Trên quan điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn, đặc biệt là tại các thị trường đang nổi, giới phân tích nhận định giá dầu có thể không trải qua giai đoạn suy giảm kéo dài.
Lý do chính của nhận định này là nhu cầu nguyên liệu thô nói chung, không chỉ dầu mỏ mà còn quặng sắt, đồng, niken và nông sản, vẫn có thể tăng trong dài hạn cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới. Và dầu mỏ là một loại nguyên liệu đầu vào quan trọng.
Dự báo, giá dầu có thể phục hồi trong năm 2015 hoặc 2016, bởi lẽ sự biến động giá hiện nay cũng có liên quan nhiều tới hoạt động đầu cơ và những giao dịch ngắn hạn. Trong vòng hai tháng qua, giá dầu thô đã trải qua giai đoạn sụt giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn năm 2007-2009.
Rõ ràng, nguồn cung tăng mạnh hơn nhu cầu tiêu thụ, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ tác động tới giá dầu. Tuy nhiên, khi nhìn vào mô hình nhu cầu trong dài hạn, chúng ta vẫn nhận thấy xu hướng tăng giá nói chung, chứ không phải giảm giá.
Theo giới phân tích, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển (bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ) lại cao hơn chính nhu cầu tương ứng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD – quy tụ 34 nền kinh tế chủ chốt trên thế giới nhưng lại không có Trung Quốc và Ấn Độ) trong giai đoạn 2015 - 2025.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến nhu cầu dầu mỏ giảm cũng là một nguyên nhân khách quan kéo giá “vàng đen” tụt dốc, song tình hình có thể rất khác trong thời gian tới. Tốc độ tăng GDP của kinh tế Trung Quốc dù không đạt 2 con số như trong quá khứ nhưng cấu trúc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này lại đang được cải thiện theo xu hướng bền vững hơn.
Năm 2010, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%, tương đương 844 tỷ USD được bổ sung vào nền kinh tế. Năm 2013, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ dưới 8% nhưng có hơn 900 tỷ USD được tạo ra cho nền kinh tế. Vì vậy, dù con số tăng trưởng nhỏ lại nhưng nhìn vào quy mô và ảnh hưởng nói chung thì kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển đáng kể.
Hầu hết người tiêu dùng cảm thấy vui khi giá dầu hạ, song nhìn vào tác động chung đối với nền kinh tế, giá dầu thấp là con dao hai lưỡi. Tại những quốc gia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ Nigeria là một ví dụ, khi ngân sách từ dầu mỏ chiếm khoảng 35% GDP quốc gia và xuất khẩu xăng dầu chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, khi ngân sách quốc gia sụt giảm mạnh do giá dầu tụt dốc, các nhà lãnh đạo Nigeria sẽ phải chấp nhận đưa ra những cải tổ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ.
Kinh tế Nga cũng trong tình cảnh tương tự. GDP của Nga từng giảm 8% năm 2009 khi giá dầu lúc đó tụt xuống 40 USD/thùng do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay, ngân sách Nga vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng. Cùng với những tác động liên quan tới lệnh trừng phạt của phương Tây quanh vấn đề Ukraine, kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015.
Một số nền kinh tế khác và là thành viên của OPEC như Venezuela đang trong tình thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, ngoại trừ Arập Xêút nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ và đầu tư khổng lồ.
Ở một số nền kinh tế đang phát triển phải thực hiện các chính sách trợ giá năng lượng, thì giá dầu thấp sẽ có nhiều lợi ích, chẳng hạn Indonesia đã dỡ bỏ một phần trợ giá năng lượng. Giá dầu thấp thực sự đã giúp các nền kinh tế này trải qua công cuộc cải cách kinh tế ít tổn thương hơn.