Càng mở rộng, càng thua lỗ
Trong số báo ra ngày 22/5/2023, Báo Đầu tư Chứng khoán đăng tải bài viết “Đằng sau khoản lỗ hơn 4.000 tỷ đồng của Grab Việt Nam”, phản ánh câu chuyện kinh doanh của Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab, Grab Việt Nam), công ty liên quan của “ông lớn” công nghệ GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở chính ở Singapore). Theo đó, từ một công ty có doanh thu 1,5 tỷ đồng vào năm 2014, đến năm 2022, Grab đã có quy mô 6.384 tỷ đồng doanh thu, đồng thời thống lĩnh thị trường xe công nghệ tại Việt Nam, với trên 70% thị phần gọi xe đến từ hơn 30 triệu khách hàng, chưa kể các mảng giao đồ ăn nhanh, giao hàng, đi chợ hộ…
Trong khi không ngừng mở rộng quy mô, thống lĩnh thị trường, “ông lớn” xe công nghệ này ngày càng thua lỗ. Tại thời điểm cuối năm 2022, Grab có khoản lỗ luỹ kế hơn 4.036 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.016 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần vốn điều lệ.
Vì sao Grab Việt Nam thua lỗ và vì sao lỗ lớn nhưng vẫn mở rộng được?
Lần theo dấu dòng tiền của Công ty TNHH Grab thì thấy rằng, tuy vốn góp chủ sở hữu chỉ 20 tỷ đồng, song Công ty vẫn có nguồn vốn “khủng” để hoạt động - chủ yếu đến từ các khoản cho vay không lãi suất của Công ty GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở tại Cayman Island, nước Anh). Báo cáo tài chính các năm của Grab thể hiện hai công ty này là “công ty liên quan”.
Nếu như cuối năm 2018, tổng giá trị khoản vay là 2.705 tỷ đồng thì sang năm 2019, con số tăng lên 5.711 tỷ đồng, năm 2020 là 5.189 tỷ đồng, năm 2021 là 4.278 tỷ đồng và cuối năm 2022 là 4.388 tỷ đồng.
Với nguồn vốn dồi dào, lại không phải trả lãi suất, Grab Việt Nam tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, thúc đẩy bán hàng nên doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn đã khiến “ông lớn” xe công nghệ liên tục thua lỗ. Giai đoạn 2018 - 2022, chi phí này lần lượt là 1.816 tỷ đồng, 3.145 tỷ đồng, 2.280 tỷ đồng, 2.339 tỷ đồng và 3.722 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, một số tiền khá lớn gọi là “phí quản lý”, “phí bản quyền”, “phải trả khác” được Grab Việt Nam trả cho GrabTaxi Holdings Pte. Ltd và Grab Inc, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, năm 2019, phí bản quyền phải trả là 25 tỷ đồng; năm 2021, phí bản quyền là 67,58 tỷ đồng, ngoài ra còn có phí quản lý 314,4 tỷ đồng và phải trả khác 37 tỷ đồng…
Báo cáo tài chính của Grab Việt Nam cho thấy, hiện Công ty chỉ nộp một số khoản thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế trả hộ tài xế. Theo đà tăng trưởng “thần tốc” của Grab, các khoản thuế này tăng nhanh qua các năm: Năm 2017 là 198 tỷ đồng, năm 2019 là 814 tỷ đồng, năm 2021 là 1.035 tỷ đồng… Về bản chất, đây là những khoản thuế có tính chất thu hộ do Grab thu từ khách hàng, tài xế, nhân viên, nhà thầu rồi nộp cho cơ quan thuế Việt Nam.
Grab Việt Nam chưa nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% do quy định, nếu doanh nghiệp thua lỗ thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi nào có lãi thì được kết chuyển lỗ từ các năm trước sang, trong thời hạn tối đa 5 năm.
Vì thế, trong suốt 9 năm hoạt động tại Việt Nam (thành lập tháng 2/2014), chỉ có 2 năm Grab có lãi là năm 2020 (lãi 243,4 tỷ đồng) và năm 2022 (lãi 329 tỷ đồng). Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp trong 5 năm gần đây (2018 - 2022) cho thấy, doanh nghiệp không phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Công ty liên quan “ưu ái” bất ngờ
Grab Việt Nam có hoạt động đáng chú ý. Thứ nhất, ông Nguyễn Tuấn Anh, trước đây là Chủ tịch Hội đồng thành viên (sau này chuyển nhượng vốn cho bà Lý Thụy Bích Huyền) góp vốn 10,2 tỷ đồng, đủ để nắm tỷ lệ sở hữu 51%, sau đó cả hai người này đều vay lại Công ty TNHH Grab đúng số tiền đã góp vốn đó. Đây là hai cá nhân còn khá trẻ, bà Bích Huyền chỉ là lãnh đạo cấp thấp của Grab Việt Nam (Trưởng phòng Kinh doanh).
Cơ sở nào để GrabTaxi Holdings Pte. Ltd và Grab Inc cho vay vài nghìn tỷ đồng không lãi suất để vận hành một công ty càng kinh doanh càng lỗ?
Thứ hai, thường xuyên thua lỗ nhưng Grab Việt Nam vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý, phải trả khác ra nước ngoài cho GrabTaxi Holdings Pte. Ltd và Grab Inc.
Bình luận về việc này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Grab Việt Nam không phải công ty đại chúng nên không có nghĩa vụ công khai báo cáo tài chính hàng năm. Grab cũng không thuộc đối tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ban đầu là công ty 100% sở hữu của người Việt, sau đó nhà đầu tư nội chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm dưới 51% cổ phần) nên không phải xin giấy phép đầu tư, không thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán hàng năm. Đây là lý do khó kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp này”.
Còn theo một chuyên gia kiểm toán, việc Grab Việt Nam chuyển hàng trăm tỷ đồng về cho công ty mẹ hoặc công ty liên quan trong khi thua lỗ nặng nề là một dấu hiệu đáng chú ý.
Việc chuyển một số tiền lớn ra khỏi công ty liên quan đến thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, nên cần làm rõ những khoản đó có hợp lý, hợp lệ không? Cơ quan thuế có ý kiến gì khi thanh kiểm tra công ty này không? Chuyện doanh nghiệp chuyển vay ngoại hối về và chuyển tiền ra ngoài, ngân hàng quản lý thế nào?”, vị chuyên gia nêu vấn đề.