Ngân hàng ANZ trong một báo cáo mới đây lưu ý: “Fed có thể nâng lãi suất vào năm tới, trong khi một số ngân hàng trung ương châu Á sẽ hành động theo chiều ngược lại. Động lực tăng trưởng chủ yếu là tại Mỹ, trong khi sự suy giảm cấu trúc và có tính chu kỳ tại một số khu vực ở châu Á sẽ khiến khác biệt về tăng trưởng được thu hẹp lại”.
Cùng chung quan điểm, hãng tin CNBC dẫn khảo sát đối với các nhà kinh tế, chiến lược và quản lý quỹ tuần qua cũng dự báo Fed có thể nâng lãi suất vào tháng 7/2015 sau khi chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng trong năm nay. Ngược lại, hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á đang tiến hành các chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành cắt giảm lãi suất trong tháng 10 năm nay, lần cắt giảm đầu tiên trong 2 năm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục hồi tháng 10. Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì cam kết kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất, trong khi những lời kêu gọi giảm lãi suất tương tự cũng được đưa ra tại Thái Lan và Australia.
Ngân hàng ANZ cũng dự báo, đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế châu Á sẽ mất giá khoảng 3% trong năm 2015, tương đương với năm 2014. Rủi ro đồng nội tệ mất giá mạnh hơn có thể càng khiến Chính phủ Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhân tố dẫn đến dòng vốn đầu tư lớn hơn chảy ra khỏi khu vực. Đồng won của Hàn Quốc có khả năng trở thành đồng tiền châu Á tồi tệ nhất trong năm 2015. Sức cạnh tranh xuất khẩu của Hàn Quốc đang bị xói mòn nghiêm trọng do đồng yên yếu và cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.
Người đứng đầu Trung tâm Chiến lược trao đổi ngoại tệ Saxo, John Hardy nhận định: “Các nền kinh tế và ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đang vận hành thiếu đồng bộ, trong khi sự tụt dốc không phanh của giá dầu đã bổ sung thêm các khó khăn kinh tế và địa chính trị mới vào thị trường toàn cầu”.
Theo ông Hardy, có 4 chất xúc tác tiềm ẩn có thể châm ngòi cho bất ổn tiền tệ năm 2015. Đó là sự dịch chuyển của dòng trái phiếu có tính đầu cơ cao ra khỏi thị trường Mỹ; sự từ chức của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi; sự mất giá của đồng NDT và sự yếu đi đáng kể của đồng yên Nhật.
“Từ cuối năm 2014, đã xuất hiện những dấu hiệu trái phiếu có tính đầu cơ cao tại Mỹ đang trải qua giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng. Khả năng thanh khoản của loại trái phiếu này rất thấp, đặc biệt, trái phiếu đầu cơ cao có liên quan tới ngành dầu mỏ Mỹ rõ ràng đang ở trong vùng nguy hiểm nhất”, ông Hardy cho biết.
Theo Reuters, trái phiếu có tính đầu cơ cao của các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong vòng 6 năm qua, khi chỉ số trái phiếu đầu cơ cao của Merill Lynch giảm 1,6% trong giai đoạn từ tháng 6-11/2014.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng ECB Draghi không có đủ sự hỗ trợ cần thiết cho các chính sách nới lỏng mà ông đang theo đuổi, nhằm giữ cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi vùng lạm phát nguy hiểm. Nếu ông Draghi không đạt được mục tiêu đề ra, ông có thể từ chức vào năm 2015, tác nhân có thể khiến đồng euro tăng giá.
Tại Trung Quốc, trong bối cảnh nguy cơ giảm phát và đổ vỡ bong bóng tín dụng gia tăng, có khả năng Chính phủ nước này sẽ tìm cách giảm giá đồng NDT. Điều này có thể tạo ra làn sóng giảm phát đối với phần còn lại của thế giới, đẩy thế giới đứng trước rủi ro mới của cuộc chiến tiền tệ nguy hiểm.