Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 8-15/2: Vàng tăng giá tuần thứ 7 liên tiếp, dầu ngắt chuỗi 3 tuần giảm, cà phê và ca cao cũng đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 8-15/2, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó vàng tăng giá tuần thứ 7 liên tiếp, cà phê và ca cao cũng đi lên, dầu ngắt chuỗi 3 tuần giảm liên tục…
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 8-15/2: Vàng tăng giá tuần thứ 7 liên tiếp, dầu ngắt chuỗi 3 tuần giảm, cà phê và ca cao cũng đi lên

Năng lượng: Dầu ngắt chuỗi giảm, khí LNG bật tăng

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới đã ổn định vào thứ Sáu (14/2) nhờ triển vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm bớt tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 28 Uscent (-0,37%) về 74,74 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 55 Uscent (-0,77%) về 70,74 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 0,11% và dầu WTI giảm 0,37%.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng vọt lên 103,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd), tăng 1,4 triệu bpd so với năm trước.

Các công ty năng lượng Mỹ tuần qua đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ ba liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2023, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes (BKR.O) cho hay. Số lượng giàn khoan dầu và khí đốt - một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai - đã tăng 2 giàn lên 588 giàn trong tuần tính đến ngày 14/2/2025.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 3 tuần vào thứ Sáu (14/2) do lưu lượng tăng đến các nhà máy xuất khẩu LNG, sản lượng hàng ngày giảm và dự báo thời tiết lạnh hơn sẽ nâng cao nhu cầu sưởi ấm dự kiến vào tuần tới.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 9,7 cent (+2,7%) lên 3,725 USD/mmBtu - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 24/1/2025. Trong tuần, hợp đồng này tăng khoảng 13%, sau khi tăng khoảng 9% vào tuần trước nữa.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ tăng lên 105,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 2, từ mức 102,7 bcfd vào tháng. Với thời tiết lạnh hơn, LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 138,7 bcfd trong tuần này lên 147,9 bcfd vào tuần tới, trước khi giảm xuống 134,4 bcfd trong 2 tuần kế tiếp khi thời tiết ấm lên.

Lượng khí đốt chảy vào 8 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ tăng lên mức trung bình 15,3 bcfd cho đến nay trong tháng 2, từ mức 14,6 bcfd vào tháng 1. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12/2023.

Kim loại: Vàng tăng giá tuần thứ 7 liên tiếp, quặng sắt và thép cũng tăng, đồng quay đầu giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm vào thứ Sáu bởi hoạt động bán chốt lời, song vẫn tăng tuần thứ 7 liên tiếp do lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu sau động thái thúc đẩy áp thuế qua lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 2.882,99 USD/ounce trong phiên 14/2, nhưng cả tuần vẫn tăng 0,8%. Hợp đồng vàng kỳ hạn 2 tháng giảm 1,5% xuống 2.900,70 USD/ounce.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 1 đã giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm mạnh vào đầu quý I/2025. Tuy nhiên, các nhà giao dịch dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến tháng 9/2025 do lo ngại về lạm phát cao.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tại London giảm sau khi đạt mức cao nhất thơn 3 tháng khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ không cao như dự đoán, bù đắp cho triển vọng nhu cầu được cải thiện tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu là Trung Quốc.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,3% xuống 9.456 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/11/2024 là 9.684,50 USD/tấn.

Trong khi đó, các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng 1 tăng mạnh hơn dự kiến lên mức cao kỷ lục khi ngân hàng trung ương hành động để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, củng cố kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích hơn trong những tháng tới.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tương lai tăng trong phiên 14/2, được hỗ trợ bởi mối lo ngại gia tăng về gián đoạn nguồn cung do bão ở Úc.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 0,67% lên 824 CNY (tương đương 113,14 USD)/tấn và tăng 0,5% trong tuần. Giá quặng sắt chuẩn giao tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,73% lên 108,3 USD/tấn và tăng 1,8% trong tuần.

Trung tâm xuất khẩu quặng sắt của Úc - lớn nhất thế giới - đã chuẩn bị cho một cơn bão nhiệt đới mạnh, buộc phải đóng cửa tất cả các cảng hàng hóa lớn ở phía Tây Bắc của nước này. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu mức cao kỷ lục 1,24 tỷ tấn quặng sắt vào năm 2024, trong đó 60% đến từ Úc.

Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày đã đảo chiều, giảm 0,2% so với tuần trước nữa xuống còn 2,28 triệu tấn, tính đến ngày 13/2/2025, theo khảo sát của Công ty Tư vấn Mysteel.

Các thành phần sản xuất thép khác trên DCE đã giảm, với giá than cốc và than luyện cốc lần lượt giảm 1,35% và 0,7%. Các chuẩn mực thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng: Giá thép cây tăng 0,12%; thép cuộn tăng 0,21%; thép thanh tăng 0,17%; trong khi thép không gỉ giảm 0,41%.

Nông sản: Đồng loạt tăng giá

Trên sàn CBOT, hợp đồng lúa mì mùa Đông đỏ mềm tháng 3 tăng 22,25 cent lên 6 USD/giạ; lúa mì cứng đỏ mùa Đông giao tháng 3 tăng 23 cent lên 6,2125 USD/giạ; lúa mì Xuântăng 16,75 cent lên 6,3305 USD/giạ.

