Từ chối nêu tên các thương vụ, song theo vị doanh nhân này, cú sốc trên thị trường tài chính và nền kinh tế hiện nay khiến đa phần doanh nghiệp điện cố gắng cầm cự, nhưng tỷ lệ không cầm cự nổi buộc phải “bán con” là khá nhiều.
Cũng có thêm một lý do khiến những doanh nghiệp yếu thực lực muốn giải tỏa áp lực, đó là chính sách thay đổi và không lường trước được tác động đến hoạt động của dự án và thực tế diễn ra không như báo cáo tiền khả thi. Trong bối cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị ép trên mọi mặt trận.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho biết đang đại diện cho một nhóm nhà đầu tư châu Âu tìm hiểu cơ hội mua 34% cổ phần của một tập đoàn vận hành 850 MW điện tái tạo. Các nhà đầu tư nước ngoài không vội và nhẩn nha chờ cơn bĩ cực của doanh nghiệp Việt Nam lên đến đỉnh điểm rồi mới nhấn ga đàm phán.
Gần nhất, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy Điện ĐăkPsi của doanh nhân Vũ Quang Bảo đã thất bại trong việc đàm phán tái cấu trúc vốn với một định chế tài chính nước ngoài. Xuân Thiện mới đây đã chấp nhận bán phần lớn cổ phần dự án điện mặt trời với giá thấp hơn mức mà giới chuyên môn đánh giá.
Điện là loại hàng hóa thiết yếu, dự án sinh dòng tiền đều đặn. Khi bỏ vốn vào ngành điện, ngoại trừ một số doanh nghiệp “tranh thủ” để sau đó bán dự án, nhiều doanh nghiệp coi trọng khả năng đảm bảo dòng tiền thường xuyên từ các dự án điện. Việc đói vốn phải “bán con” của doanh nghiệp thực sự ở thế cực chẳng đã, vì hiện nay người mua đang thắng thế. Bên mua hiện nay hầu hết là các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam không thể có đủ lực để đấu với họ về vốn khi chi phí vay có lãi suất lên tới 2 con số, cao hơn gấp đôi so với lãi suất của các tập đoàn nước ngoài. Chia sẻ của một số doanh nhân ngành điện cho thấy những cuộc đấu không cân sức.
Báo cáo khẩn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi Bộ Công Thương mới đây cho thấy, Tập đoàn hiện đối mặt khả năng thiếu 4.900 MW điện ở miền Bắc trong bối cảnh thời tiết nắng nóng nhiều. Nếu trong điều kiện sản xuất không bị đình đốn như hiện nay trên quy mô cả nước, tình trạng thiếu điện còn căng thẳng hơn. Giới chuyên gia đều nhìn nhận, nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần là hiện hữu khi các chính sách điều chỉnh, sửa đổi liên quan đến phát triển ngành điện chậm ban hành.
Quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhưng chỉ mang tính định hướng nên vẫn có những khó khăn trong việc huy động nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án năng lượng trong tương lai. Doanh nghiệp điện đang chờ đợi các cơ chế rõ ràng hơn, để từ đó huy động vốn phát triển các nguồn điện mới. Các dự án hiện hữu được vận hành khai thác tốt, dự án mới được đưa vào đầu tư, mới kỳ vọng tạo ra sinh khí mới cho doanh nghiệp điện. Đây cũng là những nội dung được phân tích sâu trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo này.
Nhìn ra nhiều nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan, ngành năng lượng cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng với những chính sách được ban hành kịp thời, đúng đắn, doanh nghiệp của họ đã vượt qua và tích lũy được nguồn lực để lớn mạnh, trở thành các thợ săn vươn tay ra thị trường nước ngoài qua các thương vụ M&A.