Trên thực tế, nếu tính theo tháng, thì kể từ đầu năm tới nay, Việt Nam chỉ xuất siêu 3 tháng và nhập siêu 7 tháng, song do xuất siêu lớn, nên tính chung, Việt Nam đang xuất siêu khoảng 1,87 tỷ USD. Dự kiến cả năm, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD - mức xuất siêu cao nhất kể từ trước tới nay.
Mặc dù xuất siêu là thành tích đáng kể góp phần vào tăng dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ của Việt Nam, nhưng trong thời điểm này, chuyện nhập siêu quay trở lại có lẽ là điểm đáng mừng.
Sau tháng 8 có mức xuất siêu rất cao (1,07 tỷ USD), sang tháng 9, cả nước nhập siêu khoảng 582 triệu USD, tháng 10 nhập siêu 400 triệu USD. Nhiều khả năng, những tháng còn lại cũng sẽ tiếp tục nhập siêu. Đó là dấu hiệu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu các loại thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu đã tăng trở lại.
Doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng và như vậy, sản xuất sẽ tiếp tục phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm sau.
Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vào chiều nay (29/10) cũng chứng minh điều này. Cụ thể, trong 10 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Chẳng hạn, bông tăng 24,5% (245 triệu USD); vải tăng 13,4% (916 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 24,8% (773 triệu USD); máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 20,4% (3,1 tỷ USD) …
Ở góc nhìn khác, việc Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm ước tăng 6,9%, cao hơn mức tăng 5,6% cùng kỳ năm trước, đã cho thấy dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế. Nếu trong quý I/2014, IIP chỉ tăng 5,3%, thì con số này trong quý II là 6,9% và quý III là 7,8%. Như vậy, có thể khẳng định, sản xuất đang dần hồi phục.
Sự phục hồi của sản xuất còn có thể được ghi nhận ở việc tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 10/2014 của các doanh nghiệp trong nước đã cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi trong tháng 10, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 8,2%, trong khi của khu vực FDI chỉ tăng 2,8%.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, nhập siêu, vào thời điểm trước khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đang rất nhức nhối, đến nỗi khi Kế hoạch đặt mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2015, nhiều chuyên gia kinh tế cho đó là tham vọng quá lớn. Nhưng thực tế là hai năm qua và cả năm 2014 này, Việt Nam không những làm được điều đó, mà còn xuất siêu.
Xuất siêu nhưng không hẳn đã mừng do thành tích này chưa bền vững, phần nhiều là nhờ một vài doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung đạt mức tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc; phần nữa là vì sản xuất đình trệ, nên nhập khẩu cả nguyên liệu sản xuất lẫn hàng tiêu dùng có xu hướng giảm. Chính vì vậy, có lẽ là điều đáng mừng khi nhập siêu quay trở lại.