Các nhà phân tích nhận định, đợt tăng này chủ yếu đến từ việc các quỹ hàng hóa đóng vị thế bán khống, khi thời tiết lạnh giá tại khu vực Biển Đen và vùng Đồng bằng Mỹ làm dấy lên lo ngại về thiệt hại mùa màng. Nhiệt độ thấp ở Nga và Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lúa mì cứng mùa Đông, đặc biệt trong bối cảnh thiếu lớp tuyết phủ bảo vệ cây trồng. Tại Pháp, dữ liệu từ FranceAgriMer cho thấy, tình trạng lúa mì mềm tiếp tục suy giảm đáng kể từ tháng 12/2024, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Hợp đồng ngô tháng 3 tăng 2,34 cent lên4,9625 USD/giạ. Giá ngô được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn kéo dài tại Argentina, một trong những nước xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới. Ngoài ra, đồng USD suy yếu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng kế hoạch áp thuế quan toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo doanh số bán hàng xuất khẩu ngô hàng tuần đạt 1.999.100 tấn, vượt xa kỳ vọng 800.000 - 1.700.000 tấn. Trong khi đó, một thỏa thuận riêng lẻ cho thấy các nhà xuất khẩu đã bán 100.000 tấn ngô cho Colombia trong vụ giao hàng năm 2024/2025.

Giá đậu tương tương lai tháng 3 tăng 6 cent lên 10,36 USD/giạ; bột đậu nành tháng 3 tăng 3,2 USD lên 295,90 USD/tấn ngắn; trong khi dầu đậu nành cùng kỳ hạn giảm nhẹ 0,18 cent xuống 46,07 cent/pound.

Thị trường đậu tương được hỗ trợ nhờ tình trạng khô hạn tại Argentina, nhưng xuất khẩu đậu tương Mỹ lại thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ không áp thêm thuế quan đã giúp giảm bớt lo ngại về nguy cơ xung đột thương mại với Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Một diễn biến đáng chú ý khác đến từ Brazil, khi Conab - cơ quan quản lý cây trồng nước này, hạ dự báo sản lượng đậu tương do ảnh hưởng của hạn hán ở miền Nam, nhưng lại nâng ước tính về nguồn cung ngô. Trong khi đó, Hiệp hội Nông dân Brazil đang khuyến nghị loại bỏ điều khoản tuân thủ luật chống phá rừng của EU khỏi hợp đồng bán đậu tương, làm dấy lên tranh cãi về quy định thương mại quốc tế.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cao su, cà phê và ca cao đều tăng, dù biến động mạnh

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, trên sàn ICE, hợp đồng đường thô tháng 3 tăng 0,25 cent (+1,2%) lên 20,42 cent/pound, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng là 20,45 cent/pound. Hợp đồng đường trắng tháng 5 cũng tăng 1,5% lên 537,5 USD/tấn. Thị trường ghi nhận tổng cộng 411.200 tấn đường trắng, chủ yếu từ Guatemala, đã được đấu thầu theo hợp đồng tháng 3/2025.

Giá đường được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm do xuất khẩu từ Ấn Độ chậm lại. Giá đường nội địa tăng cao khiến nước này có thể không hoàn thành hạn ngạch xuất khẩu một triệu tấn hiện tại. Theo BMI, điều kiện thời tiết bất lợi tại các bang sản xuất đường chính đã khiến một số nhà máy phải ngừng hoạt động, làm giảm khả năng nới lỏng hạn chế xuất khẩu. Tại Brazil, tình trạng khô hạn kéo dài đang ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung trong thời gian tới.

Hợp đồng cà phê Arabica tháng 5 trên sàn ICE giảm mạnh 17,7 cent (-4,2%) xuống 4,074 USD/pound, sau khi đạt mức cao kỷ lục 4,2995 USD/pound vào thứ Ba. Dù vậy, cà phê Arabica vẫn tăng 2,7% trong tuần. Tương tự, hợp đồng cà phê Robusta tháng 5 giảm 1,1% về mức 5.726 USD/tấn, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 5.849 USD/tấn thiết lập vào thứ Năm.

Các chuyên gia nhận định, đà giảm xuất phát từ hoạt động chốt lời vào cuối tuần, trong bối cảnh các nhà rang xay tranh thủ mua vào khi giá xuống thấp. Tuy nhiên, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn hẹp và triển vọng sản lượng Arabica ở Brazil trong năm nay giảm sút.

Theo khảo sát của Reuters, giá cà phê Arabica tương lai dự báo giảm khoảng 30% vào cuối năm 2025, do nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi giá cao gần đây, trong khi vụ mùa năm 2026 của Brazil có dấu hiệu bội thu. Ngoài ra, thị trường cũng phản ứng trước thông tin Central do Café - doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Minas Gerais, Brazil tạm ngừng hoạt động để đàm phán lại các khoản nợ.

Giá ca cao trên cả hai sàn giao dịch đều sụt giảm trong phiên cuối tuần qua. Cụ thể, hợp đồng ca cao New York tháng 5 giảm 213 USD (-2%) xuống 10.325 USD/tấn, nhưng vẫn tăng 2% trong tuần. Tại London, hợp đồng ca cao cùng kỳ hạn giảm 1,7% về mức 8.139 GBP/tấn. Mặc dù giá vẫn ở mức cao, thị trường đang điều chỉnh sau đợt tăng nóng trong những tuần gần đây.

Giá cao su tại Nhật Bản phục hồi vào thứ Sáu (14/2), kết thúc tuần tăng khi triển vọng nguồn cung từ các nhà sản xuất châu Á giảm xuống át đi lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 7 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) đóng cửa tăng 9,9 JPY (+2,7%) lên376,6 yên (2,47 USD)/kg. Trên sàn SHFE, hợp đồng cao su giao tháng 5 tăng 190 CNY (+1,07%) lên 17.935 CNY (2.466,07 USD)/tấn và tăng 1,97% trong tuần.

Tổng nguồn cung cao su tự nhiên đã giảm đáng kể khi sản xuất ở nước ngoài bước vào mùa thấp điểm, nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Trung Quốc Longzhong Information cho biết trong một lưu ý.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục