Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ - Bài 3: Ranh giới vô hình mang tên ‘luật bộ’

Không chỉ cát cứ vùng miền, tư duy cát cứ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh khiến môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục bị cắt khúc. Mục tiêu ghi điểm nhanh, ứng phó kịp thời để tạo thuận lợi trong hoạt dộng đầu tư - kinh doanh của Chính phủ vì thế mà bị giới hạn.
Khoảng 3.500 văn bản hướng dẫn đã được các bộ, ngành ban hành mỗi năm để xử lý các vụ việc cụ thể của doanh nghiệp    Khoảng 3.500 văn bản hướng dẫn đã được các bộ, ngành ban hành mỗi năm để xử lý các vụ việc cụ thể của doanh nghiệp

Lo bổn cũ soạn lại

Thời điểm này, các thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp đang trở lại gần như đúng công việc mà 14 năm trước, những người đã tạo bước đột phá mang tên Luật Doanh nghiệp cho  môi trường kinh doanh Việt Nam đã làm. Đó là rà soát và công bố danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Nhưng 14 năm trước, việc rà soát và công bố danh mục này xuất phát từ Ban soạn thảo. Bây giờ, người đặt yêu cầu là các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã hiểu rằng, tinh thần của Hiến pháp trong việc khuyến khích người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm và mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư chỉ thành hiện thực khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi đạt được sự minh bạch và rõ ràng.

Như vậy, việc mà ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang làm không đơn giản là tập hợp 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 235 văn bản pháp lệnh, gồm 3 hiệp định và nghị định thư, 48 luật, 5 pháp lệnh, 104 nghị định, 111 thông tư và 15 quyết định của các bộ như đã đính kèm trong dự án Luật Doanh nghiệp Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc tới yêu cầu, danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải được xây dựng trên cơ sở xem xét kỹ cả tính hợp lý và khả thi. Cũng không ít đề nghị đưa danh mục này, cùng với danh mục cấm kinh doanh, vào trong luật để có tính pháp lý cao nhất.

Như vậy, từ giờ đến tháng 10/2014, thời điểm dự kiến Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Ban soạn thảo sẽ cùng các bộ, ngành tiến hành rà soát, phân loại để trình Chính phủ ban hành một danh mục ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại.

Nhưng chính lúc này, sự thoái trào của “cuộc chiến với giấy phép con” nhiều năm trước được chính những người trong cuộc nhắc lại. Nguyên nhân không có gì mới, đó chính là sự khác biệt về lợi ích của các bộ, ngành, dẫn tới khó đồng thuận giữa các thành viên Chính phủ về quyết định cắt giảm các loại giấy phép kinh doanh cụ thể.

Nhắc lại chuyện cũ, ngay sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, phát pháo đầu tiên được nổ ra là Quyết định số 19/2000/QĐ- TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi đó, nhiều người ngỡ ngàng với sự tồn tại của giấy phép đánh máy chữ, giấy phép dạy nhạc, giấy phép hành nghề đóng, xén sách... Tiếp đà, vào tháng 8/2000, Nghị định 30/2000/NĐ-CP của Chính phủ bãi bỏ 27 giấy phép và chuyển 34 giấy phép thành điều kiện kinh doanh. Trong Nghị định 30/2000/NĐ-CP cũng yêu cầu các bộ tập hợp và công bố danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng đối với các ngành, nghề đó trước ngày 1/10/2000. Cùng với đó là công bố danh mục các giấy phép và quy định về thủ tục, điều kiện, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thời hạn hiệu lực đối với từng loại giấy phép đó.

Chưa bàn tới sự phát triển như “nấm sau mưa” của các loại giấy phép kinh doanh, riêng sự lặp lại đúng yêu cầu của Chính phủ đã được đưa ra hồi năm 2000 ở thời điểm này cho thấy, việc cắt giảm giấy phép kinh doanh, sắp xếp điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thời gian qua mới chỉ dừng ở phần ngọn…

Cuộc thử nghiệm khó khăn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đã gọi Dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường soạn thảo) là một thông tư lạ.

Lạ, bởi mục tiêu gộp khoảng 18 loại thủ tục hành chính khác nhau để xây dựng một quy trình còn khoảng 5 nhóm thủ tục, với cách thức thực hiện song song, theo cơ chế tự động được đặt ra như một đột phá – cho dù ở yêu cầu gỡ rối tạm thời ở hình thức văn bản là thông tư, lần đầu tiên được các bộ cùng ngồi để bàn bạc.

