Đây là hoàn cảnh của một quốc gia sản xuất dầu mỏ. Trong khi đó, các nước tiêu thụ lớn như Mỹ lại đang tận dụng những lợi ích từ việc giảm giá này. Những loại xe đốt cháy nhiều nhiên liệu, như xe tải được bán mạnh nhất kể từ năm 2005, theo số liệu của Automotive Group Ward.
Trong khi đó, theo báo cáo của Berenberg Bank AG, sự sụt giảm mạnh nhất của giá năng lượng kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã chuyển sự giàu có và quyền lực từ người sản xuất dầu tới người tiêu dùng công nghiệp, điều này khiến cho thế giới có vẻ ít an toàn hơn. Việc Mỹ tăng sản lượng dầu từ đá phiến đã làm giảm nhu cầu dầu tư châu Á, châu Âu, trong khi đồng USD tăng mạnh như giáng thêm 1 đòn đau vào giá dầu, kéo giá năng lượng này xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi.
“Giá dầu là câu chuyện lớn trong năm 2015. Đây là một cú sốc chỉ xảy ra một lần trong một thế hệ và sẽ có những ảnh hưởng không hề nhỏ”, Giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff, thuộc Đại học Harvard cho biết.
Giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng trong ngày 7/1/2015, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Giá dầu thô đã giảm 48% trong năm 2014 sau 3 năm ở mức trung bình cao nhất trong lịch sử. Dầu thô Mỹ cũng đã giảm xuống dưới 47 USD/thùng, giảm 56% tính từ mức cao nhất từ tháng 6/2014.
Gareth Lewis- Davies, nhà phân tích tại BNP Paribas ở London cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy giá dầu vẫn yếu trong nửa đầu năm 2015”. Trong khi đó, Giám đốc chiến lược kỹ thuật của United- ICAP tại Jersey City, New Jersey nhận định, nếu dự kiến giá dầu giảm xuống tới mức 39 USD/thùng, thì những tác động và ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu là có thể dự đoán được.
Theo một phân tích của Economics Ltd - Oxford dựa trên nền kinh tế của 45 quốc gia. Nếu giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng, người chiến thắng lớn nhất sẽ thuộc về Philippines, với mức tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc lên 7,6%/năm trung bình trong 2 năm tới. Trong khi đó Nga sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ.
Trong số các nền kinh tế phát triển, Hồng Kông sẽ được hưởng lợi nhất, trong khi Ả rập Saudi, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả rập sẽ chịu tổn thất nhất.
Theo các nhà kinh tế của JP Morgan Securities LLC do Bruce Kasman ở New York đứng đầu, mối quan tâm của các ngân hàng trung ương là hiệu quả của việc giảm giá dầu lên lạm phát. Nếu dầu thô vẫn ở dưới mức 60 USD/thùng trong quý này, lạm phát toàn cầu sẽ đạt mức độ chưa từng thấy kể từ khi suy thoái kinh tế toàn cầu kết thúc vào năm 2009.
Kasman và nhóm của ông đã dự đoán, lạm phát toàn cầu đạt 1,5% trong nửa đầu năm nay, trong khi điểm yếu duy tri từ dầu làm giảm 1%.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ chứng kiến giảm phát, trong khi mức lạm phát tại Anh, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ thấp hơn khoảng 0,5%.
Mặc dù nhiên liệu rẻ hơn có thể kích thích nền kinh tế toàn cầu, nhưng theo các nhà phân tích của Citigroup Inc cho biết trong một báo cáo ngày 5/1, nó cũng có thể làm trầm trọng và căng thẳng tình hình chính trị ở một số quốc gia bằng cách siết chặt ngân sách chính phủ và phúc lợi xã hội.
Nền kinh tế Nga đã thu hẹp lại 4,7% trong năm nay nếu tính giá dầu trung bình 60 USD/thùng. Đây quả là một “kịch bản căng thẳng” cho kinh tế nước này. Sự giảm giá dầu thô đã thúc đẩy một đợt bán tháo trong đồng Rúp và đồng tiền Nga đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong tháng 12/2014, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1998 khi Nga lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Venezuela, quốc gia dựa vào dầu tới 95% trong doanh thu xuất khẩu của mình cũng đang lâm vào nguy cơ phá sản, theo một báo cáo của Jefferies LLC ngày 6/1 cho biết. Chi phí bảo hiểm nợ 5 năm của cả nước đã tăng lên gấp 3 lần kể từ hồi tháng 7. Tổng thống Nicolas Maduro đang thăm Trung Quốc để thảo luận về tài chính và dự kiến sẽ “du lịch” đến các quốc gia OPEC khác nhằm tìm kiếm một chiến lược về giá dầu.
Trong khi đó, Mỹ - “nhà đầu tư gây nhiễu” vẫn là nước nhập khẩu ròng dầu, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 3,8% trong 2 năm tiếp theo nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng, so với mức 3% khi dầu ở mức 84 USD/thùng, theo các nghiên cứu của Oxpord Economics.
Theo chuyên gia kinh tế Schmieding của Berenberg Bank: “Bất kỳ sự tái phân phối lớn nào cũng có thể dẫn tới căng thẳng chính trị. Những quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ được lợi và tăng trưởng tốt từ giá dầu giảm, thì ngược lại sẽ làm suy yếu Nga, Iran, Ả Rập Saudi và Venezuela… Điều này có khả năng làm thế giới trở nên thiếu an toàn hơn”.