Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đưa ra một hình ảnh rất ấn tượng là cây cột điện bị quấn chằng chịt bởi hàng trăm dây điện để ví với thực trạng rối rắm của hệ thống danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
Cùng với hình ảnh này, tình trạng “nhiều không” đã kéo dài suốt 10 năm với mức độ ngày càng gia tăng, bao gồm “không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và không hiệu lực” được Ban soạn thảo đúc rút từ thực tế áp dụng, một lần nữa đã cho thấy, mức độ phức tạp của hệ thống danh mục cấm cũng như những thách thức phải đối mặt trong nỗ lực rà soát để gỡ rối “mớ bòng bong” này.
Theo thống kê mà CIEM đưa ra, hiện có khoảng 51 ngành nghề cấm kinh doanh được quy định tại 3 danh mục cấm nằm dưới sự điều chỉnh của 3 sắc luật khác nhau, gồm danh mục cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và cấm mua bán theo Luật Thương mại. Vấn đề tồn tại của các danh mục cấm này, theo ông Cung, chính là việc không có phương pháp luận rõ ràng để trả lời các câu hỏi như: tại sao cấm, cấm nhằm mục đích gì và cấm trong phạm vi nào? Chính từ sự mơ hồ, thiếu phương pháp luận như vậy, nên bản thân các danh mục này cũng như việc áp dụng vào thực tiễn rơi vào tình trạng “nhiều không” như đã tổng kết.
Hai ví dụ điển hình đã được ông Cung nêu ra để dẫn chứng cho sự mơ hồ, không hợp lý, không chính xác. Thứ nhất là lĩnh vực kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, an ninh, quân trang, bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội và công an; quân dụng cho lực lượng vũ trang… Thứ hai là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức.
“Ở đây có lẽ có sự mơ hồ giữa khái niệm cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Tôi cho rằng, hai lĩnh vực này nên là hạn chế kinh doanh, chứ không phải là cấm kinh doanh”, ông Cung đặt vấn đề và cho rằng lĩnh vực kinh doanh các loại đồ dùng phục vụ cho lực lượng quân đội và công an, nhất là việc may mặc cung cấp các loại quân trang, phù hiệu không khó khăn đến mức mà chỉ có các nhà sản xuất của công an, quân đội mới có thể sản xuất và cung cấp.
“Sẽ là hợp lý hơn nếu các DN dệt may quân đội chuyển sang loại hình DN dân sự để nhận đặt hàng sản xuất và cung cấp, thay vì duy trì là loại hình DN quân đội độc quyền sản xuất và giữ lĩnh vực này là cấm kinh doanh đối với các đối tượng khác”, ông Cung nói.
Còn việc cấm lĩnh vực kinh doanh đánh bạc theo ông Cung cũng là không hợp lý vì trên thực tế, vẫn có những sòng bạc được Nhà nước cấp phép hoạt động kinh doanh công khai. “Nếu đã cấm kinh doanh mà Nhà nước vẫn cấp phép cho một số cơ sở hoạt động công khai thì quy định cấm là không chính xác, mà chỉ nên coi đây là lĩnh vực hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện ”, ông Cung phân tích.
Một số lĩnh vực khác cũng bị cấm một cách không chính xác, không hợp lý như kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất các loại thuốc chữa bệnh cho người, vắc-xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm… chưa sử dụng tại Việt Nam. Theo Ban soạn thảo, nếu đặt vấn đề như vậy thì đối với các loại phế liệu không nhập khẩu, nhưng vẫn gây ô nhiễm thì có được kinh doanh không? Hay việc sản xuất thuốc chữa bệnh rõ ràng phải qua quá trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực cấm khác cũng được Ban soạn thảo cho là quy định không rõ ràng, như kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mĩ, nhân cách, hay cấm kinh doanh các loại đồ chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, an toàn xã hội… Ban soạn thảo cho rằng cách quy định như vậy rất chung chung, cảm tính và chủ quan, không có tiêu chí rõ ràng để xác định, khó có thể áp dụng.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), thực tế rà soát cho thấy, sơ bộ đã có thể giảm bớt ít nhất 1/4 danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc đấu tranh rất khó khăn và đầy thách thức bởi phần lớn các lĩnh vực cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh đều tuân theo sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, do các bộ ngành quy định và trực tiếp cấp phép.
Đồng tình với nhận định này, ông Cung khẳng định: “Có một thực trạng là Luật Doanh nghiệp vẫn đang bị gặm nhấm dần bởi các luật chuyên ngành, khiến phạm vi của Luật Doanh nghiệp đang dần bị thu hẹp lại và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Xét ở góc độ nào đó, trong điều kiện luật chuyên ngành thực chất vẫn là các luật về ngành cụ thể, là công cụ bảo vệ lợi ích của các bộ ngành thì việc rà soát để giảm bớt và loại bỏ dần các quy định trái với Luật Doanh nghiệp vẫn đang là một cuộc chiến đầy cam go và thách thức”.