“Thay máu”, đổi tên, công ty chứng khoán mơ... đổi vận (Kỳ I): Hàng loạt công ty chứng khoán mang tên mới

(ĐTCK) Nhiều công ty chứng khoán tìm cách đổi tên được nhìn nhận là một cách xóa đi những điều tiếng không hay hoặc hình ảnh hoạt động yếu kém trong quá khứ. Tuy nhiên, đổi tên nhưng có đổi vận hay không hiện vẫn là ẩn số, trong bối cảnh cuộc chiến sinh tồn và phát triển trong khối này ngày một khốc liệt.
Từ ngày 17/1/2018, Chứng khoán Maritime đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc Từ ngày 17/1/2018, Chứng khoán Maritime đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc

Cổ đông nội “thay máu”

Everest, HFT, Kiến thiết Việt Nam, Yuanta Việt Nam, Smart Invest…, đó là những cái tên công ty chứng khoán xuất hiện gần đây sau nỗ lực đổi tên. Động thái đổi tên công ty tiếp tục xuất hiện tại nhiều công ty chứng khoán trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty Chứng khoán Đại Dương (OCS) mới đây đã thông qua việc đổi tên Công ty thành Công ty Chứng khoán Everest, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Tuy không công khai lý do đổi tên, nhưng nhìn lại những điều… không đáng nhớ trong lịch sử phát triển của OCS, không khó để lý giải vì sao Công ty đổi tên.

OCS được thành lập tháng 12/2006, vươn lên trở thành công ty có thị phần môi giới cổ phiếu, trái phiếu đứng thứ 4 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong quý II/2014. Những tưởng con đường đi lên của OCS rộng mở, nhưng kể từ khi các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) - cổ đông lớn của OCS bị phanh phui, đồng thời nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, ông Hà Văn Thắm bị vướng vào vòng lao lý cùng với một số cán bộ ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thời kỳ hưng thịnh của Công ty chấm dứt.

Đối mặt với cú sốc này, OCS nỗ lực tìm giải pháp tái cơ cấu. Tuy nhiên, cho đến năm nay, giải pháp hồi sinh OCS mới xuất hiện rõ nét, khi nhóm cổ đông mới đã thành công trong nỗ lực đổi tên Công ty thành Công ty Chứng khoán Everest.

Khi còn hoạt động với tên cũ là OCS, tình cảnh hoạt động khó khăn khiến năm 2016, Công ty phải giảm trên 10% vốn chủ sở hữu. Từng có những điều tiếng liên quan đến các vụ kiện tụng với khách hàng đến mức phải đưa nhau ra tòa án, đổi tên thành Everest được coi là một cách giúp OCS “xóa” đi những điều không muốn nhớ.

Với Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng, tuy không chịu nhiều tiếng xấu như OCS cho đến trước khi đổi tên, nhưng có lẽ không muốn nối tiếp một hình ảnh kinh doanh èo uột trong thời gian dài, sức ảnh hưởng trên thị trường mờ nhạt…, nên nhóm cổ đông mới đã đổi tên Công ty thành Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS).

Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng thành lập tháng 8/2008 với vốn điều lệ ban đầu 35 tỷ đồng, 8 năm hoạt động sau đó không để lại dấu ấn gì trên thị trường, mặc dù trong đội ngũ lãnh đạo của Công ty không thiếu người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán. Giữa năm 2016, thị trường chứng khoán chứng kiến sự đổi chủ ở công ty này khi 15 cổ đông cũ chuyển nhượng 100% vốn cổ phần và nhóm cổ đông mới đã đổi tên Công ty, với kỳ vọng đoạn tuyệt “dớp” kinh doanh yếu kém.

Theo báo cáo thường niên năm 2017 của VNCS, cổ đông của Công ty rất cô đặc. Theo đó, ông Hoàng Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCS sở hữu 76,71% vốn điều lệ, hai cổ đông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Minh Trang mỗi người sở hữu hơn 11,6% vốn điều lệ. Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCS, ông Hùng từng được biết đến là Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xúc tiến đầu tư Goldally, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại Chi Ân.

Cũng với hình ảnh thương hiệu và bảng thành tích kinh doanh không… muốn nhớ, Công ty Chứng khoán Mê Kông đã được đổi tên thành Công ty Chứng khoán HFT. Hiệu quả kinh doanh yếu kém khiến “sức khỏe” tài chính của Chứng khoán Mê Kông liên tục đi xuống. Hệ quả, Công ty từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đối mặt với nguy cơ bị “xóa tên”.

Khi còn hoạt động dưới tên cũ, Chứng khoán Mê Kông từng bị UBCK xử phạt nhiều lần vì các lỗi: cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định; nộp báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng hàng ngày, nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và báo cáo tài chính quý I/2012 không đúng thời hạn quy định…

“Ngoại binh” xuất hiện

Ngoài sự xuất hiện của nhóm cổ đông nội tại các công ty chứng khoán có tên mới, một điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của khá nhiều nhóm cổ đông ngoại.

Có những nhóm cổ đông ngoại bạo chi mua toàn bộ lượng cổ phần của các cổ đông nội tại công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh yếu kém để chuyển đổi thành công ty 100% vốn ngoại, mà trường hợp của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam là một ví dụ.

Năm 2010, Công ty Đầu tư Shinhan thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan (Hàn Quốc) thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM, với mục tiêu tìm hiểu về thị trường tài chính và ngành chứng khoán Việt Nam.

5 năm sau, Công ty Đầu tư Shinhan hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần Công ty Chứng khoán Nam An và đổi tên công ty này thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam. Quá trình mua lại cổ phần được nhìn nhận là thuận lợi cho đối tác Hàn Quốc, vì khi đó Chứng khoán Nam An đang ở tình trạng làm ăn yếu kém kéo dài, đường hướng phát triển mịt mờ…

Cũng trong tình cảnh hoạt động không mấy khởi sắc, sức ảnh hưởng trên thị trường mờ nhạt, sự rút lui của các cổ đông trong nước tại Công ty Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) đã mở đường cho cổ đông ngoại là Công ty Chứng khoán Yuanta đến từ Đài Loan vào thế chân. Đây là bước ngoặt để FSC được đổi tên thành Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) kể từ đầu năm nay.

Chứng khoán Yuanta được thành lập năm 1961 tại Đài Loan. Theo thông tin vừa được YSVN công bố, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và chuyển đổi nhận diện thương hiệu, kể từ ngày 23/4/2018, YSVN ngừng đăng tải thông tin tại website www.fsc.com.vn, thay vào đó, các thông tin được cập nhật tại địa chỉ mới là www.yuanta.com.vn.

Khác với một số công ty chứng khoán khác sau khi nắm cổ phần chi phối, cổ đông ngoại tìm cách gom mua để sở hữu 100% cổ phần, trên cơ sở đó thay đổi mô hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần thành công ty TNHH, YSVN hiện vẫn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Ngoài ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị YSVN là người Việt duy nhất có chân trong Hội đồng quản trị Công ty, 4 thành viên khác đều là người nước ngoài.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của YSVN đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành 70 triệu cổ phần theo tỷ lệ 3:7 cho cổ đông hiện hữu và cổ đông nước ngoài có thể sở hữu đến 100% vốn điều lệ.    

Kỳ II: Kẻ cười, người mếu

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