Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước "trưởng thành"

0:00 / 0:00
0:00
Chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là trong công nghiệp.
9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Đánh giá về tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương cho biết, chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực xuất khẩu, đặc biệt là trong công nghiệp.

Năm 2001, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng dần, đạt cao nhất khoảng 71,4% vào năm 2018.

Kể từ năm 2019, xuất khẩu doanh nghiệp trong nước đã tăng mạnh, trong khi khu vực FDI tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, còn chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xét về vai trò, doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...).

Nếu như trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Đến 9 tháng năm 2020, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 1%.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Bộ Công Thương khẳng định, trong giai đoạn tới, cần quan tâm và chú trọng hơn trong việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho doanh nghiệp FDI tạo ra.

Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp: hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam; chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với sản xuất trong nước.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục