Sản xuất, kinh doanh thép chưa vơi trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận tích luỹ nhiều năm bị bào mòn đối với một số doanh nghiệp thương mại thép khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, đồng thời phát sinh nhiều khoản phải thu của các công ty bất động sản, công ty xây dựng, nhưng chậm trả.
Ngành thép được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025 (Ảnh: Lê Toàn) Ngành thép được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025 (Ảnh: Lê Toàn)

Chưa hết khó

Nếu như năm 2023 là năm khó khăn chung của ngành thép do ảnh hưởng của ngành bất động sản, thì năm 2024 được kỳ vọng là năm hồi phục từ nền thấp, song sự phục hồi này đang có dấu hiệu phân hóa.

Đối với doanh nghiệp sản xuất như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã GDA), Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (mã TVN)… sự tăng trưởng thể hiện rõ trong năm 2024, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu hồi phục.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp thương mại lại cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác, kinh doanh lao dốc và chưa có dấu hiệu khởi sắc khi thua lỗ kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tài chính.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH), trong năm 2024 đã thực hiện đổi Tổng giám đốc khi miễn nhiệm bà Phạm Thị Hồng, đồng thời bầu ông Phạm Thanh Hòa lên quyền Tổng giám đốc. Dù đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay lãnh đạo chủ chốt, nhưng kết thúc năm 2024, Thép Tiến Lên vẫn ghi nhận lỗ kỷ lục 585,94 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 3,96 tỷ đồng.

Ngoài việc lỗ kỷ lục, Thép Tiến Lên còn gặp các vấn đề tài chính đáng lưu ý như: tại thời điểm cuối năm 2024 đã xóa toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm, nâng tổng lỗ luỹ kế lên 22,7 tỷ đồng; tăng dư nợ vay thêm 587,9 tỷ đồng trong năm 2024, lên 2.038,4 tỷ đồng, bằng 162% vốn chủ sở hữu, trong khi đầu năm tỷ lệ này chỉ 77,9% (trung bình ngành, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu năm 2023 chỉ 72%); tiếp tục tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong năm 2024 từ 12,5 tỷ đồng lên 119,5 tỷ đồng.

Được biết, tại thời điểm cuối năm 2024, Thép Tiến Lên có tồn kho 2.573 tỷ đồng, chiếm 65,4% tổng tài sản. Trong đó, việc trích lập giảm giá tồn kho liên quan tới hàng hóa, nguyên vật liệu giảm giá.

Áp lực cạnh tranh thị trường nội tăng lên

Các doanh nghiệp ngành thép trong nước cũng đang gặp thêm rủi ro khi Mỹ vừa công bố thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Với Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC (Công ty SMC), khó khăn còn tăng lên nhiều lần, khi doanh nghiệp đã lỗ liên tiếp 2 năm (2022 và 2023).

Bước sang năm 2024, Công ty SMC đã thực hiện nhiều giải pháp, từ thanh lý tài sản, bán tòa nhà trụ sở, chuyển quyền sử dụng đất tại nhà máy Đà Nẵng, thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Thép Nam Kim, cắt giảm nhân sự… Tuy nhiên, kết thúc năm 2024, SMC vẫn ghi nhận năm thứ ba liên tiếp thua lỗ, với khoản lỗ 269,65 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2024, tổng lỗ luỹ kế của SMC là 438,5 tỷ đồng, bằng 59,5% vốn điều lệ.

Trước tình hình kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhắc nhở về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SMC.

Thực tế, trong thời gian qua, bên cạnh việc kinh doanh gặp khó do giá thép giảm sâu, Công ty SMC còn gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ, đặc biệt liên quan tới nợ xấu của công ty xây dựng, chủ đầu tư bất động sản gặp khó về thanh khoản.

Tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2024, khi nói về hướng xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, Công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng số lên gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. Trong đó, SMC nhất định phải xử lý trong năm 2024, có thể là trước thời điểm 30/6, các phương án xử lý bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ”.

Tuy nhiên, xem xét Báo cáo tài chính năm 2024, danh sách nợ xấu tại thời điểm 31/12/2024, Công ty SMC đã tăng dự phòng nợ xấu thêm 109,9 tỷ đồng, lên 663,2 tỷ đồng và bằng 51,44% tổng các khoản phải thu có nguy cơ mất vốn. Trong đó, danh sách nợ xấu toàn các công ty bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền và vẫn chưa biết thời điểm có thể thu hồi công nợ.

Thêm nữa, dù chuyển đổi 104,8 tỷ đồng nợ phải thu của Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) trong năm 2024, nhưng Công ty SMC ngay lập tức trích lập dự phòng 49,5 tỷ đồng, bằng 47,2% tổng giá trị nợ chuyển đổi thành cổ phiếu.

Có thể thấy, nợ phải thu không thu được kéo dài, đồng thời nếu chuyển đổi sang cổ phiếu cũng giảm giá trị khoản phải thu, những khó khăn này vẫn chưa biết thời điểm nào có thể giải quyết khi Công ty SMC đang sử dụng thêm 927,6 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn trên 1 năm, điều này tiếp tục tăng rủi ro mất cân đối tài chính.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thép trong nước cũng đang gặp thêm rủi ro khi Mỹ vừa công bố thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Theo dữ liệu của Chính phủ và Viện sắt và thép Mỹ, các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam.

Trước đây, khi thị trường nội địa khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam có thể chuyển hướng sang xuất khẩu để tập trung cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, với việc Mỹ áp thuế lên nhiều quốc gia, thị trường xuất khẩu dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, vì vậy, áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa dự kiến tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

Duy Bắc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục