“Thay máu”, đổi tên, công ty chứng khoán mơ… đổi vận (Kỳ 2): Kẻ cười, người mếu

(ĐTCK) Nhiều công ty chứng khoán tìm cách đổi tên được nhìn nhận là một cách xóa đi những điều tiếng không hay hoặc hình ảnh hoạt động yếu kém trong quá khứ. Tuy nhiên, đổi tên nhưng có đổi vận hay không hiện vẫn là ẩn số, trong bối cảnh cuộc chiến sinh tồn và phát triển trong khối công ty chứng khoán ngày một khốc liệt.
“Thay máu”, đổi tên, công ty chứng khoán mơ… đổi vận (Kỳ 2): Kẻ cười, người mếu

Sau đổi tên và nỗ lực tái cơ cấu, nhiều công ty chứng khoán bắt đầu kinh doanh có lãi, nhưng vẫn còn một số công ty ngập chìm trong thua lỗ, thậm chí có công ty đang bị “xóa tên”.

Kẻ cười…

Sau nỗ lực đổi tên và thực thi các bước cải cách về chiến lược hoạt động, trong số 10 công ty chứng khoán đổi tên mà Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận đến thời điểm này, ngoại trừ Công ty Chứng khoán Hà Thành đang chờ xóa sổ hoạt động, thì 7/9 công ty làm ăn có lãi trong quý I/2018.

Đáng nói là một số công ty chứng khoán đã tìm ra hướng đi riêng, thị trường ngách để không chỉ “sống” mà dần vươn lên. Điều này phần nào cho thấy họ bước đầu thành công trong việc xóa đi lịch sử hoạt động không… muốn nhớ khi còn hoạt động dưới tên cũ.

Nói về lý do đổi từ Công ty Chứng khoán Mê Kông thành cái tên HFT vắn tắt khá bí ẩn, ông Hoàng Như Hải, Tổng giám đốc Công ty cho biết, HFT có 2 ý nghĩa chính theo tiếng Anh: High Performance Trading và High Frequency Trading (giao dịch tần suất cao), với định hướng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa toàn thế giới bằng việc tăng cao hàm lượng công nghệ, tự động hóa và hướng tới giao dịch tần suất cao, giúp nhà đầu tư giao dịch hiệu quả hơn.

Đi kèm với việc đổi tên, Công ty đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng cao hàm lượng tự động và trực tuyến hóa trong các sản phẩm dịch vụ nhằm hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch nhanh chóng. Công ty đã trực tuyến hóa các quy trình từ mở tài khoản online trong 2 phút tới giao dịch, nộp rút tiền cũng thông qua Internet. HFT cũng là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình công ty chứng khoán online, giá rẻ tại Việt Nam.

Tháng 11/2017, HFT đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận cho phép cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến. Sau khi đổi tên, HFT đã cho ra mắt 3 gói chứng khoán giá rẻ WARREN, SOROS, FISHER hồi giữa năm 2017, với chi phí giao dịch thấp nhất thị trường. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa rồi, Công ty tiếp tục ra mắt gói sản phẩm miễn lãi suất margin hạn mức 100 triệu đồng trong 3 tháng – FM100.

“Với sự đổi mới trong các dịch vụ sản phẩm, HFT ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư và giúp họ giao dịch hiệu quả hơn với tốc độ giao dịch tăng cao, cùng chi phí giao dịch được giảm thiểu đáng kể. Sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình chứng khoán online và giá rẻ, hiệu quả kinh doanh của HFT được cải thiện rõ nét khi kết thúc quý I/2018, HFT đạt 3,1 tỷ đồng doanh thu và lãi 1,2 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái…”, ông Hải cho hay.

Tại một công ty chứng khoán khác là Công ty Chứng khoán Everest, sau thời gian dài hoạt động èo uột, kết quả bước đầu của nỗ lực đổi tên, tái cơ cấu là hiệu quả kinh doanh dần khả quan.

Quý I/2018, Công ty ghi nhận 57,6 tỷ đồng doanh thu, 34,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi lần lượt các chỉ tiêu này trong quý I/2017 là 12,5 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.

