Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Đức Việt là chủ sở hữu nhà máy chế biến thực phẩm tạo ra chiếc xúc xích trong câu chuyện nêu trên cho biết, các bộ hiện đang quản lý chiếc xúc xích bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (gồm 2 cơ quan là Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Công thương. Theo ông Tân, việc có tới 7 bộ chuyên ngành cùng lúc quản lý chiếc xúc xích là điều khó có thể chấp nhận được trong môi trường kinh doanh hiện tại, vốn đang được kỳ vọng đẩy mạnh cải thiện theo hướng thân thiện hơn đối với các doanh nghiệp.
Hơn nữa, hệ lụy đáng lo ngại của sự quản lý chồng chéo này đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bởi các quy định và điều kiện chuyên ngành mà các cơ quan chủ quản chuyên ngành đặt ra khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thường xuyên bị moi móc, bị “hành là chính”.
“Trong điều kiện môi trường kinh doanh ‘khó thở’ như vậy, doanh nghiệp hầu như cảm thấy mất hết nhiệt huyết để đầu tư phát triển, mà chỉ tập trung để lo đối phó với các điều kiện, quy định của các bộ, ngành. Nếu việc sửa luật không đi kèm với cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt các rào cản, điều kiện hạn chế kinh doanh thì hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động sẽ không biết phải phát triển như thế nào”, ông Tân nói.
Chia sẻ nỗi khổ này của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tình trạng các bộ, ngành lạm dụng thẩm quyền chuyên ngành của mình ban hành các văn bản pháp luật, tạo ra các loại “giấy phép con” dưới hình thức danh mục cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng gia tăng.
Điều này đồng nghĩa với việc các luật chuyên ngành ngày càng “gặm nhấm” phạm vi ảnh hưởng của Luật Doanh nghiệp, vốn là bộ luật gốc quy định và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, tạo rào cản và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Ông Cung cho biết, hệ thống văn bản dưới luật do các bộ, ngành và các địa phương ban hành có tốc độ “sinh đẻ” trung bình trong 1 năm khoảng 600 Thông tư và từ 3.000 - 3.500 văn bản hướng dẫn, trong đó có những văn bản lấn át, sai luật gốc. Trong tổng số 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 51 ngành nghề cấm kinh doanh, có gần 3/4 là nằm trong các văn bản luật và hướng dẫn dưới luật này; riêng 51 lĩnh vực ngành nghề cấm kinh doanh đã nằm trọn trong 3 danh mục cấm thuộc quản lý của 3 luật chuyên ngành.
Để khắc phục tình trạng “lấn sân” Luật Doanh nghiệp, theo ông Cung, bên cạnh việc đẩy mạnh rà soát từng luật chuyên ngành cụ thể, quyết tâm bãi bỏ, sửa đổi các quy định trái với Luật Doanh nghiệp, thì quan trọng hơn là cần phải sửa đổi Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, luật gia Vũ Xuân Tiền, đại diện Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, đây không đơn thuần là việc sửa đổi luật, mà thực chất là sự thay đổi toàn bộ quan điểm, tư duy và quy trình làm luật hết sức phức tạp ở nước ta. Đó là ban hành các đạo luật quy định cụ thể đối với từng đối tượng, thay vì ban hành một đạo luật gốc rồi sau đó ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn kèm theo.
Bên cạnh đó, tất cả các điều kiện kinh doanh nên do cơ quan lập pháp là Quốc hội quy định. Theo đó, trưởng ban soạn thảo luật phải là đại biểu Quốc hội, thuộc các ủy ban chuyên trách của Quốc hội, thay cho các đơn vị của các bộ, ngành như hiện nay.
“Có như vậy mới thay đổi được cách làm luật, xóa bỏ được sự tù mù, mập mờ trong các văn bản luật, cũng như phá bỏ được lợi ích nhóm cục bộ, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, duy trì môi trường kinh doanh thực sự thân thiện”, ông Tiền nhấn mạnh.