CTCK vốn Hàn Quốc chật vật trên thị trường Việt Nam

(ĐTCK) Sau những kỳ vọng và hào hứng ban đầu, các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc dù có được hậu thuẫn từ các tập đoàn tài chính, chứng khoán uy tín, vẫn rất chật vật trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
KIS Việt Nam có lẽ là CTCK sáng nhất trong khối có vốn Hàn Quốc với kế hoạch doanh thu 328 tỷ đồng và lãi trước thuế 154,2 tỷ đồng năm 2016 KIS Việt Nam có lẽ là CTCK sáng nhất trong khối có vốn Hàn Quốc với kế hoạch doanh thu 328 tỷ đồng và lãi trước thuế 154,2 tỷ đồng năm 2016

Theo số liệu của Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc, các quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đã liên tục mua ròng trên TTCK Việt Nam trong 6 tháng trở lại đây và tăng đột biến trong tháng 7/2016. Một số quỹ đầu tư lớn như Công ty Tín thác đầu tư KITMC, Quỹ đầu tư Mirae Asset, Quỹ đầu tư của CTCK Samsung… gia tăng đầu tư từ dự báo lạc quan vào triển vọng kiếm lời trên TTCK Việt.

Nếu như các quỹ đầu tư Hàn Quốc đang hào hứng thì trong một góc khác của bức tranh dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, hiệu quả của dòng vốn đầu tư vào CTCK tại thị trường Việt Nam không như kỳ vọng ban đầu của các nhà đầu tư. Các CTCK có vốn Hàn Quốc hầu như vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường và vẫn ngập trong khó khăn trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ “nội”.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động vào tháng 2/2016 với vốn điều lệ 146 tỷ đồng. Tiền thân của SSV là CTCK Nam An (NASC). Năm 2015, Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) - chủ sở hữu của SSV đã thâu tóm NASC sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần từ các cổ đông của NASC.

Sau khi thâu tóm và chuyển đổi mô hình từ công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên, 6 tháng đầu năm nay, SSV cho biết, Công ty vẫn trong quá trình cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh nên có rất ít khách hàng giao dịch, trong khi đó chi phí hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp tiếp tục tăng cao khi Công ty đang tuyển thêm nhân sự (SSV hiện có khoảng 20 nhân viên).

Với những khó khăn trên, 6 tháng đầu năm, SSV chỉ đạt doanh thu hơn 2,2 tỷ đồng; trong đó hoạt động môi giới chứng khoán đóng góp vỏn vẹn 31 triệu đồng, doanh thu chủ yếu đến từ cổ tức và tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính. Kết quả 6 tháng, SSV lỗ sau thuế 8,12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng lỗ ròng 1,5 tỷ đồng.

Một đại diện khác của nhóm công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc là CTCK Woori CBV. Hiện tại, Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Woori  là đơn vị sở hữu 49% cổ phần Woori CBV (có vốn điều lệ 135 tỷ đồng).

Xét về hoạt động kinh doanh, Woori CBV không có lỗ lũy kế như SSV, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận rất khiêm tốn. Nửa đầu năm nay, Woori CBV lãi sau thuế 871 triệu đồng, nhưng chủ yếu nhờ chênh lệnh tăng giá các tài sản tài chính, trong khi chỉ có duy nhất 157 triệu đồng doanh thu từ hoạt động chính là nghiệp vụ môi giới. Năm 2015, Woori CBV lỗ ròng gần 1 tỷ đồng và năm 2014 lãi vỏn vẹn 97 triệu đồng.

Khi mới vào thị trường Việt Nam, các CTCK có vốn Hàn Quốc đều tự tin vì có sự hậu thuẫn lớn của các tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và lượng khách hàng tiềm năng là các nhà đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hậu thâu tóm các CTCK Việt quy mô nhỏ và yếu kém, bộ máy mới của các ông chủ Hàn Quốc chưa thể hiện được khả năng tạo ra hiệu quả, thậm chí có công ty phải chào thua thị trường.

CTCP Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam, công ty có vốn Hàn Quốc, đã chính thức bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động do quá thời hạn đình chỉ hoạt động mà Công ty không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ và có lỗ gộp đạt mức trên 50% vốn điều lệ.

Điểm sáng nhất trong số các CTCK có vốn Hàn Quốc là CTCK KIS Việt Nam. Công ty này có vốn điều lệ 1.112,7 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc (KIS) sở hữu hơn 98% cổ phần. KIS Việt Nam cũng được thành lập sau khi thâu tóm một CTCK Việt Nam (Chứng khoán Gia Quyền).

Năm 2015, KIS Việt Nam đạt doanh thu 172,07 tỷ đồng và lãi trước thuế 71,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu của KIS có đến 106 tỷ đồng doanh thu đến từ doanh thu khác. Quý I năm nay, Công ty đạt 58,3 tỷ đồng doanh thu, nhưng chỉ có hơn 23 tỷ đồng thu về từ các nghiệp vụ chính (riêng môi giới đóng góp 23 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 20,1 tỷ đồng.

Kết quả này cũng giúp Công ty giảm lỗ lũy kế xuống còn gần 14 tỷ đồng. Năm 2016, KIS Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu 328 tỷ đồng và lãi trước thuế 154,2 tỷ đồng.                                           

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục