Vốn rẻ: Lợi thế tại nhiều công ty chứng khoán gốc Hàn

(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng vốn cho margin của các công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu trở nên khan hiếm, các doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc đang dần thể hiện lợi thế nhờ chi phí vốn thấp và độ hào phóng của cổ đông mẹ.
Vốn rẻ: Lợi thế tại nhiều công ty chứng khoán gốc Hàn

Quy mô vốn chủ các CTCK gốc Hàn tăng mạnh

Ngày 27/12/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (Shinhan Securities Việt Nam – SSV). Theo đó, vốn điều lệ mới của SSV là 812,6 tỷ đồng, thay thế cho mức vốn điều lệ cũ là 146 tỷ đồng.

Trước Shinhan, ngày 15/6/2017, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và tăng vốn thành công từ mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, MASVN trở thành một trong những CTCK có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt qua CTCK gốc Hàn có vốn lớn nhất trước đó là CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (gần 1.113 tỷ đồng).

Với các diễn biến này, quy mô vốn chủ sở hữu các CTCK gốc Hàn đã ngay lập tức cải thiện khá mạnh. Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Việc đẩy mạnh hoạt động M&A cũng giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc nâng vị thế của mình trên bản đồ các CTCK Việt Nam. Tháng 10/2017, KB Securities của Hàn Quốc đã hoàn tất việc sở hữu 99,4% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI). Nhờ vậy, quy mô vốn chủ của các CTCK gốc Hàn đến cuối năm 2017 đã vượt lên trên mức 4.600 tỷ đồng, thay vì 2.059 tỷ đồng vào đầu năm. 

Lợi thế vốn rẻ và tham vọng của nhà đầu tư Hàn Quốc

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Moon Kyung Kang, Tổng giám đốc MASVN cho biết: “Chúng tôi có lợi thế về nguồn vốn mạnh và mạng lưới trên toàn cầu. MASVN luôn đồng hành lâu dài với những doanh nghiệp tốt và hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư với chi phí vốn hợp lý. Công ty phấn đấu lọt vào Top 10 những nhà môi giới hàng đầu tại Việt Nam năm 2019 và sau đó là Top 5”.

Trong bối cảnh sự phân hóa vị thế các CTCK ngày một lớn, mục tiêu vào Top 10 thị phần của MASVN có vẻ khá thách thức. Tuy nhiên, với thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, bức tranh thị phần vẫn có thể đảo ngược!

Với quy mô vốn hóa thị trường đang tăng rất nhanh, nhu cầu vốn cho vay giao dịch ký quỹ (margin) cũng gia tăng chóng mặt, thế nhưng, nguồn lực các CTCK có giới hạn. Hiện tại, nhà đầu tư tại một số CTCK Top 10 đang tỏ ra bức xúc vì bị doanh nghiệp “ép” thu hồi vốn vay margin trước hạn để phân bổ cho các mã chứng khoán có thanh khoản cao hơn. Trong khi đó, vốn cho vay margin tại các CTCK gốc Hàn vẫn còn rất lớn và đây là cơ hội để họ mở rộng thị phần môi giới, hút khách từ chính các ông lớn.

Nếu cuối quý III/2017, MASVN mới cho vay margin khoảng 788 tỷ đồng và có tới gần 1.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, thì đến cuối năm 2017, Công ty cho biết đã tăng số dư cho vay margin lên mức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dư địa cho vay vẫn còn rất lớn.

Dù xác định không quá chạy theo cho vay margin mà hướng đến đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng theo ông Kang, Mirae Asset Hàn Quốc đã xác định rõ Việt Nam là thị trường trọng yếu và sẽ tập trung phát triển mạnh tại đây.

“2.000 tỷ đồng chỉ là mức vốn khởi đầu để bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam trên tất cả các mảng đầu tư, cho vay margin và tự doanh. Nếu thị trường duy trì phát triển mạnh như đã thể hiện trong năm 2017, Mirae Asset Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Hội sở ở Hàn Quốc nâng vốn, thậm chí lên gấp đôi mức hiện tại. Lãi suất sẽ theo chi phí vốn của Hội Sở ở mức hợp lý để có thể dễ dàng đưa nguồn vốn tiếp cận vào thị trường Việt Nam”, ông Kang cho biết.

Và ở điểm này, các nhà đầu tư Hàn Quốc có cái nhìn khá giống nhau.

Tại MSI, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cho biết, trong thời gian tới, MSI dự kiến sẽ tăng vốn lên mức khoảng 1.000 tỷ đồng để đáp ứng các yêu triển khai nghiệp vụ mới, trong đó có sản phẩm chứng khoán phái sinh.

Bên cạnh đó, không chỉ hỗ trợ công ty con tại Việt Nam các yếu tố liên quan đến quản trị, công nghệ, sản phẩm… mà phía cổ đông mẹ là KB Securities cũng cam kết hỗ trợ cung cấp bảo lãnh để MSI có thể đi vay từ các công ty con khác trong Tập đoàn KBFG, cũng như các định chế tài chính cả trong và ngoài Việt Nam, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn với chi phí hợp lý để phục vụ cho mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng thị phần và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.

Mức lãi suất huy động từ các nguồn này (nếu vay) hiện ở mức khá thấp, khoảng 6%/năm nếu tính cả chi phí bảo hiểm rủi ro, nên sẽ rất cạnh tranh so với huy động vốn trong nước.

Với CTCK Woori CBV, sau một thời gian hoạt động cầm chừng, cuối tháng 11/2017, Woori CBV đã bắt đầu "động cựa" với việc thay đổi cổ đông.

Theo đó, NH Invetment & Securities, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 96,15% vốn điều lệ Công ty. Sự thay đổi này được kỳ vọng có thể sẽ dẫn tới những thay đổi mới liên quan đến quy mô vốn và sức sống cho Công ty trong năm 2018 này.       

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục