Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 22-29/3: Vàng lập đỉnh mới, dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp, ca cao và cà phê giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của quý I/2025 (từ 22-29/3), giá vàng tiếp tục đi lên và lập đỉnh mới trong phiên sáng nay khi tăng vượt 3 .100 USD/ounce, dầu cũng tăng tuần thứ 3 liên tiếp, trong khi ca cao và cà phê giảm hàng chục phần trăm kể từ đầu năm.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 22-29/3: Vàng lập đỉnh mới, dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp, ca cao và cà phê giảm sâu

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tục, khí LNG quay đầu đi lên

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm vào thứ Sáu (28/3) do lo ngại cuộc chiến thuế quan của Mỹ có thể gây suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, nếu tính cả tuần, giá dầu có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, sau khi Washington tăng cường áp lực đối với các thành viên OPEC là Venezuela và Iran.

Cụ thể, kết thúc phiên, dầu thô Brent tương lai giảm 40 Uscent (-0,5%) về 73,63 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 56 Uscent (-0,8%) về 69,36 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 1,9% và dầu WTI tăng 1,6%. Kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng vào đầu tháng 3, giá dầu Brent đã tăng hơn 7% và dầu WTI tăng hơn 6%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch công bố mức thuế quan nhắm vào nhiều loại hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 2/4/2025. Hôm thứ Hai (24/3), ông Trump đã công bố mức thuế mới 25% đối với khách hàng mua dầu thô của Venezuela. Nhóm OPEC+ sẽ bắt đầu chương trình tăng sản lượng dầu hàng tháng vào tháng 4 này.

Các nhà phân tích của JPMorgan nói với khách hàng rằng, cuộc chiến thương mại khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy, lượng dầu thô tồn kho của nước này đã giảm 3,3 triệu thùng xuống còn 433,6 triệu thùng vào tuần trước, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích với mức giảm 956.000 thùng.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 1 tuần do lưu lượng kỷ lục đến các nhà máy xuất khẩu LNG và sản lượng hàng ngày giảm.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 11,5 Uscent (+2,9%) lên 4,065 USD/mmBTU trong phiên 28/3 - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19/3. Trong tuần, hợp đồng này tăng khoảng 2% sau khi giảm khoảng 3% trong tuần trước nữa.

Thời tiết ôn hòa và nhu cầu thấp cho đến giữa tháng 4/2025 sẽ cho phép các công ty tiện ích tiếp tục thêm khí đốt vào kho lưu trữ trong những tuần tới, khi một số nhà phân tích cho biết, lượng dự trữ trên đà tăng vào tháng 3/2025 lần đầu tiên kể từ năm 2012 và chỉ là lần thứ hai trong lịch sử.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 106,0 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 3/2025 từ mức kỷ lục 105,1 bcfd vào tháng trước đó.

LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 108,5 bcfd trong tuần này xuống 102,9 bcfd vào tuần tới trước khi tăng lên 103,3 bcfd trong 2 tuần kế tiếp.

Kim loại: Giá vàng lập đỉnh mới; đồng, quặng sắt, thép biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng sáng hôm nay (31/3/2025) đã tăng vượt 3.100 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử khi những lo ngại về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tác động tiềm tàng của thuế đến nền kinh tế, kết hợp với những lo ngại về địa chính trị đã thúc đẩy một làn sóng đầu tư mới vào tài sản trú ẩn an toàn này.

Trong phiên cuối tuần trước (28/3), vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 3.074,43 USD/ounce (trong đầu phiên đã có lúc đạt 3.086,7 USD/ounce) và kết thúc tuần với mức tăng 1,7% - cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 4/2025 trên sàn New York tăng 0,8% lên 3.114,3 USD/ounce.

Vàng được coi là hàng rào chống lại sự bất ổn về kinh tế và chính trị, có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 2/2025 tăng 0,4% so với dự kiến tăng 0,3% của các nhà phân tích, tương tự như mức tăng của tháng 1/2025.

Tương tự, giá bạc cũng bật tăng 2,54% lên 34,9 USD/ounce, cao hơn giá hồi đầu năm tới 18%. Trong khi đó, bạch kim cũng đảo chiều tăng 1,56% lên 984,4 USD/ounce. Trong bối cảnh những lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ, dòng tiền tìm trở lại nhóm kim loại quý.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng giảm khi nhu cầu rủi ro giảm do thời hạn áp thuế quan rộng rãi của Mỹ và biện pháp kích thích vận chuyển đồng sang Mỹ vào tuần tới, trước khi có khả năng nới lỏng thuế quan đối với kim loại này.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,7% xuống 9.780,5 USD/tấn, sau khi chạm mức 9.739 USD/tấn - thấp nhất 2 tuần. Tuy nhiên, tính chung trong quý I/2025, giá tăng 11,5% - quý tăng mạnh nhất trong 4 năm.

Trong khi đó, giá nhôm trên sàn London giảm 0,5% xuống 2.550 USD/tấn, sau khi chạm mức 2.545 USD/tấn - thấp nhất kể từ ngày 10/1/2025.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại gia tăng, song vẫn có tuần tăng do nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép tại nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc tăng mạnh.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 0,19% xuống 785,5 CNY (108,13 USD)/tấn trong phiên 28/3, nhưng cả tuần vẫn tăng 3,09%.

Tương tự, trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2025 giảm 0,14% xuống 103,35 USD/tấn trong phiên cuối tuần qua, nhưng cả tuần tăng 3,44%.

Trên sàn Thượng Hải (SHEF), giá thép câythép cuộn giảm gần 0,3%; thép cuộn cán nóng giảm 0,12%; trong khi thép không gỉ tăng 0,93%.

Nông sản: Đậu tương và ngô tăng giá, đi ngược với lúa mì

Thị trường nông sản ghi nhận xu hướng giảm ở lúa mì, trong khi ngô và đậu tương phục hồi nhẹ vào cuối phiên 28/3, chủ yếu do điều chỉnh vị thế trước báo cáo gieo trồng quan trọng tại Mỹ.

Giá lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) giảm xuống mức thấp nhất gần 8 tháng vào cuối tuần qua, cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông tháng 5 (WK25) giảm 3,75 cent xuống 5,2825 USD/giạ, trong phiên có thời điểm giá chạm 5,1705 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 31/7/2024; lúa mì đỏ cứng mùa Đông Kansas (KWK25) giảm 14,05 cent xuống 5,5175 USD/giạ, trong khi lúa mì Xuân Minneapolis (MWEK25) giảm 7,05 cent xuống 5,81 USD/giạ.

Thị trường chịu áp lực bởi dự báo mưa tại các vùng sản xuất chính ở Mỹ và Nga, cùng với dữ liệu xuất khẩu lúa mì Mỹ yếu kém. Ngoài ra, thỏa thuận do Mỹ hậu thuẫn nhằm ngừng bắn ở Biển Đen làm gia tăng triển vọng xuất khẩu từ Nga và Ukraine, góp phần khiến giá lúa mì giảm. Các nhà giao dịch cũng điều chỉnh vị thế trước báo cáo quan trọng về diện tích gieo trồng và lượng dự trữ nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự kiến công bố ngày hôm nay (31/3).

Giá ngô kỳ hạn trên CBOT giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng vào đầu phiên, nhưng phục hồi cuối phiên nhờ hoạt động mua vào cuối phiên. Cụ thể, hợp đồng ngô tháng 5 (CK25) tăng 3,25 cent lên 4,5325 USD/giạ, trong phiên có lúc giảm xuống 4,42 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 20/12/2024.

Áp lực đến từ kỳ vọng diện tích trồng ngô tại Mỹ năm nay sẽ tăng lên 94,361 triệu mẫu Anh, so với 90,594 triệu mẫu Anh năm 2024, theo thăm dò của Reuters. Báo cáo gieo trồng và lượng dự trữ ngũ cốc của USDA sẽ được công bố vào ngày hôm nay (31/3) và được đánh giá là một trong những dữ liệu quan trọng nhất của thị trường trong năm. Bất chấp tình trạng khô hạn ở một số khu vực của Brazil, thị trường vẫn chịu áp lực từ triển vọng nguồn cung dồi dào tại Mỹ.

Giá đậu tương kỳ hạn trên CBOT giảm trong hầu hết phiên giao dịch, nhưng đảo chiều tăng vào cuối phiên nhờ lực mua giá hời. Cụ thể, hợp đồng đậu tương tháng 5 (SK25) tăng 6,25 cent lên 10,23 USD/giạ - là tuần tăng giá đầu tiên kể từ giữa tháng 2/2025; bột đậu tương tháng 5 (SMK25) giảm 1 USD xuống 293,50 USD/tấn; dầu đậu tương (BOK25) tăng 0,89 cent lên 45,16 cent/pound.

Áp lực giảm giá đến từ vụ mùa bội thu của Brazil, với dự báo sản lượng đạt kỷ lục 172,1 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025. Công ty Tư vấn Agroconsult cho biết, mức sản lượng lớn này tiếp tục gây áp lực lên giá đậu tương trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường sau đó phản ứng tích cực với thông tin chính quyền Mỹ đang cân nhắc các bước tiếp theo cho chương trình nhiên liệu sinh học quốc gia, hỗ trợ nhu cầu dầu đậu tương.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng điều chỉnh vị thế trước báo cáo diện tích trồng trọt của USDA, dự kiến cho thấy diện tích trồng đậu tương năm 2025 giảm xuống 83,762 triệu mẫu Anh, so với 87,050 triệu mẫu Anh năm 2024.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá ca cao và cà phê giảm sâu, đường và cao su cũng đi xuống, dầu cọ đi ngược thị trường

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường tương lai giảm về 19,3 cent/pound; đường trắng cũng giảm 0,9% xuống 539,90 USD/tấn.

Giá đường giảm sau khi Ấn Độ quyết định cho phép các nhà máy xuất khẩu 1 triệu tấn đường, khiến giá chịu áp lực. Giới đầu tư xem động thái này là tín hiệu tiêu cực, xoa dịu lo ngại về các biện pháp hạn chế xuất khẩu trước đó do sản lượng trong nước suy giảm. Đồng thời, triển vọng sản xuất tại Brazil trong mùa vụ 2025-2026 được cải thiện nhờ những trận mưa lớn tại khu vực Trung Nam. Tuy nhiên, theo Maxar, lượng mưa hiện tại vẫn chưa đủ để phục hồi hoàn toàn độ ẩm đất, đảm bảo điều kiện sinh trưởng tối ưu.

Giá cà phê Arabica giảm tới 2,93% xuống 8.376 USD/tấn, đồng thời giá cà phê Robusta cũng giảm sâu 3,23% xuống 5.337 USD/tấn. Như vậy, so với mức giá cao kỷ lục đã thiết lập vào tuần giữa tháng 2, giá Arabica đã đánh mất hơn 1.000 USD/tấn và Robusta cũng giảm khoảng 450 USD/tấn.

Có nhiều nguyên nhân kéo giá cà phê đi xuống trong tuần vừa qua. Về nguồn cung, theo dự báo của Marex Solutions, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam niên vụ 2025-2026 có thể đạt 28,8 triệu bao, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng Robusta của Brazil dự kiến đạt 25 triệu bao, tăng mạnh 13,6%.

Thêm vào đó, tính đến ngày 28/3, lượng tồn kho Arabica theo thống kê của ICE đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần, ở mức gần 771.600 bao. Lượng tồn kho Robusta giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 7 tuần vào ngày 25/3 khoảng 4.410 lô về mức trên 4.390 lô ngày 28/3. Trong hơn 1 tháng qua, lượng tồn khô cà phê Arabica có xu hướng giảm.

Giá ca cao kỳ hạn dao động quanh mức 8.000 USD/tấn, gần chạm đáy 4 tháng do điều kiện thời tiết cải thiện tại các khu vực sản xuất chính và lượng tồn kho tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá ca cao đã giảm hơn 30% sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024.

Báo cáo từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, thời tiết thuận lợi tại Tây Phi đang tạo điều kiện cho cây ca cao phát triển, giúp cải thiện năng suất giữa vụ. Ngày 28/2/2-25, Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) dự báo nguồn cung thặng dư 142.000 tấn trong niên vụ 2024-2025, mức thặng dư đầu tiên trong 4 năm qua nhờ lượng mưa dồi dào tại Tây Phi thúc đẩy sản lượng. Điều này diễn ra bất chấp những lo ngại về vụ mùa giữa tại Bờ Biển Ngà, nơi sản lượng dự kiến đạt 400.000 tấn trong năm nay, giảm 9% so với năm trước. Cùng với đó, tồn kho ca cao do ICE giám sát tại các cảng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng, đạt 1.787.442 bao tính đến ngày 25/3.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 28/3 và có tuần giảm, do lo ngại về mức thuế ô tô mới nhất của Mỹ, làm lu mờ lo ngại nguồn cung trái mùa. Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn Osaka (OSE) giảm 6,1 JPY (-1,72%) xuống 349,2 JPY (2,32 USD)/kg và cả tuần giảm 0,06%.

Tương tự, trên sàn SHFE, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 250 CNY (-1,48%) xuống 16.670 CNY (2.294,85 USD)/tấn; cao su butadiene cùng kỳ hạn giảm 20 CNY (-0,15%) xuống 13.560 CNY (1.866,71 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2025 giảm 1,5% về 197 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp, được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng mạnh trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo và giá dầu thực vật khác tăng mạnh.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2025 trên thị trường Bursa Malaysia tăng 108 ringgit (+2,5%) lên 4.420 ringgit (996,62 USD) /tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 1,03% - tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần gần nhất.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục