Hiểu thế nào về “trường hợp bất khả kháng” trong kinh doanh?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng cam kết do “sự kiện bất khả kháng” thì không phải chịu trách nhiệm dân sự. Thực tế đã nảy sinh nhiều trường hợp “cài cắm” điều khoản liên quan đến trường hợp này để trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Để tránh tranh chấp dân sự, các bên phải liệt kê rõ trong hợp đồng các trường hợp bất khả kháng. Để tránh tranh chấp dân sự, các bên phải liệt kê rõ trong hợp đồng các trường hợp bất khả kháng.

Trường hợp bất khả kháng là gì?

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (khoản 1, Điều 156).

Như vậy, một sự kiện được xem sự kiện bất khả kháng nếu hội tụ đủ 3 yếu tố: xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Tuy nhiên, do Bộ luật Dân sự 2015 không quy định tiêu chí xác định cụ thể cho từng yếu tố nên việc đánh giá một sự kiện có hội tụ các yếu tố của một sự kiện bất khả kháng hay không phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án hoặc trọng tài thương mại, tuỳ vào lựa chọn của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Hiện một số văn bản pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể đã có quy định/ví dụ các trường hợp cụ thể được xem là sự kiện bất khả kháng, bao gồm các sự kiện tự nhiên xảy ra như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa…; các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa, bất cứ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng, cho dù chiến tranh có được tuyên bố hay không.

Đáng lưu ý, Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và 2019) không có định nghĩa về sự kiện bất khả kháng cũng như không có quy định dịch bệnh là cơ sở cho phép một bên hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc được miễn trừ trách nhiệm.

Về hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng, theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2, Điều 351).

Như vậy, nếu trong hợp đồng các bên giao kết có điều khoản thoả thuận rằng “dịch bệnh” là một sự kiện bất khả kháng thì các bên phải tuân thủ các thoả thuận trong hợp đồng và các quy định của pháp luật có liên quan về miễn trừ trách nhiệm đối với sự kiện bất khả kháng. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thời gian qua cũng cho thấy cơ quan giải quyết tranh chấp thường ưu tiên áp dụng thoả thuận của các bên trong hợp đồng để công nhận miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Với trường hợp “dịch bệnh” như đại dịch Covid-19 mà một bên thực hiện nghĩa vụ muốn viện dẫn như một sự kiện bất khả kháng để miễn trừ thực hiện nghĩa vụ dân sự khi mà trong hợp đồng không ghi nhận điều khoản này thì phải căn cứ vào định nghĩa nêu tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015 về sự kiện bất khả kháng với 3 yếu tố như phân tích ở trên.

Theo đó, tuỳ từng trường hợp mà đại dịch như Covid-19 có thể được xem là một sự kiện bất khả kháng hay không. Nếu như nó không còn thoả mãn yếu tố “không thể lường trước” (vì dịch bệnh đã xảy ra và kéo dài, các bên đều biết rõ) và “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” thì sẽ không được xem như một sự kiện bất khả kháng để một bên thực hiện nghĩa vụ trốn tránh trách nhiệm phải thực hiện hợp đồng của mình.

Còn nếu muốn được bên có quyền chấp nhận “sự kiện bất khả kháng” này thì bên có nghĩa vụ phải chứng minh rằng mình thỏa mãn yếu tố đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, nhưng vẫn không thể khắc phục được.

Lúc này, việc chấp nhận bên có nghĩa vụ có thuộc trường hợp “bất khả kháng” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bên có quyền với tinh thần hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng thực hiện hợp đồng.

Đương nhiên, nếu có tranh chấp, toà án hay trọng tài cũng bám sát các quy định này để có phán quyết hợp lý, tránh tình trạng một bên lợi dụng yếu tố dịch bệnh như một sự kiện bất khả kháng để chối bỏ thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình đã quy định trong hợp đồng.

Muôn kiểu tranh chấp liên quan đến sự kiện bất khả kháng

Khi đại dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, việc coi đại dịch này như một sự kiện bất khả kháng không còn nữa, do dịch đã xảy ra gần 3 năm nên không còn yếu tố “xảy ra một cách khách quan” nữa thì thực tiễn tranh chấp kinh doanh lại xuất hiện các ví dụ mới về sự kiện bất khả kháng mà nguyên nhân đến từ sự không rõ ràng của pháp luật, một bên cố tình cài cắm vào hợp đồng và sự chủ quan khi giao kết của bên có quyền.

Ví dụ, Công ty U, chuyên kinh doanh dịch vụ văn phòng cho thuê ký hợp đồng thuê văn phòng của Công ty F để tiến hành cải tạo, nâng cấp và cho thuê dịch vụ văn phòng cao cấp cho Công ty Z.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do Công ty F không bảo đảm quy định về phòng cháy chữa cháy nên bị phạt vi phạm hành chính, bị chi cục thuế đình chỉ việc phát hành hoá đơn cho đến khi khắc phục được các vi phạm nên Công ty F không thể xuất hoá đơn cho Công ty U (trừ hoá đơn thu các loại phí dịch vụ quản lý).

Lấy lý do Công ty F vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, Công ty U đã gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng và viện dẫn việc Công ty F không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy như là một sự kiện bất khả kháng và vi phạm hợp đồng.

Trong trường hợp này, có thể khi ký hợp đồng, bên cho thuê đã không “lường trước” tình huống này xảy ra, hoặc cho rằng sẽ không thể xảy ra nên đến khi có sự kiện đó thì vô hình trung đã rơi vào” bẫy” của bên đi thuê. Còn nếu muốn theo kiện thì bên cho thuê cần nhớ rằng thời gian theo một vụ kiện kiểu này kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm.

Chưa kể, việc nhận lại tài sản, làm biên bản thanh lý sẽ cực kỳ phức tạp nếu như bên đi thuê cố tình dây dưa khi bàn giao (mục đích là xin lại tiền cọc hoặc tránh bị phạt hợp đồng) mà không thể trông mong vào các cơ quan chức năng (chính quyền, công an…) do đây là vụ việc dân sự, giải quyết ở toà dân sự và trên cơ sở hợp đồng.

Việc sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lấy lại tài sản cũng rất phức tạp do thừa phát lại cũng phải tiến hành đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian.

Để khắc phục tình trạng này, các bên phải liệt kê rõ trong hợp đồng các trường hợp bất khả kháng, chứ không quy định chung chung như hiện nay; yêu cầu văn phòng công chứng chi tiết hoá và điều khoản hoá các nội dung này, không dùng dấu (…) khi soạn thảo hợp đồng; cần có tham vấn của luật sư về các điều khoản có dấu hiệu tranh chấp như “trường hợp bất khả kháng” nêu trên.

Bên cạnh đó, việc thẩm tra kỹ năng lực, kinh nghiệm kinh doanh, tư cách pháp lý, uy tín kinh doanh… của bên tham gia ký kết hợp đồng là cực kỳ quan trọng nhằm hạn chế tối đa các rủi ro sau này.

Cần tránh tối đa các đối tác có lịch sử giao dịch “không lành mạnh”, không có uy tín trong kinh doanh; mới thành lập; mượn danh công ty mẹ, kiểu như “taxi gia đình” mua đàm, mào, thương hiệu để chạy kinh doanh dịch vụ taxi.

Việc phòng ngừa rủi ro ngay giai đoạn đầu cũng chính là ngừa hậu quả pháp lý sau này cho mình.

Luật sư Lê Minh Toàn
Công ty Luật Lê Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục