Ông đánh giá như thế nào về mức độ chạy đua đầu tư cho hệ thống công nghệ trong khối CTCK?
Do hệ thống công nghệ thông tin luôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nên nhiều CTCK liên tục đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ.
Nỗ lực này vừa để nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như: chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo, vừa tạo ra ưu thế cạnh tranh so với đối thủ… Dễ nhận thấy, công nghệ đang ngày càng thể hiện rõ là một “vũ khí” cạnh tranh hiệu quả của CTCK.
Để việc đầu tư công nghệ hiệu quả, phù hợp với năng lực và phát huy được thế mạnh của mình, các CTCK luôn dựa trên bài toán kinh doanh tổng thể của họ từ chiến lược, đến kế hoạch phát triển thị trường, việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng…
Điều đó có nghĩa, cùng với việc nâng cao năng lực quản trị, phát triển mở rộng kinh doanh, thì đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đòi hỏi các CTCK phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức cũng như tài chính.
Ông Ngô Quang Huy
Hiện nay, việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ của các CTCK theo hướng hiện đại hóa, với nhiều tiện ích nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khắt khe của khách hàng, nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, với những bước tiến vượt bậc nhờ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, cuộc đua về đầu tư cho hệ thống công nghệ sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn không chỉ giữa các CTCK trong nước, mà cả với các CTCK nước ngoài
Các CTCK đang quan ngại phải đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng công nghệ trong bối cảnh gói thầu 04 - hệ thống hạ tầng công nghệ cho toàn thị trường chưa đưa vào vận hành chính thức, dễ dẫn đến rủi ro không tương thích và phải thay đổi. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Gói thầu 04 đang trong quá trình triển khai, nên các CTCK sẽ phải có kế hoạch phù hợp để điều chỉnh, nâng cấp hệ thống công nghệ của mình cho phù hợp với yêu cầu của gói thầu này khi đưa vào vận hành. Các yêu cầu đó đến từ tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối như: yêu cầu về băng thông đường truyền, giao thức tích hợp trực tuyến cũng như đòi hỏi về nghiệp vụ mới như: giao dịch trong ngày, vay chứng khoán…
Để đáp ứng sự vận động của thị trường, các CTCK cần đầu tư phù hợp cho hệ thống công nghệ của mình. Việc thực hiện dự án này phải làm song song với cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cũng như đáp ứng các yêu cầu quản lý.
Từ góc nhìn chủ quan, đây là áp lực với các CTCK, vì vừa phải đảm bảo bài toán kinh doanh, cung cấp dịch vụ thông suốt hàng ngày, vừa phải đảm bảo triển khai dự án theo kịp tiến độ chung của gói thầu 04.
Cách nào giúp hóa giải áp lực trên cho CTCK, theo ông?
Với việc quyết tâm triển khai gói thầu 04 từ các cơ quan quản lý, các CTCK chắc chắn sẽ phải tham gia sát sao ngay từ đầu nhằm nắm bắt các sản phẩm mới, các yêu cầu kỹ thuật thay đổi. Các vấn đề cơ bản cần quan tâm như: tổ chức hoạt động, quy trình nghiệp vụ có gì mới, khác với hiện tại?
Các sản phẩm, dịch vụ mới sẽ gồm những gì? Hạ tầng kỹ thuật sẽ tổ chức như thế nào, chẳng hạn cổng kết nối trực tuyến với sở giao dịch chứng khoán là chung cho cả thị trường cơ sở và phái sinh hay tách biệt như hiện tại?
Với yêu cầu băng thông kết nối sẽ nên duy trì trung tâm dữ liệu (Data Center) tại CTCK, hay đề xuất cho phép thuê chỗ đặt máy chủ ngay tại sở giao dịch chứng khoán?…
Một hệ thống câu hỏi bao quát kết hợp với chiến lược kinh doanh của từng CTCK sẽ giúp họ có kế hoạch triển khai đầu tư công nghệ sát với thực tế hơn.
Gói thầu 04 là một dự án công nghệ phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên, nên sự cam kết, phối hợp nhịp nhàng là yếu tố quan trọng giúp cho dự án sớm vận hành, mang lại hiệu quả chung cho toàn thị trường.
Từ kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp, chúng tôi nhận thấy các giai đoạn kiểm thử trước khi vận hành chính thức hệ thống thuộc gói thầu 04 sẽ đòi hỏi nguồn lực rất nhiều, cường độ làm việc cao, nên đây là vấn đề CTCK cần quan tâm thỏa đáng trong kế hoạch triển khai đầu tư hệ thống công nghệ.