Chứng khoán Everest không giấu giếm tham vọng thoát khỏi vóc dáng công ty nhỏ khi dồn dập triển khai nhiều bước đi táo bạo. Đại hội cổ đông bất thường năm 2018 của Công ty đã thông qua phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu để tăng mạnh vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn này sẽ được thực hiện vào quý IV/2018. Nếu huy động vốn thành công, Everest sẽ bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động: Tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh…

Trước đó, Hội đồng quản trị của Everest đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2018. Theo đó, Everest có tham vọng phát hành 3.000 trái phiếu, tương đương 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 10%. Đại hội thường niên năm 2018 của Everest vừa qua đã thông qua phương án đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX trong năm nay.

Ngoài tìm cách gia tăng năng lực tài chính, cũng như cải thiện tính đại chúng và minh bạch về hoạt động thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết, tham vọng đi nhanh của Everest còn thể hiện qua bổ sung nguồn nhân sự cả ở cấp Hội đồng quản trị lẫn các vị trí khác.

Kế hoạch tuyển dụng nhân sự của Everest trong quý I/2018 với dày đặc các vị trí, từ 50 chuyên viên môi giới, cùng hàng chục chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp, IB, M&A cao cấp, giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư, trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp… Lượng nhân sự này phần nhiều tăng cường cho hội sở ở Hà Nội, phần còn lại bổ sung cho chi nhánh TP.HCM…

Người mếu…

Sau nỗ lực đổi tên, tái cơ cấu, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc ban đầu của một số công ty chứng khoán là những trường hợp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ, thậm chí đang bị “xóa tên” trên thị trường.

Sau khi đổi tên từ Công ty Chứng khoán Hà Thành thành Công ty Chứng khoán Tonkin, vận làm ăn thua lỗ, mờ nhạt trên thị trường vẫn chưa buông công ty này. Trước khi đổi tên, Chứng khoán Hà Thành dính nhiều án phạt trong quá trình hoạt động.

Chẳng hạn như ngoài việc bị UBCK đình chỉ hoạt động, Công ty còn nhiều lần bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cảnh cáo, đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký do vi phạm quy định về nộp phí (không đóng góp Quỹ Hỗ trợ thanh toán)…

Cái kết cay đắng với công ty này là mới đây, Chủ tịch UBCK đã ban hành Quyết định 247/QĐ-UBCK chấm dứt hoạt động kinh doanh được cấp phép của Công ty Chứng khoán Tonkin để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động, do quá thời hạn đình chỉ hoạt động theo Quyết định 153/QĐ-UBCK ngày 23/02/2017 mà Công ty không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ theo quy định…

Trên thị trường, vẫn còn công ty chứng khoán sau khi đổi tên vẫn chưa biết đến dư vị của làm ăn có lãi. Sau nhiều năm, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (đổi tên từ Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng) tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu bèo là 353 triệu đồng, lỗ 2,3 tỷ đồng trong quý I/2018. Khoản lỗ này đã làm tăng mức lỗ lũy kế của Công ty đến hết quý I/2018 lên trên 18 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ triền miên, khiến vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Kiến thiết vốn đã quá hẻo, nay càng teo thêm, chỉ còn 41,9 tỷ đồng.

Sau đổi tên từ Chứng khoán Đệ Nhất thành Chứng khoán Yuanta Việt Nam, những tưởng cổ đông ngoại đến từ Đài Loan sẽ có “phép màu” giúp Công ty chấm dứt cảnh thua lỗ triền miên, nhưng thực tế không như vậy.

Trong quý I/2018, Công ty đạt 23,7 tỷ đồng doanh thu, lỗ 2,5 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ do trong kỳ Công ty ghi nhận chi phí tăng tới 515% so với cùng kỳ năm trước do chi phí môi giới tăng, cắt lỗ các khoản đầu tư tự doanh…

Tình trạng thua lỗ của Yuanta Việt Nam ít nhất kéo dài hết năm nay, khi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 87,3 tỷ đồng doanh thu, lỗ 23,6 tỷ đồng.

Thực trạng trên cho thấy, sau đổi tên, tái cấu trúc, công ty chứng khoán sẽ còn chặng đường dài phía trước với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, vì tính chất cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán ngày một gay gắt, nên tới đây không riêng gì những công ty chứng khoán đã “thay tên đổi họ” vì thua lỗ, bê bối, mà những công ty chứng khoán khác sẽ phải đối mặt với rủi ro bị “xóa tên” nếu không tìm được cách định vị mình trên thị trường.

Kỳ cuối: Phía trước có là… rừng mơ? 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục