Năng lượng: Dầu tiếp tục giảm 2%
Giá dầu thế giới tăng vào phiên chiều thứ Sáu (25/11) do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc, bất chấp thanh khoản thị trường thấp.
Cụ thể, dầu thô Brent tăng 41 cent (+0,48%) lên mức 85,75 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 57 cent (+0,73%) lên gần 79,08 USD/thùng. Tuy nhiên, cả hai loại dầu đều giảm tuần thứ ba liên tiếp, ở mức khoảng 2% với những lo ngại về việc nới lỏng nguồn cung thắt chặt.
Virendra Chauhan, nhà phân tích trưởng APAC của Energy Aspects cho biết, tính thanh khoản yếu, những lo ngại xung quanh nhu cầu của Trung Quốc và bối cảnh đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế là những yếu tố tác động tới giá dầu.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, với lưu lượng giao thông giảm.
Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC cho hay, sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid ở Trung Quốc vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến giá dầu từ góc độ nhu cầu.
Kim loại: Vàng vững giá; giá đồng, quặng sắt, thép cũng đồng loạt tăng
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng vững ở mức cao nhất 1 tuần do USD tăng giá và cả tuần tăng nhẹ do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp quy mô tăng lãi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên 25/11 ở mức 1.754,94 USD/ounce, trước đó có lúc đạt mức cao nhất là 1.761,17/ounce và cả tuần giá tăng 0,3%. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 0,5% lên 1.754 USD/ounce.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals cho biết: “Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc dường như không khá hơn chút nào, đây là yếu tố chính tác động lên không chỉ thị trường vàng, mà với tất cả các thị trường tài sản trong vài tuần tới”.
Tuy nhiên, việc USD tăng 0,2% khiến vàng được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng ngày 25/11 tăng, được hỗ trợ bởi USD suy yếu, cho dù giá đồng được ấn định kết thúc tuần ít thay đổi do các nhà đầu tư cân nhắc các nguyên tắc cơ bản chặt chẽ của thị trường trước sự bùng phát Covid-19 của Trung Quốc.
Cụ thể, trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn giao 3 tháng tăng 0,4% lên 8.075 USD/tấn. Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá đồng giao tháng 12/2022 - hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, tăng 0,5% lên 65.290 CNY (tương đương 9.123,68 USD)/tấn.
Việc USD chạm gần mức thấp nhất 3 tháng và có xu hướng giảm hàng tuần do triển vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất ngay sau tháng 12/2022 chi phối tâm trí các nhà đầu tư và khiến tâm trạng phấn chấn.
Đồng tiền của Mỹ yếu hơn hỗ trợ giá kim loại bằng cách làm cho những người không nắm giữ USD mua hàng hóa được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn.
Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) cho biết, thị trường đồng tinh luyện thế giới đã thiếu hụt 10.000 tấn trong tháng 9 so với 13.000 tấn trong tháng 8/2022.
Về các kim loại khác, trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,4% lên 2.377 USD/tấn; kẽm tăng 0,6% lên 2.936 USD/tấn, trong khi giá chì giảm 0,3% xuống 2.124,5 USD/tấn.
Còn trên sàn Thượng Hải, giá nhôm giảm 0,3% xuống 18.925 CNY/tấn; kẽm tăng 0,5% lên 23.825 CNY/tấn; thiếc tăng 1,1% lên 184.270 CNY/tấn và nikel tăng 0,2% lên 199.620 CNY/tấn.
Trên thị trường quặng sắt và thép, tại Sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 tăng 3,3% lên 758,0 CNY (tương đương 105,84 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 1/8/2022. Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 12/2022 tăng 3,0% lên mức 98,60 USD/tấn.
Quặng sắt đã mở rộng mức tăng sau các biện pháp gần đây để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, trong khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, các công cụ tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sẽ được sử dụng để duy trì thanh khoản.
Các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc đã cam kết cấp ít nhất 162 tỷ USD tín dụng mới cho các nhà phát triển bất động sản, củng cố các biện pháp quản lý gần đây nhằm giảm bớt tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng trong lĩnh vực này và kích hoạt đà tăng của cổ phiếu bất động sản.
Giá thép cây được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7%; thép cuộn tăng 0,8%; thép không gỉ tăng 0,4%; trong khi thép dây giảm 0,5%.
Giám đốc điều hành của Nippon Steel Corp 5401.T - nhà sản xuất thép số 4 thế giới cho biết, đang tìm cách mua thêm cổ phần trong các mỏ than luyện cốc để đảm bảo nguồn cung ổn định. Trên sàn Đại Liên, giá than cốc và than luyện cốc lần lượt tăng 2,1% và 1,9%.
Nông sản: Biến động trái chiều
Giá ngô Mỹ tăng trong phiên cuối tuần qua 25/11 khi thị trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ thời tiết ở Nam Mỹ. Ngược lại, giá lúa mì giảm mạnh do giá lúa mì Nga yếu đi gần đây tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường.
Trong khi đó, giá đậu tương nhích nhẹ sau khi Argentina tuyên bố sẽ thiết lập lại chế độ trao đổi tiền tệ ưu đãi đối với xuất khẩu đậu tương cho đến cuối năm nay nhằm tăng xuất khẩu loại cây trồng chủ lực của nước này và mang lại nguồn đô la mà họ đang rất cần thiết.
Cụ thể, kết thúc phiên này, trên sàn Chicago, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2022 của đậu tương tăng 1/4 cent lên 14,36-1/4 USD/bushel; ngô tăng 5 cent lên 6,71-1/4 USD/bushel; còn lúa mì giảm 2,2% về 775,5-1/4USD/bushel - chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/8/2022.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cao su điều chỉnh; dầu cọ, cà phê bật tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 0,22 cent trong phiên thứ Sáu (25/11), tương đương giảm 1,1% xuống 19,33 cent/lb. Hợp đồng này mất tổng cộng 3,6% giá trị trong tuần qua. Giá đường trắng cùng kỳ hạn cũng giảm 9,40 USD (-1,7%) xuống 529,70 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý rằng, các nhà máy ở Brazil tiếp tục ưu tiên sử dụng mía để sản xuất đường hơn là sản xuất ethanol.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tăng trong phiên cuối tuần qua 25/11, kéo dài đà hồi phục từ mức thấp nhất trong 16 tháng của tuần trước nữa, với hợp đồng arabica kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 2,3 cent (+1,4%) lên 1,6505 USD/lb. Hợp đồng này tăng 6,4% trong tuần, lấy lại phần lớn đà tăng đã mất ở tuần trước khi giảm 7,7%.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 cũng tăng 15 USD (0,8%) lên 1.857 USD/tấn. Thị trường robusta được hỗ trợ bởi mưa ở Việt Nam làm gián đoạn vụ thu hoạch.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên 25/11 theo xu hướng giảm tại thị trường Thượng Hải, do lo ngại về nhu cầu chậm lại ở nước nhập khẩu hàng đầu thế giới Trung Quốc với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục và các biện pháp kiềm chế mới đè nặng lên tâm lý thị trường.
Cụ thể, trên Sàn giao dịch Osaka, hợp đồng cao su giao tháng 5/2023 giảm 2,3 JPY (-1,1%) xuống 212,3 JPY (1,53 USD)/kg. Tương tự, trên Sàn giao dịch Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 giảm 55 CNY xuống 12.735 CNY (1.778 USD)/tấn.
Giá dầu cọ Malaysia tăng vọt trong phiên 25/11, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong ba tuần gần nhất, do dữ liệu xuất khẩu tích cực và giá dầu thực vật tăng mạnh trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.
Cụ thể, hợp đồng dầu cọ giao tháng 2/2023 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 94 ringgit (+2,33%) lên 4.134 ringgit (923,80 USD)/tấn. Hợp đồng này đã tăng 7,37% trong cả tuần.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia từ ngày 1-25/11 đã tăng từ 4,1% đến 12,9%, theo dữ liệu từ Công ty Kiểm tra độc lập AmSpec Agri Malaysia cùng các nhà khảo sát hàng hóa của Societe Generale de Surveillance và Intertek Testing Services.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |