Thêm cơ hội “cứu” doanh nghiệp trước thềm phá sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 5 tới có nội dung mới về phục hồi doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp được “cứu” trước thềm phá sản.
Việc tiến hành các giải pháp phục hồi sớm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tránh nguy cơ thành doanh nghiệp “xác sống” Việc tiến hành các giải pháp phục hồi sớm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tránh nguy cơ thành doanh nghiệp “xác sống”

Ưu tiên phục hồi doanh nghiệp

Ông Nguyễn Khôi, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở TP.HCM chia sẻ, doanh nghiệp có khoản nợ khó đòi kéo dài nhiều năm do công ty đối tác đã mất khả năng thanh toán nhưng chưa giải quyết thủ tục phá sản. Khoản nợ này chiếm gần 1/3 tài sản của công ty ông, khiến sức khoẻ tài chính bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi vẫn phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (hạch toán sổ sách, nộp thuế…) đối với số tiền đang bị đối tác chiếm dụng. Doanh nghiệp gần như đã xác định mất trắng số tiền trên nếu đối tác bị phá sản, nhưng rất may gần đây, một nhóm cổ đông mới rót vốn vào công ty đối tác khiến hoạt động kinh doanh được phục hồi, có dòng tiền trả nợ.

Câu chuyện trên cho thấy doanh nghiệp có khả năng được cứu trước thềm phá sản nếu tiến hành các giải pháp phục hồi sớm.

Tại dự án Luật Phá sản (sửa đổi), đang được Toà án Nhân dân Tối cao dự thảo lần thứ 3, dự kiến đưa ra trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp diễn ra vào cuối năm nay, lần đầu tiên, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tách ra độc lập với thủ tục phá sản.

Trước đó, Luật Phá sản năm 2014 quy định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là một giai đoạn nằm trong thủ tục phá sản. Sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp/hợp tác xã xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (bao gồm các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ). Tuy nhiên, báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao cho thấy, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hầu như không được áp dụng. Theo thống kê, trong gần 9 năm thi hành Luật Phá sản 2014, toàn quốc có chưa đến 10 vụ việc áp dụng thủ tục phục hồi.

Nguyên nhân là, thủ tục phục hồi được tiến hành trong thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã mất khả năng thanh toán, không thể cứu vãn nên việc xây dựng, triển khai phương án phục hồi khó thành công; doanh nghiệp, hợp tác xã không được quyền làm đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi ngay, mà phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu phá sản mới xem xét áp dụng thủ tục phục hồi…

Chính vì giai đoạn phục hồi chưa được chú trọng, trên thực tế, số vụ việc giải quyết phá sản doanh nghiệp còn thấp so với nhu cầu thực tế. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, song chỉ số phá sản doanh nghiệp (một chỉ số đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới) của Việt Nam xếp thứ 129 (năm 2017), thứ 130 (năm 2018) trên thế giới.

Tại phiên họp mở rộng của Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội sáng 27/3 để thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi), ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội nhận định, hiện nay, có tình trạng nhiều doanh nghiệp biến mất không lý do, tức đã ngừng hoạt động nhưng chưa phá sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Cho rằng nguyên nhân của việc không giải quyết được thủ tục phá sản, ngoài lý do thủ tục phức tạp còn do cả ba bên liên quan (doanh nghiệp phá sản, chủ nợ, toà án) thiếu động lực để tiến hành phá sản, ông Mạnh ủng hộ quan điểm ưu tiên phục hồi doanh nghiệp trước khi phá sản, đồng thời đề nghị có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản thì buộc phải tiến hành thủ tục phá sản.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, trên thế giới, người ta coi phá sản là một hoạt động bình thường của quá trình kinh doanh, thậm chí hiểu phá sản theo nghĩa phục hồi là chính, chấm dứt cái này để chuyển sang cái kia. Tuy nhiên, trong văn hoá Việt Nam, phá sản vẫn bị coi là xấu, là thất bại.

Vì lý do này, ông Hiếu cũng đồng tình là phải bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp khi sửa đổi Luật Phá sản. Đồng thời, cần thiết kế Luật theo hướng nếu phục hồi không thành công thì phải “kích hoạt” quá trình phá sản, tránh tình trạng các “doanh nghiệp xác sống” - tức đã rơi vào tình trạng phá sản từ lâu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động lay lắt để được hưởng cơ chế, chính sách, mặt bằng..., gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Tránh nguy cơ “chết oan” do phá sản sớm

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, phương án phục hồi phải là của doanh nghiệp (người quản lý và các cổ đông, bao gồm cổ đông mới rót tiền vào cứu doanh nghiệp), chứ không phải của các chủ nợ như quy định tại dự thảo. Bởi cổ đông mới là người đầu tiên rót tiền vào cứu doanh nghiệp, chứ không phải là chủ nợ.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, dự thảo Luật cần làm rõ thời điểm nào sẽ tuyên bố bắt đầu quá trình phục hồi, phá sản. Bởi nếu đưa ra các tiêu chí không chính xác sẽ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, vì đôi khi doanh nghiệp chỉ khó khăn ngắn hạn về dòng tiền, chứ chưa mất khả năng thanh toán. Quy định mất khả năng thanh toán 6 tháng phải mở thủ tục phục hồi, phá sản như dự thảo Luật cũng là chưa hợp lý.

“Việc doanh nghiệp chưa thanh toán được khoản nợ trong 6 tháng đôi khi lại là chiến lược của doanh nghiệp. Ví dụ, họ trì hoãn trả nợ, chấp nhận tiền phạt để đổi lấy một cơ hội đầu tư khác, hoặc vì lý do nào đó…. Nếu Toà tuyên bố ngày họ phá sản dựa vào điều này là không đúng”, ông Hiếu nói và đề xuất quy định thời điểm phá sản buộc phải có tiêu chí kinh tế và nhìn dưới góc độ của dòng tiền hơn là “fix cứng” thời điểm thanh toán nợ hay hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu...

Nhìn vào thực tế, có thể thấy, thời điểm mở thủ tục phá sản (theo Luật Phá sản 2014) không dựa trên ý chí của doanh nghiệp đã từng là bài học đau thương với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG). Theo đó, ngày 9/10/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai, dựa trên yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3, vì giữa Lilama và Đức Long Gia Lai tồn tại khoản nợ 17 tỷ đồng mà Đức Long Gia Lai phải trả.

Điều này đã gây sốc đối với các cổ đông, nhà đầu tư của Đức Long Gia Lai, bởi đây là tập đoàn có 20 năm trên thương trường, với 30 công ty thành viên và 4 công ty liên kết hoạt động đa ngành; thời điểm bị tuyên phá sản, khoản nợ này chỉ chiếm 0,14% tổng tài sản của Công ty… Sau khi DLG khiếu nại, giải thích việc chậm thanh toán do quá trình thi hành án kéo dài, chứ không phải Công ty mất khả năng thanh toán, thủ tục phá sản đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cổ đông đã chịu thiệt hại rất lớn do trước đó, cổ phiếu bị bán tháo ồ ạt.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, trên thế giới có rất nhiều thương hiệu lớn, thương hiệu toàn cầu được tái sinh từ ngưỡng cửa phá sản. Trong khi đó, Việt Nam chưa có khung pháp lý và những chính sách đủ mạnh để khuyến khích phục hồi trước phá sản.

“Phải làm sao để chúng ta có đủ khung pháp lý cho các công ty lớn, các quỹ đầu tư tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp bên bờ vực phá sản”, ông Mãi nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc tách bạch khâu phục hồi doanh nghiệp tại dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) là một bước tiến mới trong cải cách tư pháp, cho thấy tư duy làm luật đã thị trường hơn.

Theo luật sư, phá sản doanh nghiệp về bản chất là một cuộc đòi nợ tập thể. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao thì rất cần ưu tiên công đoạn phục hồi doanh nghiệp trước khi buộc phải phá sản. Theo đó, ngay khi doanh nghiệp có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, hội nghị chủ nợ cần họp để đánh giá sức khoẻ doanh nghiệp, nếu chọn giải pháp phục hồi thì đề ra phương án phục hồi, thông thường bao gồm giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp, bán doanh nghiệp cho một bên thứ ba, quy đổi nợ thành cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp rồi trực tiếp tham gia vào quản trị…

“Nếu các công đoạn phục hồi được “kích hoạt” đúng lúc, nhiều doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ “chết oan” do phá sản sớm”, luật sư Truyền nhấn mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục