên cuối tuần, giá bạc giao tháng 12/2020 giảm 0,8 % xuống 24,55 USD/ounce; bạch kim giao tháng 1/2021 tăng 2% lên 904,36 USD/ounce và paladi tăng 0,6%, lên 2.389,07 USD/ounce.

David Meger, giám đốc mảng giao dịch kim loại tại Công ty Tư vấn High Ridge Futures cho rằng, thị trường vàng đang ở chế độ “chờ đợi" diễn biến tiếp theo của cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ. Theo chuyên gia này, dường như Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chưa "tìm được tiếng nói chung" trong một số vấn đề, nhưng thị trường vẫn nuôi hy vọng sẽ có một gói kích kích thích nào đó được thực hiện.

Robin Bhar, một nhà phân tích độc lập nhận định, giá vàng có khả năng đi ngang cho đến khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, Goldman Sachs gần đây dự báo, giá vàng sẽ tăng lên mức 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới, khi chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển tiếp tục đẩy lãi suất xuống thấp và thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa lạm phát.

Với nhóm kim loại công nghiệp, đóng cửa phiên 23/10, giá đồng giảm do một số nhà đầu tư nghi ngờ giá gần đây đã tăng quá mức trong khi các yếu tố cơ bản (cung - cầu) không lạc quan đến thế.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,7% xuống 6.874 USD/tấn, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng 2% và mức giá hiện tại cao hơn 50% so với hồi cuối tháng 3/2020.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và kết thúc một tuần giảm thứ 2 liên tiếp do tồn kho ở cảng ngày càng tăng. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 3,1% xuống 772 CNY (115,68 USD)/tấn; tính chung cả tuần giảm 1,8%.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc đứng ở mức 120,5 USD/tấn trong ngày 23/10, không đổi so với phiên liền trước. Tồn kho quặng sắt tại các cảng ở Trung Quốc tăng 2,7% trong tuần này so với tuần trước, lên 127,8 triệu tấn, đánh dầu mức cao nhất trong 8 tháng qua, theo Công ty Tư vấn SteelHome.

Giá thép thanh trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 3.616 CNY/tấn, hợp đồng này giảm 0,4% trong tuần. Thép cuộn cán nóng giảm 0,7% xuống 3.785 CNY/tấn, nhưng tăng 2,6% trong tuần. Thép không gỉ kỳ hạn tháng 12 giảm 0,6% xuống 14.535 CNY/tấn.

Nông sản: Lúa mì tăng cao nhất trong 6 năm

Kết thúc phiên giao dịch 23/10, trên Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT), giá các loại nông sản giao kỳ hạn đồng loạt tăng. Trong đó, lúa mì tăng mạnh nhất trong nhóm ngũ cốc, lên mức cao nhất trong 6 năm do lo ngại về hạn hán ở vùng trồng chính, cùng với một loạt các cuộc đấu thầu ở nước ngoài cho thấy nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ. Giá đậu tương phục hồi lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2016 trong khi ngô đạt mức cao nhất trong 14,5 tháng.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 đóng cửa tăng 10 US cent lên 6,32-3/4 USD/bushel; giá ngô giao tháng 12 tăng 3 US cent lên 4,19-1/4 USD/bushel; giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 10 US cent lên 10,83-3/4 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Dầu đậu tương và khô đậu tương cũng tăng mạnh theo giá đậu tương. Kết phiên, giá dầu đậu tương tăng 1,5% lên 742,7 USD/tấn, giá khô đậu tương tăng 0,9% lên 394,5 USD/tấn.

Chính quyền Trung Quốc dự kiến công bố thêm hạn ngạch nhập khẩu và mua hàng triệu tấn ngô bổ sung trong năm niên vụ mới. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì cho biết, có khoảng 100.000 tấn ngô Mỹ đã được bán cho một nguồn giấu tên. Trong khi đó, lúa mỳ và đậu tương Mỹ không ghi nhận đơn hàng mới nào. Nhu cầu đậu tương Mỹ của Trung Quốc đã chậm lại trong tuần này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đảm bảo mua 31 triệu tấn đậu tương Mỹ trong mùa vụ 2020-2021.

Tại thị trường gạo châu Á, tình hình bão lũ đã làm chậm quá trình thu hoạch mùa màng tại khu vực này trong tuần từ 16-23/10, đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Bangladesh tăng cao. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 485-495 USD/tấn so với mức 485-490 USD/tấn trong tuần trước nữa.

Tuy nhiên, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 435-440 USD/tấn trong tuần qua so với mức 445-480 USD/tấn trong tuần trước nữa do nhu cầu yếu.

Tương tự, nhu cầu yếu kém và đồng rupee mất giá tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã đẩy giá gạo 5% tấm của nước này xuống mức 372-377 USd/tấn trong tuần qua so với mức 376-382 USD/tấn của tuần trước nữa. Dù vậy, xuất khẩu gạo Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng gần 42% so với năm trước đó lên mức cao kỷ lục 14 triệu tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su, đường tiếp tục leo cao, cà phê hạ nhiệt

Giá cao su Nhật Bản tăng trong tất cả các phiên của tuần 16-23/10, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong hơn 7 năm do ngày càng lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 12,3 JPY (+5,6%) lên 232,1 JPY (2,22 USD)/kg, trong phiên có lúc giá đạt 233,9 JPY cao nhất kể từ ngày 7/9/2017. Giá đã tăng 15,7% trong cả tuần này, đánh dấu tuần thứ 3 tăng liên tiếp và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2013.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 30 CNY lên 14.840 CNY (2.225 USD)/tấn và là tuần thứ 3 tăng liên tiếp.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 23/10, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 0,06 US cent (-0,4%) về mức 14,72 US cent/lb sau khi chạm mức cao nhất 8 tháng là 14,94 US cent trong phiên trước đó.

Dù hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, song giá đường vẫn tăng 1,7% trong tuần này, cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp; đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 3,4 USD (-0,9%) xuống 395,6 USD/tấn.

Trung Quốc nước tiêu thụ đường hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 540.000 tấn đường trong tháng 9/2020, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2019. Các nhà kinh doanh đường cho biết, việc trì hoãn chính sách trợ cấp xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ khiến thị trường trở nên khó dự đoán, nhưng xu hướng tăng giá có thể lên tới trên 15 US cent ít nhất trong ngắn hạn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 chốt phiên cuối tuần giảm 1,1 US cent (-1%) xuống 1,056 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 2 USD (-0,2%) xuống 1.305 USD/tấn.

Trong phiên trước đó, giá cả 2 mặt hàng này cùng tăng mạnh nhờ yếu tố kỹ thuật khi tâm lý mua bắt đáy được khởi động sau khi giá cà phê chạm đáy trong vòng 3 tháng sau phiên giao dịch đầu tuần 19/10 cộng hưởng với việc giới đầu tư tiến hành mua tất toán các vị thế mở bán trước đó, sau khi có dự báo lượng mưa tại các vùng trồng cà phê lớn của Brazil sẽ có ít mưa hơn trong tuần tới.

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài tại miền Trung Việt Nam cũng khiến giới thương nhân lo ngại nguồn cung và chất lượng cà phê Robusta đi xuống, đẩy giá mặt hàng này tăng lên. Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định, trong dài hạn giá cà phê sẽ khó có thể duy trì trạng thái phục hồi do mức tiêu thụ toàn cầu vẫn rất ảm đạm.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục