Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 22-29/3: Giá nhiều mặt hàng lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 (từ 31/3-5/4), thị hàng hóa thế giới chứng kiến đà giảm mạnh của nhiều mặt hàng, đặc biệt là dầu, vàng, cà phê, ca cao, đường, cao su khi cuộc chiến thương mại leo thang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 22-29/3: Giá nhiều mặt hàng lao dốc

Năng lượng: Giá dầu giảm thấp nhất gần 4 năm; khí LNG tăng gần 3%; than châu Âu, Nam Phi và Úc tăng, ngược chiều với than Trung Quốc và Indonesia

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu lao dốc trong phiên cuối tuần qua (4/4) xuống mức thấp nhất gần 4 năm, khi Trung Quốc tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ, làm leo thang mạnh mẽ cuộc chiến thương mại toàn cầu, khiến các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế.

Các quốc gia trên thế giới đã chuẩn bị trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng rào cản thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ. Ngân hàng đầu tư JPMorgan cho biết, hiện họ thấy 60% khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm, tăng từ mức 40% trước đó.

Cụ thể, chốt phiên 4/4, dầu thô Brent giảm 4,56 USD (-6,5%) xuống 65,58 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 4,96 USD (-7,4%) xuống 61,99 USD/thùng. Trong phiên này, có lúc dầu Brent giảm xuống 64,03 USD/thùng và dầu WTI xuống 60,45 USD/thùng, mức thấp nhất gần 4 năm. Dầu Brent ghi nhận tuần giảm mạnh nhất tính theo phần trăm trong 1,5 năm, trong khi dầu WTI giảm mạnh nhất 2 năm.

Gây thêm áp lực lên giá dầu là việc OPEC+ đã quyết định thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng. Cùng với đó, Caspian Pipeline Consortium (CPC) cho biết, một tòa án Nga đã phán quyết rằng, các cơ sở kho cảng xuất khẩu Biển Đen của họ không nên bị đình chỉ. Quyết định đó có thể ngăn chặn sự sụt giảm trong sản lượng và nguồn cung dầu của Kazakhstan.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã cắt giảm mạnh mục tiêu giá dầu Brent và dầu WTI cuối tháng 12/2025 là 5 USD mỗi loại về tương ứng 66 USD/thùng và 62 USD/thùng.

HSBC giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cẩu năm 2025 từ 1 triệu thùng/ngày xuống 0,9 triệu thùng/ngày do thuế quan và quyết định của OPEC+.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng do sản lượng hàng ngày giảm và dự báo nhu cầu sẽ tăng cao hơn trong 2 tuần tới so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 10,4 Uscent (+2,6%) lên 4,055 USD/mmBtu. Mức tăng giá này diễn ra bất chấp dự báo về sự sụt giảm lưu lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ.

Các nhà giao dịch năng lượng cho biết, thời tiết ôn hòa và nhu cầu thấp vào tháng trước có thể cho phép các công ty tiện ích thêm khí đốt vào kho lưu trữ vào tháng 3/2025 lần đầu tiên kể từ năm 2012 và chỉ là lần thứ hai trong lịch sử.

Tuy nhiên, lượng khí dự trữ vẫn thấp hơn khoảng 5% so với mức bình thường vào thời điểm này trong năm, sau khi thời tiết cực lạnh vào tháng 1 và 2/2025 buộc các công ty năng lượng phải rút một lượng lớn khí đốt ra khỏi kho, bao gồm cả lượng khí kỷ lục vào tháng đầu năm nay.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 104,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 4, giảm so với mức kỷ lục 106,2 bcfd vào tháng trước đó.

LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 103,3 bcfd trong tuần này lên 105,4 bcfd vào tuần tới. Lượng khí trung bình vào 8 nhà máy xuất khẩu LNG lớn đang hoạt động của Mỹ đã giảm xuống còn 14,9 bcfd cho đến nay trong tháng 4, giảm so với mức kỷ lục 15,8 bcfd vào tháng 3.

Trên thị trường than, trong tuần qua, chỉ số than nhiệt châu Âu đã tăng trên 100 USD/tấn, sau tin tức về khả năng tập đoàn khai thác Glencore cắt giảm sản lượng tại mỏ Cerrejon ở Colombia từ 5-10 triệu tấn vào năm 2025. Tuy nhiên, áp lực lên giá vẫn do giá khí đốt giảm, cũng như mức tồn kho ổn định vào cuối mùa sưởi ấm và tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo tăng.

Giá than nhiệt lượng CV 6.000 của Nam Phi tăng từ mức thấp nhất 4 năm lên 88 USD/tấn, cũng do nguồn cung giảm vì giá thấp. Lượng than dự trữ tại Nhà ga than Richards Bay (RBCT) vẫn giữ nguyên ở mức 3,79 triệu tấn. Đến cuối tháng 3/2025, xuất khẩu qua RBCT dự kiến tăng 27% lên 4,80 triệu tấn (tăng 1,03 triệu tấn tính đến tháng 2). Tuy nhiên, lượng than trung chuyển dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5 triệu tấn vào tháng 4 này.

Tại Trung Quốc, giá giao ngay than 5.500 NAR tại cảng Tần Hoàng Đảo giảm về mức 94 USD/tấn. Thị trường nội địa vẫn ảm đạm, bị ảnh hưởng bởi hoạt động mua yếu, lượng hàng tồn kho tại cảng cao và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, giá sẽ tăng lên do dự báo khối lượng nhập khẩu sẽ thấp hơn trong tháng 5.

Giá than Indonesia 5.900 GAR giảm xuống còn 84,3 USD/tấn, giá than 4.200 GAR giảm xuống còn 49,3 USD/tấn.

Nhu cầu từ Ấn Độ bị hạn chế vì lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện Ấn Độ cao hơn mức trung bình trong 5 năm qua.

Giá than nhiệt lượng CV cao 6.000 của Úc đã điều chỉnh tăng lên gần 95 USD/tấn sau khi giảm mạnh một tuần trước đó. Chỉ số than luyện kim HCC của Úc tăng nhẹ lên 170 USD/tấn do nhu cầu tăng từ châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Ấn Độ, nơi chứng kiến giá thép tăng do áp dụng thuế nhập khẩu. Việc ổn định giá thị trường trong nước tại Trung Quốc cũng mang lại một số hỗ trợ, nhưng vẫn còn tình trạng dư cung trên thị trường giao ngay.

Kim loại: Giá vàng, đồng giảm mạnh; quặng sắt, thép giảm nhẹ hơn

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm khoảng mạnh trong phiên cuối tuần qua, xóa bỏ mức tăng từ đầu tuần, khi các nhà đầu tư bán tháo vàng để bù đắp tổn thất từ sự sụp đổ của thị trường nói chung khi cuộc chiến thương mại leo thang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 2,9% xuống 3.024,2 USD/ounce, sau khi xuống mức 3.015,29 USD/ounce trong phiên này và cả tuần giảm 1,9%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 2,8% xuống 3.035,4 USD/ounce.

Cổ phiếu toàn cầu giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm khoảng 5% mỗi chỉ số, sau khi Trung Quốc công bố mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/4 để đáp trả mức thuế quan đối ứng Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố.

Thực tế, giá vàng tăng khoảng 15,3% từ đầu năm tới nay, được thúc đẩy bởi hoạt động mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và sức hấp dẫn chung của nó như một biện pháp phòng ngừa rủi ro trước những bất ổn về kinh tế và địa chính trị.

Ở nhóm kim loại màu, chứng kiến đợt bán tháo mạnh vào phiên cuối tuần, trong đó đồng giảm mạnh kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 năm 2020, vì các kế hoạch áp thuế toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 6,4% xuống 8.764 USD/tấn, sau khi lùi về mức 8.734 USD/tấn - thấp nhất kể từ ngày 8/8/2024.

15 năm qua, đồng từng ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn hơn vào tháng 3/2020 khi thế giới ngừng các chuyến bay để hạn chế sự lây lan của vi rút Corona và vào tháng 10/2011 trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone.

Hôm 2/4, ông Trump đã công bố các rào cản thương mại lớn nhất của Washington trong hơn 100 năm qua, với mức thuế đối ứng cao sẽ được áp dụng vào ngày 9/4. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu, đã đáp trả vào ngày 4/4 bằng cách áp thêm 34% thuế quan đối với tất cả hàng hóa của Mỹ từ ngày 10/4 và hạn chế xuất khẩu một số loại đất hiếm từ ngày 4/4.

Nhôm LME đã bị áp thuế nhập khẩu 25% của Mỹ, nên cũng giảm 2,9% xuống 2.378 USD/tấn, sau khi lùi về mức 2.370 USD/tấn - thấp nhất kể từ 11/9/2024. Hợp đồng này đã giảm 12 phiên. Giá alumina, một nguyên liệu thô để sản xuất nhôm, tại Trung Quốc đã giảm 46% từ đầu năm đến nay, làm giảm chi phí sản xuất của các nhà máy luyện nhôm.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tương lai giảm nhẹ trong phiên 4/4 sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố một loạt các mức thuế quan “có đi có lại”. Việc nhu cầu tăng theo mùa đối với nguyên liệu sản xuất thép giúp hạn chế phần nào đà giảm.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 0,32% về 788,5 CNY (tương đương 108,05 USD)/tấn. Giá quặng sắt chuẩn giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,84% về 101,95 USD/tấn.

Công ty môi giới Galaxy Futures cho biết, thuế quan của Mỹ mạnh hơn dự kiến và điều đó sẽ gây áp lực lên thị trường sắt đen. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép đã tăng sản lượng trong mùa xây dựng cao điểm vào tháng 3 và 4, làm giảm bớt sự sụt giảm giá.

Về phía cung, xuất khẩu quặng sắt đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2024 trong mùa bão hiện tại của Úc, các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho biết.

Giá các thành phần sản xuất thép khác trên sàn DCE đều giảm, với giá than cốc và than luyện cốc lần lượt giảm 0,2% và 0,64%.

Hầu hết các chuẩn thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đều giảm: Thép cây giảm 0,19%; thép cuộn cán nóng giảm 0,63%; thép không gỉ giảm 0,92%; trong khi thép thanh tăng gần 0,4%.

Nông sản: Lúa mì tăng giá, đi ngược với đậu tương và ngô

Thị trường nông sản ghi nhận giá lúa mì, ngô và đậu tương giảm mạnh sau khi Trung Quốc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, làm gia tăng lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản chủ lực.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), lúa mì đỏ mềm mùa Đông giao tháng 5 (WK25) giảm 7 cent về 5,29 USD/giạ - mức thấp nhất 1 tuần qua; lúa mì cứng đỏ mùa Đông KC tháng 5 (KWK25) giảm 11,05 cent về 5,5705 USD/giạ; lúa mì xuân Minneapolis tháng 5 (MWEK25) giảm 6,75 cent về 5,8405 USD/giạ.

Việc Trung Quốc không còn mua lúa mì từ Mỹ đã làm gia tăng lo ngại xuất khẩu nông sản Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ khiến các doanh số xuất khẩu nông sản của Mỹ gặp khó khăn, đặc biệt là những mặt hàng như đậu nành và ngô, do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Tương tự, giá đậu tương CBOT cũng giảm mạnh, với hợp đồng đậu tương giao tháng 5 (SK25) giảm 34,05 cent xuống 9,77 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024. Tình hình này khiến nhiều nhà phân tích lo ngại thị trường đậu tương Mỹ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt cầu từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá dầu đậu tương giao tháng 5 (BOK25) giảm 1,22 cent xuống 45,84 cent/pound. Việc áp dụng thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc chuyển hướng sang các nhà cung cấp thay thế, nhất là Brazil - quốc gia đang dẫn đầu về sản xuất đậu tương, gây áp lực lên xuất khẩu của Mỹ. Dự báo trong tương lai, giá đậu tương có thể tiếp tục chịu tác động tiêu cực nếu các biện pháp thuế quan của 2 quốc gia lớn này không được điều chỉnh.

Trái ngược với lúa mì và đậu tương, giá ngô tương lai CBOT có sự tăng nhẹ trong các hợp đồng tháng 5, với mức tăng 2,75 cent lên 4,6025 USD/giạ. Các nhà phân tích nhận định rằng, mức thuế bổ sung của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ sẽ không có tác động quá lớn đến xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ, mặc dù Trung Quốc đã không mua ngô từ Mỹ suốt nhiều tháng qua.

Trong khi đó, việc Mexico, thị trường xuất khẩu ngô lớn nhất của Hoa Kỳ, không bị ảnh hưởng bởi các mức thuế quan mới là một yếu tố tích cực giúp giá ngô giữ ổn định. Các thương nhân đang chờ đợi báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự kiến sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về nguồn cung và nhu cầu ngũ cốc toàn cầu vào ngày thứ Năm tới.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá ca cao, cà phê, đường, cao su đồng loạt lao dốc

Thị trường nguyên liệu công nghiệp ghi nhận giá cà phê, ca cao và đường giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư hoang mang trước nguy cơ suy thoái toàn cầu và chính sách thuế của Mỹ.

Theo đó, Mỹ đã áp mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu, đồng thời áp thuế cao hơn với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á. Trung Quốc đang phải chịu tổng mức thuế vượt 50%, trong khi Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới đối mặt với mức thuế 46%. Indonesia - quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ ba chịu thuế 32%, còn Brazil - nước dẫn đầu về xuất khẩu Arabica và đứng thứ hai về Robusta bị đánh thuế 10%.

Cụ thể, hợp đồng tương lai cà phê Robusta (RC2!) trên sàn ICE giảm mạnh 328 USD/tấn (- 6,4%) xuống 4.800 USD/tấn, sau khi chạm đáy 4 tháng ở mức 4.751 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica (KC1!) cũng giảm mạnh 5,7% về 3,448 USD/pound - là mức thấp nhất trong 2 tháng qua.

Theo nhận định từ Công ty Môi giới Hedgepoint Global Markets, việc tăng thuế nhập khẩu có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Mỹ, quốc gia tiêu dùng cà phê và sôcôla lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những thị trường tiêu thụ đường hàng đầu.

Các đại lý thị trường cho biết, mặc dù Mỹ không nhập khẩu lượng cà phê quá lớn từ Việt Nam và Indonesia, nhưng bất kỳ sự suy giảm nào trong xu hướng tiêu dùng của nước này cũng sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới giá nông sản toàn cầu.

Không riêng cà phê, giá ca cao cũng giảm mạnh đáng kể. Tại sàn London (Anh), hợp đồng ca cao (C2!) giảm 356 bảng (-5,6%) xuống 6.014 bảng/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất 5 tháng là 5.971 bảng/tấn. Tại sàn New York (Mỹ), ca cao (CC1!) giảm 5,4% về 8.053 USD/tấn, nối tiếp đà giảm 8% trong phiên trước đó.

Tâm lý thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các dự báo tiêu cực về sản lượng ca cao giữa vụ tại Bờ Biển Ngà, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất ca cao. Dù lượng ca cao cập cảng tại nước này tính đến ngày 6/4/2025 đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà xuất khẩu vẫn lo ngại nguồn cung sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Ở thị trường đường, giá cũng giảm, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Đường thô (SB1!) giảm 0,8% về 18,68 cent/pound, sau khi chạm mức thấp nhất gần 1 tháng là 18,62 cent/pound. Trong khi đó, đường trắng (SF1!) giảm 0,8% về 533,90 USD/tấn.

Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng do mức thuế quan toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác thương mại làm gia tăng lo ngại về cuộc chiến thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên Sàn giao dịch Osaka giảm 10,6 JPY (-3,2%) xuống 320,7 JPY (2,2 USD)/kg trong phiên 4/4 và cả tuần giảm 8,16%. Trong phiên này, có thời điểm giá đã lùi về mức 318,7 JPY/kg - thấp nhất kể từ ngày 7/8/2024.

Chính sách thuế của Mỹ làm tăng lo ngại của thị trường về nhu cầu lốp xe và giảm triển vọng xuất khẩu. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế mới là 34%, nâng tổng mức thuế mới lên 54%, trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục