Thị trường hàng hóa tuần từ 18-25/3: Đồng loạt tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 18-25/3, giá dầu tăng trở lại sau 3 tuần giảm liên tiếp, vượt mức 120 USD/thùng, từ đó thúc đẩy nhiều hàng hóa khác như vàng, sắt thép, nông sản, nguyên liệu công nghiệp… tăng theo.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng trở lại, khí tự nhiên cũng tăng cao nhất 8 tuần

Phiên cuối tuần qua 25/3, giá dầu tăng hơn 1%, vượt mức 120 USD/thùng do các vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu ở Ả Rập Xê-út. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,62 USD (+1,4%) lên 120,65 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,56 USD (+1,4%) lên 113,9 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng - là tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó, với dầu Brent tăng hơn 11,5% và dầu WTI tăng 8,8%.

Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen ngày 25/3 đã nhận thực hiện các vụ tấn công xuyên biên giới bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các cơ sở khai thác dầu khí của Ả Rập Xê-út. Đây là đợt tấn công thứ 3 trong chưa đầy 1 tuần qua. Những thông tin này gây lo ngại nguồn cung dầu mỏ sẽ càng thêm khan hiếm và khiến thị trường dầu mỏ vốn đã xáo trộn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine càng thêm phức tạp.

Tương tự,mặt hàng khí tự nhiên tại Mỹ tăng 3% lên mức cao nhất 8 tuần do dự báo thời tiết trong tuần tới lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm tăng. Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 17 US cent (+3,1%) lên 5,571 USD/mmBTU - cao nhất kể từ ngày 27/1/2022.

Kim loại: Giá vàng tăng và sắt, thép tăng; đồng, nhôm, nikel giảm giá

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tuần qua tăng do lo ngại về cuộc xung đột Nga và Ukraine thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn.

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 25/3/2022, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.952,6 USD/ounce, vàng giao sau giảm 0,4% xuống 1.954,2 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng khoảng 1,3%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên gần mức cao nhất nhiều năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát tăng cao tiếp tục thúc đẩy nhu cầu kim loại quý này.

Về các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% xuống 25,37 USD/ounce trong phiên cuối tuần qua, song cả tuần vẫn tăng khoảng 2%; bạch kim giảm 2,1% xuống 999,06 USD/ounce và palladium giảm 5,4% xuống 2.387,75 USD/ounce, như vậy, cả 2 kim loại này đều giảm tuần thứ 3 liên tiếp.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, phiên cuối tuần qua 25/3, giá đồng và nhôm giảm trong bối cảnh giao dịch trầm lắng khi một số nhà đầu tư bán ra chốt lời.

Kết thúc phiên này, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,9% xuống 10.255 USD/tấn, giá nhôm cũng giảm 0,1% xuống 3.620 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm, trong khi giá nhôm tăng.

Giá nickel trên sàn London giảm 4,6% xuống 35.505 USD/tấn, nhưng trên sàn Thượng Hải lại tăng hơn 11% lên 250.840 CNY (39.425 USD)/tấn.

Về các kim loại khác, giá kẽm tăng 0,8% lên 4.071 USD/tấn; chì tăng 1,8% lên 2.351 USD/tấn, trong khi thiếc giảm 1,4% xuống 42.140 USD/tấn.

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine khiến thị trường kim loại liên tục biến động. Nga là nước sản xuất nhiều kim loại chủ chốt, bao gồm đồng, nhôm và nickel. Nga cũng là nước sản xuất quan trọng đối với mặt hàng khí đốt - nhiên liệu tạo ra điện năng để sản xuất kim loại ở châu Âu.

Nhà phân tích Wenyu Yao của ING rằng, có nhiều bất ổn trên thị trường, khiến cho triển vọng ngắn hạn trở nên u ám. Theo chuyên gia này, nhiều khả năng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả kim loại được sản xuất ở đây hoặc bởi các công ty của nước này.

Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng gần 4% trong phiên cuối tuần qua, cũng là phiên tăng thứ 2 liên tục.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 3,9% lên 858 CNY (134,82 USD)/tấn và cả tuần tăng 2,7% - là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên 5.013 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,7% lên 5.282 CNY/tấn, thép không gỉ giảm 2,7% xuống 21.110 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép không gỉ tăng 5,4%.

Nông sản: Ngô, đậu tương và lúa mì cùng tăng giá

Phiên 25/3/2022, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago đồng loạt tăng, với giá lúa mỳ tăng mạnh do nhu cầu cao, mặc dù vụ thu hoạch tại Nam Mỹ đã bắt đầu.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 phiên này tăng 9-1/2 US cent lên 17,1-1/4 USD/bushel; giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 5-3/4 US cent lên 7,54 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 16-1/2 US cent lên 11,02-1/4 USD/bushel.

Tình hình không chắc chắn về cuộc xung đột Nga - Ukraine và báo cáo vụ mùa tới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến công bố trong tuần này sẽ tác động tới thị trường ngũ cốc.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đồng loạt tăng

Giá đường đang có xu hướng tăng nhanh, với đường trắng đạt mức cao nhất 5 năm trong bối cảnh Ấn Độ - nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới - có thể hạn chế xuất khẩu trong năm 2022 để ổn định thị trường trong nước.

Theo đó, kết thúc phiên 25/3/2022, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent (+1,8%) lên 19,61 US cent/lb - cao nhất kể từ ngày 23/11/2021; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London phiên này cũng tăng 12,1 USD (+2,2%) lên 562,7 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 563,7 USD/tấn - cao nhất kể từ đầu năm 2017.

Trên thị trường cà phê, giá robusta trên sàn London giao tháng 5/2022 tăng 12 USD/tấn lên mức 2.148 USD/tấn; robusta giao tháng 7/2022 tăng 13 USD/tấn lên mức 2.127 USD/tấn. Trong khi đó, giá arabica trên sàn New York giao tháng 5/2022 không đổi khi ở mức 221,85 xu Mỹ/lb, trong khi arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,10 xu Mỹ/lb, lên 221,80 xu Mỹ/lb.

Trên thị trường cao su, giá mặt hàng này tại Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 2 liên tiếp do đồng JPY yếu đi và nguồn cung nguyên liệu từ nước sản xuất hàng đầu Thái Lan bị thắt chặt.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka tăng 1,1 JPY (+0,4%) lên 256,3 JPY (2,11 USD)/kg trong phiên 25/3 và cả tuần giá tăng 3,3%. Cao su trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 50 CNY lên 13.510 CNY (2.122,55 USD)/tấn.

Trên thị trường dầu cọ, giá dầu cọ Malaysia tăng do hoạt động bán tháo phiên trước đó trong bối cảnh nguồn cung ngắn hạn thắt chặt.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,48% lên 6.031 ringgit (1.433,22 USD)/tấn, hồi phục từ mức giảm 4% trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 7,14%, sau khi giảm 16% trong tuần trước đó - tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 1986.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục