Khô đậu bất ngờ là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm đậu tương trong phiên 7/4/2022 do ảnh hưởng của thông tin về cuộc đình công tại Argentina. Theo hãng tin Reuters, những người đứng đầu công đoàn giao thông vận tải của Argentina đang kêu gọi cuộc đình công toàn quốc để yêu cầu tăng giá cước vận chuyển ngũ cốc do chi phí nhiên liệu tăng cao. Nếu cuộc đình công diễn ra, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nước này như khô đậu và đậu tương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đối với mặt hàng đậu tương, việc sản lượng xuất khẩu của Brazil suy giảm đang là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá hàng hóa này. Theo Hiệp hội Xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC), khối lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 4 đạt mức 11,12 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 12,96 triệu tấn trong tháng trước và 17,40 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường nông sản trong phiên thứ Năm tuần qua là mức tăng hơn 3% của lúa mì Chicago và hơn 4% của lúa mì Kansas. Đà tăng mạnh của lúa mì cũng giúp cho ngô tăng hơn 1%. Xuất khẩu ngô trong tháng 4 của Brazil được ANEC dự báo ở mức 60.000 tấn, thấp hơn mức 103.278 tấn trong tháng trước, cũng góp phần gây ra lo ngại về nguồn cung.
Giá nông sản tăng mạnh tác động rất lớn đến giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.
Trái ngược với diễn biến giá nông sản, giá dầu lại có xu hướng giảm. Kết thúc phiên giao dịch 7/4, giá dầu WTI giảm 5,62% xuống 96,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 5,22% xuống 101,07 USD/thùng. Mức giảm đến từ thông báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ sẽ giải phóng một lượng lớn dầu trong năm nay.
Như vậy, tính từ đầu năm đến giờ, các thành viên của IEA đã cam kết sẽ giải phóng ít nhất 301,7 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược, gấp 6 lần lượng dầu mở kho năm ngoái chỉ rơi vào khoảng 50 triệu thùng. Nếu so sánh với ước tính của IEA rằng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2022 thì con số trên sẽ chỉ đủ bù đắp lượng thiếu hụt của Nga trong vòng 3 tháng. Như vậy, thị trường khả năng cao vẫn sẽ rơi vào trạng thái thiếu nguồn cung, nếu nhu cầu dầu vẫn giữ vững ở mức 100 triệu thùng/ngày như các phân tích đã chỉ ra. Đây là lý do tại sao giá dầu nhanh chóng phục hồi phần nào với lực mua bắt đáy ngay trong phiên sáng 8/4.
Tuy nhiên, sự phục hồi này là có giới hạn, khi thị trường tài chính nói chung đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trước hết là biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tối qua cho thấy áp lực lạm phát cao. Mặc dù vấn đề nằm ở các tắc nghẽn trong khâu sản xuất do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và vấn đề
logistics, nhưng các ngân hàng trung ương chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách giảm cung tiền, tăng chi phí lãi vay để phần nào hạn chế sức mua.
Nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do chi phí gia tăng cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Tại châu Âu, tồn kho dầu và các sản phẩm lọc dầu đang có xu hướng tăng lên, bất chấp nguồn cung từ Nga đang suy yếu. Chi phí cho khí tự nhiên tại châu Âu cao gấp 5 lần so với tại Mỹ, sẽ buộc người dân phải tiết kiệm các khoản chi khác.
Mặc dù kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022, nhưng với các ẩn số mới như dịch Covid-19 tại Trung Quốc đe dọa làm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng và tạo ra rủi ro suy thoái, kéo theo nhu cầu năng lượng giảm và gây áp lực cho giá dầu. Do đó, trước khi có các thông tin mới, khả năng cao giá dầu trong ngắn hạn vẫn nằm dưới vùng 100 USD/thùng.