Nhưng kể từ khi lên sàn, vốn điều lệ tăng rất nhanh và hầu hết trong số đó đều có mức tăng tương ứng về các chỉ tiêu kinh doanh.
Rõ ràng, trước và sau niêm yết là một bước thay đổi thần kỳ với nhiều DN!
Theo tổng kết của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), khi niêm yết, các DN thường tăng vốn điều lệ, tỷ lệ tăng vốn 7-8 lần khá phổ biến, có DN tăng vốn gấp 1.000 lần. Nói về chất lượng sử dụng vốn, nhiều DN sau khi phát hành thu thặng dư vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng đã triển khai những dự án đầu tư giai đoạn trước 2008. Dự án đi vào hoạt động hiệu quả tạo ra dòng tiền lớn. Chính những DN đó thời điểm này đang triển khai dự án quy mô lớn nửa tỷ đến cả tỷ USD, nhưng tự tin khẳng định không cần phát hành huy động vốn mà dùng nguồn lợi nhuận đã tích lũy được để đầu tư. Thậm chí, có những DN như Hòa Phát nêu kỳ vọng về tài chính sẽ phấn đấu như Apple, giảm thiểu sử dụng vốn vay ngân hàng, để Tập đoàn sẽ hoạt động như một ngân hàng đầu tư.
Nếu không có TTCK, những ước mơ như vậy tưởng chừng là viển vông.
Những DN tư nhân vươn lên vị thế đầu ngành hầu hết đều là những DN niêm yết như KDC, FPT, MSN, VIC, SSI, ACB, STB… Có không ít DN như SAM, như Coteccons, Gemadept, REE…, xuất phát điểm là DNNN, thậm chí chỉ là một thành viên, xí nghiệp nhỏ thuộc một DNNN tách ra, thực hiện cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK, giờ đều đã trở thành những “thế lực” thực sự trong ngành nghề của mình.
Tất cả họ đều công nhận, niêm yết là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển, là bước phát triển tất yếu để vươn lên. Như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (NLG): “Với một công ty bất động sản, việc sử dụng vốn tự có tăng trưởng theo dạng tích lũy sẽ phát triển rất chậm, việc sử dụng vốn vay tăng trưởng nhanh nhưng có rủi ro cho Công ty. NLG mong muốn được tham gia một cuộc chơi lớn, vừa huy động được vốn phát triển, vừa nâng cấp được bộ máy nhờ tuân thủ các chuẩn mực về quản trị để đáp ứng nhu cầu cổ đông”.
Đó có lẽ không chỉ là ý nghĩa quan trọng nhất của quyết định niêm yết với Nam Long, mà là với hầu hết DN.
Với những điều đó, có thể khẳng định, nếu không có TTCK, Việt Nam sẽ khó có thể có những DN tư nhân quy mô tỷ đô la, những DN tầm cỡ khu vực và thế giới.
Sau 15 năm, với cả vất vả và những mùa quả ngọt, TTCK Việt Nam đang được kỳ vọng trở thành điểm tựa và sẽ được Chính phủ tập trung phát triển để trở thành động lực cho DN và nền kinh tế trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh.
Khi nói về việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, khác với trước, chúng ta không thường nghe thấy DN nhắc đến những kiến nghị kiểu như chính sách ưu đãi thuế, vốn vay, mà chủ yếu là hoàn thiện thể chế. Trong đó, TTCK là một thể chế cần ưu tiên hoàn thiện để DN có một điểm tựa quan trọng thực hiện chiến lược phát triển cũng như nền kinh tế có điểm tựa thực hiện tái cơ cấu, cải cách DNNN…
Vào thời điểm kỷ niệm 15 năm phát triển TTCK, nhìn lại những kỳ tích tăng trưởng mà nhiều DN niêm yết đã đạt được, dù thị trường mới ở mức độ sơ khai sẽ thấy TTCK xứng đáng được ghi nhận. Và khi điểm tựa thị trường tiếp tục được xây dựng, phát triển đúng hướng, hẳn sẽ có những kỳ tích mới xuất hiện trong tương lai không xa.
Đó không chỉ là kỳ vọng, mà là niềm tin!