Nhưng gần 1 năm sau khi Dự thảo thông tư được khởi thảo, mọi việc vẫn chưa kết thúc. Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), người được giao nhiệm vụ chắp bút cho biết, qua những cuộc tranh luận trong quá trình xây dựng thông tư này, câu chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp không ngại ngần mở hầu bao, lao vào kinh doanh - vẫn khiến chính những người chắp bút băn khoăn.

Sự băn khoăn này nằm ở chỗ, các thủ tục hành chính liên quan chặt chẽ với nhau để dự án thông suốt trong quá trình triển khai lại được xây dựng bởi các bộ, ngành khác nhau và mang theo những “dấu ấn riêng” của từng cơ quan. Bởi vậy, ở góc độ riêng lẻ mỗi cơ quan quản lý nhà nước, từng thủ tục khá rõ ràng, nhưng khi kết hợp các thủ tục này trong một quy trình mà nhà đầu tư buộc phải hoàn tất để có thể triển khai được một dự án cụ thể lại trở nên “phức tạp, chồng chéo”.

Đơn cử, chỉ với quy định “cơ quan chịu trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng” đã có tới 3 cơ quan là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư được nhắc đến theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và Nghị định 69/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, khiến nhà đầu tư rơi vào mê cung.

Khảo sát của CIEM cho thấy, với dự án đầu tư có hoạt động xây dựng nhà xưởng, công trình, để hoàn tất thủ tục hành chính đơn lẻ (tính từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng) lên tới trên 450 ngày, với 67 loại giấy tờ cần nộp và khoảng 38 lần nhà đầu tư đến làm việc với cơ quan liên quan.

Dẫu vậy thì không ít trường hợp, nhà đầu tư lẫn cơ quan nhà nước vẫn không biết bắt đầu bằng thủ tục nào và các bước tiếp theo thực hiện ở đâu. Tại Bắc Ninh, trình tự này với các dự án ngoài khu công nghiệp bắt đầu bằng khảo sát địa điểm. Ở Thừa Thiên Huế, thủ tục đầu tiên là chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án…

Những ranh giới khó xử

Nỗ lực hài hòa hóa thủ tục trong dự án đầu tư, xây dựng của Ban soạn thảo Thông tư liên tịch trên sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa khi diễn đàn Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

Không chỉ đơn giản là những thay đổi trong các quy định liên quan được đưa ra tại Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, không ít các đại biểu đã đề nghị các điều khoản phải tránh trùng lắp, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác đang còn hiệu lực. Thậm chí, từ kỳ họp trước, đã có những phản biện khá rõ khi dự thảo Luật Xây dựng được trình Quốc hội cho ý kiến. Đó là xác định rõ phạm vi của Luật này là “hoạt động xây dựng” chứ không phải là “hoạt động đầu tư xây dựng”. Hay phân loại các dự án để phù hợp với Luật Đầu tư công. Hay không để chồng chéo với các quy định về lựa chọn nhà thầu của Luật Đấu thầu và các quy định được nêu ra tại Luật Quy hoạch đang được soạn thảo…

Như vậy, nếu các phần chồng chéo, trùng lắp giữa các quy định tại những văn bản thực thi pháp luật hiện hành không được giải quyết dứt điểm, sự lúng túng của nhà đầu tư, doanh nghiệp trước “rừng luật” là khó tránh. Dĩ nhiên, để bảo vệ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình, doanh nghiệp sẽ lại phải tìm tới các văn bản riêng được ban hành từ chính các cơ quan liên quan.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi  góp ý Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi hồi cuối năm ngoài đã thẳng thắn góp ý với ban soạn thảo “cần tư duy hệ thống và đừng ôm đồm vào một luật”.

Đặt “tư duy ôm đồm” trong sơ đồ quan hệ hành chính trong điều hành kinh tế ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM vẽ lại trong “Nghiên cứu về cải cách thể chế kinh tế Việt Nam” mới thấy, ranh giới không rõ ràng giữa các ngành, lĩnh vực vô cùng lớn. Đó là sự có mặt của 3.000 - 3.500 văn bản điều hành của các bộ trong một năm, một sự “bứt phá” đáng kể so với  khoảng 20 luật, 150 nghị định, 600 thông tư được ban hành một năm trong giai đoạn từ 2010 đến 2013.

Điều này cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang lệ thuộc vào hệ thống công văn giải quyết từng vụ việc cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương hơn là các văn bản luật, nghị định mà chính các bộ, ngành này chắp bút soạn thảo. 

(Còn tiếp)

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục