Năng lượng: Giá dầu tăng gần 2%, khí LNG giảm 16%
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng khi các quan chức Mỹ dường như sắp đạt được thỏa thuận trần nợ, đồng thời thị trường cân nhắc những thông tin trái chiều về nguồn cung từ Nga và Ả Rập Xê-út trước cuộc họp chính sách tiếp theo của OPEC+.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch thứ Sáu (ngày 26/5), dầu thô Brent tăng 69 US cent (+0,9%) lên 76,95 USD/thùng; dầu thô Tây Texas (WTI) tăng 84 US cent (+1,2%) lên 72,67 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với dầu Brent tăng 1,7% và dầu WTI tăng 1,6%.
Tuy nhiên, các thị trường vẫn thận trọng khi các cuộc đàm phán về trần nợ có thể kéo dài và có những mối lo ngại mới về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 6 tới. Điều này sẽ hạn chế nhu cầu sau thông tin về chỉ số lạm phát và số liệu chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ.
Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do giá khí đốt toàn cầu giảm, sản lượng của Mỹ tăng cao kỷ lục, xuất khẩu của Canada tăng và dự báo thời tiết tại Mỹ ôn hòa hơn và nhu cầu trong tuần này thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn New York giảm 12,6 US cent (-5,5%) xuống 2,181 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 5/5/2023. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 6 US cent xuống 2,417 USD/mmBTU.
Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 16%, xói mòn mức tăng 14% trong tuần trước đó.
Kim loại: Kim loại quý giảm mạnh; đồng cũng lao dốc; quặng sắt và thép biến động mạnh
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng song có tuần giảm thứ 3 liên tục do khả năng đạt được thỏa thuận trần nợ và thước đo lạm phát của Mỹ “nóng” hơn dự kiến làm gia tăng đặt cược lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.943,12 USD/ounce, trong phiên có lúc tăng 0,9% và vàng kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn New York không thay đổi ở mức 1.944,3 USD/ounce.
Giá vàng chạm mức thấp nhất 2 tháng (1.936,59 USD/ounce) trong giờ giao dịch châu Á và có tuần giảm 1,7%.
Tuy nhiên, trong nhóm kim loại quý, vàng chưa phải là mặt hàng giảm giá nhiều nhất. Bạch kim dẫn đầu đà giảm khi giảm tới 4,43% xuống 1.028,1 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tục. Kế tiếp, giá bạc giảm 2,91% về 23,36 USD/ounce - là tuần giảm thứ ba liên tục.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) mà Fed theo dõi cho mục tiêu lạm phát 2% đã tăng 4,4% trong 12 tháng tính đến tháng 4/2023, sau khi tăng 4,2% trong tháng 3/2023.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và USD tăng lên gần mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023, cả hai đều có tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Trong tuần qua, đàm phán nâng trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong bối cảnh Mỹ vẫn bế tắc về trần nợ, các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ USD với tính trú ẩn và thanh khoản cao hơn. Điều này khiến vai trò trú ẩn của mặt hàng kim loại quý có phần thất thế hơn.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát cao hơn ước tính được công bố vào cuối tuần tiếp tục làm gia tăng lo ngại Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới. Điều này tiếp tục củng cố sức mạnh USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 104,21 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn cũng là yếu tố làm giảm sức mua của kim loại quý.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng được thiết lập cho tuần giảm thứ sáu liên tiếp, ngay cả khi giá tăng cao hơn vào thứ Sáu (ngày 26/5) sau những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sức mạnh của USD gây ra tình trạng bán tháo vào đầu tuần qua.
Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá đồng kỳ hạn giao 3 tháng tăng 0,2% lên 7.978,50 USD/tấn trong phiên 26/5, nhưng cả tuần giảm 3,3%.
Giá đồng - thường được coi là một chỉ báo kinh tế, đã giảm xuống dưới mức 8.000 USD/tấn trong tuần qua, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023, trong bối cảnh lo ngại về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ và dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến ban đầu cũng hỗ trợ USD.
Đồng bạc xanh đứng gần mức cao nhất trong 2 tháng so với các đồng tiền chính và hướng tới mức tăng hàng tuần vào thứ ba, khiến việc mua hàng hóa được định giá bằng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người không nắm giữ đồng tiền này.
Thị trường đồng cũng chịu áp lực từ nguồn cung tăng và nhu cầu yếu liên tục tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc. Hợp đồng đồng giao tháng 7/2023 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,6% lên 63.650 CNY(tương đương 9.208,49 USD)/tấn.
Về các kim loại cơ bản khác, trên sàn London, giá nhôm giảm 0,7% về 2.216,5 USD/tấn; thiếc giảm 1% về 24.350 USD/tấn; chì giảm 0,4% về 2.066,5 USD/tấn và nikel giảm 0,3% về 21.160 USD/tấn; ngược lại, kẽm tăng 0,3% lên 2.278,5 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm tăng 0,9% lên 17.755 CNY/tấn; chì ít thay đổi ở mức 15.245 CNY/tấn; nikel tăng 0,5% lên 166.890 CNY/tấn; thiếc tăng 0,9% lên 198.750 CNY/tấn; ngược lại, kẽm giảm 0,8% về 19.010 CNY/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trong tuần qua, chịu áp lực bởi triển vọng nhu cầu sau giảm tại nước sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc do hoạt động xây dựng chậm lại theo mùa.
Cụ thể, trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 2,5% xuống 665,5 CNY (96,28 USD)/tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 2/12/2022, trước đó tăng 4% lên 709,5 CNY/tấn trong đầu phiên. Tính cả tuần, giá quặng sắt giảm 3,5%.
Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2023 tăng 4% lên 99,55 USD/tấn, trong phiên có lúc giảm 1,8% xuống 94 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tính cả tuần, giá quặng sắt giảm hơn 5%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,5%; thép cuộn cán nóng tăng 1,8%; thép cuộn tăng 0,1% và thép không gỉ tăng 1,7%.
Nông sản: Giá ngô tăng vọt, lúa mì và đậu tương cũng tăng theo
Giá ngô trên sàn Chicago đạt mức cao nhất 1 tháng do dự báo thời tiết tại khu vực Trung Tây Mỹ khô, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 13-1/4 US cent lên 6,04 USD/bushel và đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/4/2023 (6,06-3/4 USD/bushel).
Tương tự, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 3-1/4 US cent lên 13,37-1/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn cũng tăng 11-3/4 US cent lên 6,16 USD/bushel.
Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy thời tiết nóng và khô ráo sẽ bao trùm trên hầu hết khu vực trồng trọt quan trọng là Trung Tây Mỹ trong 2 tuần tới. Vụ ngô của Mỹ đã sắp hoàn thành giai đoạn gieo trồng và khung thời tiết này có thể gây ra ảnh hưởng xấu đối với cây trồng, hạn chế quá trình nảy mầm. Lo ngại này đã thúc đẩy giá ngô tăng vọt 5 phiên liên tiếp.
Ngoài ra, thời tiết khô hạn thời gian gần đây cũng đang khiến nông dân Brazil lo ngại về triển vọng ngô vụ 2 năm nay, đặc biệt là tại Parana - bang sản xuất ngô vụ 2 lớn thứ hai của nước này.
Mặc dù nguồn cung là lý do chính dẫn tới việc lực mua áp đảo trên thị trường lúa mì, nhưng giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng thấp hơn nhiều so với ngô. Khoảng cách giữa giá ngô và lúa mì đã thu hẹp dần sau tuần giao dịch vừa qua.
Khả năng Nga không tiếp tục tham gia thỏa thuận lúa cốc Biển Đen cũng liên tục thúc đẩy giá lúa mì. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng lúa mì của Mỹ giảm về mức âm đã hạn chế đà tăng giá.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê, dầu cọ đều tăng, cao su biến động trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE tăng 0,8% lên 25,02 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4/2023 (24,61 US cent/lb) trong phiên trước đó. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London tăng 0,3% lên 700 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE tăng 0,4% lên 1,814 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 tháng (1,7955 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch. Đồng thời, giá cà phê robusta cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,2% lên 2.537 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 15 năm (2.675 USD/tấn) trong phiên ngày 23/5/2023.
Giá cao su tại Nhật Bản hầu như không thay đổi, song có tuần giảm theo xu hướng giá cao su tại thị trường Thượng Hải, trong khi JPY tăng đã gây áp lực giá. Cụ thể, trên sàn Osaka, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2023 không thay đổi ở mức 209,5 JPY (1,55 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 1,5%.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2023 tăng 100 CNY lên 11.875 CNY (1.718 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 6/2023 tăng 1,1% lên 133,8 US cent/kg.
Việc JPY tăng 0,22% so với USD lên 139,76 JPY/USD khiến hàng hóa mua bằng JPY trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp và có tuần tăng do giá dầu thực vật khác tăng mạnh và lo ngại sản lượng chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.
Cụ thể, trên sàn Bursa Malaysia, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 61 ringgit (+1,75%) lên 3.554 ringgit (801,35 USD)/tấn - cao nhất kể từ ngày 15/5/2023. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 2,1%.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |