Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/11-2/12: Giá dầu ngắt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp, kim loại đồng loạt bật tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 25/11-2/12, việc thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp phòng chống Covid-19 đã kích thích nhóm kim loại đồng loạt bật tăng, giá dầu cũng quay đầu tăng giá sau 3 tuần giảm liên tiếp, trong khi nhóm nguyên liệu công nghiệp và nông sản đa phần giảm giá.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/11-2/12: Giá dầu ngắt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp, kim loại đồng loạt bật tăng

Năng lượng: Dầu tăng giá sau 3 tuần giảm liên tục, giá khí tự nhiên giảm tiếp 11%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm mạnh trước cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (được gọi là OPEC+) và lệnh cấm của châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (2/12), dầu thô Brent giảm 1,31 (-1,5%) xuống 85,57 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 1,24 USD (-1,5%) xuống 79,98 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính cả tuần, cả 2 loại dầu có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp, đạt lần lượt 2,5% và 5%.

OPEC+ dự kiến sẽ tuân thủ mục tiêu mới nhất là giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày, song một số nhà phân tích cho rằng, giá dầu thô có thể giảm nếu nhóm không cắt giảm thêm.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Nga có thể giảm thêm 0,5-1 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2023 do lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển của EU từ ngày 5/12/2022.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do việc khởi động lại nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport tại bang Texas bị chậm lại, dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn New York giảm 45,7 US cent (-6,8%) xuống 6,281 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 16/11/2022. Tính cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 11% sau khi tăng 19% trong 2 tuần trước đó.

Kim loại: Đồng loạt tăng giá

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm từ mức cao nhất gần 4 tháng, sau số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh, dấy lên mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,4% xuống 1.794,96 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/8/2022 (1.804,46 USD/ounce) trong đầu phiên giao dịch. Vàng kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.809,6 USD/ounce.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng tăng 2,2% và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Số liệu thống kê cho thấy, các nhà tuyển dụng lao động tại Mỹ thuê nhiều công nhân hơn so với dự kiến trong tháng 11/2022 và tăng lương bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế. Đồng thời, USD tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.

Tương tự, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo tại các kim loại quý khác với lực mua rất mạnh. Theo đó, giá bạc có mức tăng mạnh nhất 4,87% lên 22,84 USD/ounce; bạch kim tăng 1,5% lên 1054,9 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng được giao dịch trong biên độ hẹp, nhưng được thiết lập cho mức tăng hàng tuần do các nhà giao dịch đánh giá về tốc độ tăng lãi suất của Mỹ chậm hơn và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc.

Theo đó, trên sàn giao dịch London, giá đồng giao 3 tháng tăng 0,9% lên 8.411 USD/tấn và cả tuần tăng 5%. Trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 1/2023 được giao dịch nhiều nhất tăng 0,9% lên 66.240 CNY (9.415,11 USD)/tấn.

Việc USD giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tuần khiến các kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Một yếu tố hỗ trợ khác là hy vọng về nhu cầu từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới Trung Quốc gia tăng sau các dấu hiệu nới lỏng các biện pháp kiềm chế Covid-19 và hỗ trợ mới nhất cho lĩnh vực bất động sản của nước này.

Trên toàn cầu, sản lượng của nhà máy ở các quốc gia giảm, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, mặc dù suy thoái đã giảm bớt ở châu Âu.

Với các kim loại công nghiệp khác, trên sàn London, giá nhôm tăng 1% lên 2.510 USD/tấn; kẽm tăng 0,7% lên 3.101,5 USD/tấn; chì tăng 0,3% lên 2.179,5 USD/tấn, trong khi thiếc giảm 0,3% xuống 23.260 USD/tấn.

Còn trên sàn Thượng Hải, giá nhôm tăng 0,6% lên 19.245 CNY/tấn; nikel tăng 0,6% lên 202.320 CNY/tấn; kẽm tăng 1,6% lên 24.680 CNY/tấn và thiếc tăng 0,3% lên 187.180 CNY/tấn.

Trên thị trường sắt thép, giá quặng sắt kỳ hạn tăng trong phiên giao dịch cuối tuần qua (2/12) để đạt mức tăng hàng tuần, được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế Covid.

Cụ thể, trên sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng sắt giao tháng 1/2023 tăng 2,2% lên 787,5 CNY/tấn và tăng khoảng 5,2% trong tuần qua. Còn trên sàn Singapore, giá quặng sắt tháng 12/2022 tăng 2,7% lên 105,75 USD/tấn.

Giá thép cây được giao dịch nhiều nhất trên sàn Thượng Hải tăng 0,9% và thép không gỉ tăng 0,4%. Trên sàn Đại Liên, giá than cốc giảm 0,5%, trong khi than luyện cốc tăng 0,7%.

Bộ Tài chính Nhật bản cho biết, nước này sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với dây thép mạ kẽm nhúng nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời hạn 5 năm.

Nông sản: Giá ngô giảm 2,2%, lúa mì về mức thấp nhất gần 4 tháng, đậu tương nhích nhẹ

Giá lúa mì trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, khi xuất khẩu hàng tuần của Mỹ ở mức khiêm tốn, khiến các nhà đầu tư chuyển tập trung sang cạnh tranh nguồn cung giá rẻ hơn từ Biển Đen.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 2,8% xuống 7,61 USD/bushel - thấp nhất kể từ ngày 19/8/2022; ngô giảm 2,2% xuống 6,46-1/4 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương tăng 0,6% lên 14,38-1/2 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, dầu cọ và cà phê cùng giảm, cao su bật tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 0,6% xuống 19,48 US cent/lb, song vẫn cao hơn mức thấp nhất 2,5 tuần. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 0,9% xuống 532,9 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 2% xuống 1,626 USD/lb. Trong phiên trước đó, giá cà phê giảm 2,4% từ mức cao nhất 4 tuần. Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London giảm 0,1% xuống 1.888 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 2/12 theo xu hướng thị trường chứng khoán nội địa suy yếu bởi đồng JPY tăng mạnh gây áp lực lên giá, song cả tuần vẫn tăng khi nước mua hàng đầu Trung Quốc nới lỏng hạn chế Covid-19.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka giảm 1,1 JPY (-0,5%) xuống 216,7 JPY (1,6 USD)/kg, nhưng cả tuần vẫn tăng 2,1%. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 20 CNY lên 12.950 CNY (1.837 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore tăng 1% lên 134,1 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia có tuần giảm hơn 4% sau khi giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do đồng ringgit tăng mạnh và giá các loại dầu thực vật có liên quan giảm.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Bursa Malaysia giảm 2,94% xuống 3.958 ringgit (903,03 USD)/tấn - thấp nhất kể từ ngày 22/11/2022. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 4,4%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục