Hãng tin Bloomberg cho biết, chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index- thước đo sức mạnh của 10 đồng tiền châu Á được giao dịch nhiều nhất, không bao gồm đồng yên Nhật, đã giảm 0,5% vào tuần này, dẫn đầu là đồng rupee của Ấn Độ với mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12, khi mà các số liệu cũng cho thấy sự giảm xuống trong xuất khẩu của Trung Quốc và Philippine, trong khi hàng xuất khẩu của Malaysia cũng chỉ tăng với tốc độ chậm nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Thủ tướng Luxembourg Jean Claude Juncker cho biết, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thông qua gói thắt chặt ngân sách trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu phê duyệt khoản viện trợ trị giá 130 tỷ euro.
"Mối lo ngại rằng vấn đề của Hy Lạp sẽ khó có thể giải quyết một cách dễ dàng đang tăng lên, bao gồm cả lo ngại về việc, liệu các nhà chính trị nước này có đồng ý những biện pháp thắt lưng buộc bụng hay không", ông Hideki Hayashi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Tokyo cho biết.
"Việc này một lần nữa đang tạo ra một làn sóng phản đối của những người chống lại rủi ro", ông này nói thêm.
Cụ thể, trong tuần này, đồng rupee đã giảm 1,5% xuống còn 49,41 INR/USD ở Mumbai, theo số liệu của Bloomberg. Đồng ringgit đã mất 0,9% còn 3,0363 MYR/USD, đồng rupiah của Indonesia giảm 0,6% xuống 9.031 IDR/USD và đồng won Hàn Quốc cũng không ngoại lệ khi giao dịch thấp hơn 0,5% với 1.123,73 KRW/USD.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cũng đã nhấn mạnh với các nhà chính trị trong nước về giá trị và những điều kiện của gói cứu trợ, và rằng, nếu vấn đề đàm phán cứu trợ thất bại, thì rất có thể, Hy Lạp sẽ phải rời bỏ Khu vực đồng euro.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro đã từ chối chấp thuận gói cứu trợ thứ 2 vào 9/2 bởi Chính phủ Hy Lạp không đạt được sự đồng thuận về chính sách thắt lưng buộc bụng.
Đồng ringgit của Malaysia đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp, sau khi báo cáo của chính phủ nước này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12 chỉ tăng 6,1%, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 5/2011. Các nhà phân tích của Bloomberg cũng nhận định không mấy khả quan về tình hình kinh tế của quốc gia này khi cho rằng, báo cáo của ngân hàng trung ương nước này vào ngày 15/2 tới có khả năng sẽ công bố GDP quý cuối năm 2011 tăng chậm lại, xuống 4,8% từ mức tăng 5,2% của quý trước đó.
Đồng won đã giảm mạnh nhất trong một tháng qua sau khi ngân hàng trung ương nước này giữ lãi suất tái chiết khấu kỳ hạn 7 ngày ở mức 3,25%/năm, không đổi trong suốt 8 tháng qua. Điều này cho thấy, nền kinh tế này vẫn đang trong "tình trạng khó khăn".
"Các nhà đầu tư đang dừng lại việc bán đô la đi bởi không có nhiều khả năng cho đồng won tăng giá hơn nữa", ông Cho Young Bok, nhà giao dịch tiền tệ tại Ngân hàng Daegu, trụ sở tại Seoul cho biết.
Đồng rupiah đã giảm liên tiếp trong 2 phiên cuối tuần khi Ngân hàng Indonesia bất ngờ hạ lãi suất chuẩn xuống 5,75%/năm từ mức 6%/năm trước đó nhằm tăng cường các hỗ trợ để kích thích nền kinh tế.
Peso của Philippine giảm 0,7% trong phiên cuối tuần trước, xuống 42,49 PHP/USD, sau khi số liệu của chính phủ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giảm 20,7% trong tháng 12/2011. Tuy nhiên, đồng tiền Philippine này vẫn tăng 0,3% so với USD kể từ đầu tuần.
Cùng với Philippine, tại châu Á, chỉ có số ít đồng tiền tăng giá so với USD. Trong đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng nhẹ 0,07%, lên mức 6,2986 RMB/USD từ mức 6,3040 RMB/USD và tiếp tục tăng giá nhẹ cuối tuần qua, cố định ở mức kỷ lục 6,2937 RMB/USD trước khi Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tới thăm Washington vào tuần này.
"Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu sự chỉ trích về việc kìm giá đồng nhân dân tệ trước chuyến thăm Washington của ông Bình", ông Brian Jackson, một chiến lược gia về thị trường mới nổi của Ngân hàng Royal của Canada tại Hồng Kông cho biết. Trong khi đồng nhân dân tệ sẽ lên giá vào năm nay, tốc độ có thể sẽ bị kìm lại bởi triển vọng yếu hơn từ bên ngoài nước này.
Trong tuần trước, dollar Đài Loan giảm 0,1% xuống 29,56 TWD/USD, baht Thái ít thay đổi ở 30,85 THB/USD còn đồng Việt Nam tăng 0,5%, lên 20.868 VND/USD.