Bài 1: Sự cố hy hữu và bài học ứng xử
Chỉ trong vòng 3 tuần, 6 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi sự kiện ngày 13-14/5 được phát đi. Nhiều đoàn công tác của Chính phủ đã lên đường. Dù đó là sự hỗ trợ to lớn và tận lực, nhưng các doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi: bao giờ và làm thế nào giải quyết được khó khăn của họ?
Cuộc đối thoại đặc biệt
Lịch sử của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ ghi đậm cuộc đối thoại giữa kỳ năm 2014, vừa diễn ra vào cuối tuần trước. Có nhiều lý do để sự kiện này trở nên đặc biệt.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hiện diện tại VBF. Ông đã tham dự cuộc đối thoại đến khi đồng hồ đã chuyển sang giờ chiều, để trực tiếp chỉ đạo các bộ trưởng giải quyết những kiến nghị từ các doanh nghiệp.
Không chậm trễ, một loạt cam kết về cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư cũng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra ngay sau kiến nghị của các nhà đầu tư.
Nếu như tính cả thời gian của cuộc gặp đặc biệt với đại diện Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam khoảng nửa tiếng ngay trước giờ khai mạc, đây có thể là một trong những kỳ VBF kéo dài nhất.
Rõ ràng, sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ chắc chắn đã làm thay đổi cục diện của VBF lần này – vốn được dự báo là sẽ rất nóng khi diễn ra chỉ nửa tháng sau vụ việc những kẻ quá khích lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để phá hoại nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng phải nói thêm, đây là kỳ VBF đầu tiên có mặt các thương gia Đài Loan. Họ là thành viên thứ 16, thành viên mới nhất của Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là đại diện những doanh nghiệp bị xác định là thiệt hại nặng nhất trong vụ việc vừa qua. Trong số 1% doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động theo các báo cáo, hầu hết là các thương gia Đài Loan.
Họ đã chờ đợi cuộc gặp này hơn nửa tháng nay, khi mà những cuộc làm việc trước đó với chính quyền một số địa phương chưa đem đến cho họ sự an tâm hoàn toàn về cách thức giải quyết. Thậm chí, bà Liu Mei Teh, Tổng hội trưởng Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam, để chuẩn bị cho VBF cũng đã dự thảo một bài phát biểu chi tiết về các vấn đề của doanh nghiệp Đài Loan.
Tuy nhiên, bà Liu đã không cần dành diễn đàn cho những kiến nghị cụ thể. Kết quả cuộc gặp ngắn ngủi đã được đích thân Thủ tướng Chính phủ thông báo với cộng đồng doanh nghiệp, gồm cả giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp trong số hơn 20 doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất, cùng cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư đang làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
“Các bạn tin vào Việt Nam, một quốc gia trên 90 triệu dân, xã hội - chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh, bền vững, môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn”, Thủ tướng Chính phủ cam kết với các nhà đầu tư.
Tràng pháo tay kéo dài và những nụ cười bắt đầu xuất hiện trên những gương mặt khá căng thẳng trước đó... cũng sẽ là điều mà nhiều người nhắc tới kỳ VBF đặc biệt này.
Mối lo thực thi
Cho dù không muốn nhắc đi nhắc lại những vấn đề mà các doanh nghiệp Đài Loan đang gánh chịu, song trong lời phát biểu rất ngắn của mình, bà Liu Mei Teh không né tránh khi đặt thẳng vấn đề với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rằng, làm thế nào để các nhà đầu tư đến Việt Nam và để họ thấy, sự an toàn phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Chính phủ.
Không chỉ bà Liu, nhiều nhà đầu tư cũng đã nhắc tới mối lo ngại về hiệu quả và tốc độ thực thi. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiên liệu yếu tố kỹ thuật, đòi hỏi thời gian, giải pháp cụ thể mới có thể đẩy nhanh tiến độ. Bà Virginia Foote (Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt – Mỹ) nhắc tới tình trạng chậm chạp trong thực thi của các quyết định của Chính phủ, với thủ tục phức tạp và thường nặng nề số lượng các cơ quan liên quan...
Nhưng với những nhà đầu tư Đài Loan tại Bình Dương, lo ngại còn vì họ đã phải chờ đợi và kiến nghị nhiều để có được sự phối hợp và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thời gian qua.
Có lẽ bà Liu cũng như các thương gia Đài Loan khó có thể quên cuộc đối thoại không kém phần đặc biệt diễn ra vào ngày 21/5 tại Bình Dương, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành thông báo đầu tiên về hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại. Tưởng như thời điểm cuộc gặp là kịp thời để các cấp chính quyền chuyển tải những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ tới những nhà đầu tư vừa bị mất đi phần lớn, thậm chí là toàn bộ sản nghiệp của mình, nhưng tình hình lại trái ngược.
Bắt đầu vào khoảng 18 giờ tối, sau nửa ngày trực tiếp đến hiện trường của những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất, cuộc đối thoại kết thúc vào lúc gần 23 giờ, trong sự bức xúc còn nguyên của các nhà đầu tư. Phần lớn câu hỏi về cách giải quyết trường hợp cụ thể như, xử lý tiền lương của lao động, đầu mối hỗ trợ xác định thiệt hại… được trả lời bằng những địa chỉ và lời hẹn rối rắm. Thậm chí, đề xuất một đầu mối để giải quyết các vấn đề của những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng hay được phép dán thông báo của Thủ tướng Chính phủ tại cổng doanh nghiệp để người lao động nắm được thông tin cũng không nhận được ngay câu trả lời dứt khoát từ lãnh đạo địa phương.
Khi đó, nhiều nhà đầu tư đã nói, họ biết đây vụ việc chưa có tiền lệ, nhiều việc cần có thời gian để xử lý, nhưng họ và những đồng nghiệp không thể chờ đợi quá lâu.
Tới thời điểm này, tình hình đã được cải thiện. Vào ngày 30/5, Bình Dương cuối cùng cũng đã có công văn hỏa tốc thông báo về các đấu mối liên hệ, tiếp nhận thông tin, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, kinh doanh với hai đầu mối cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, nhiều hơn một đầu mối của Đồng Nai và Hà Tĩnh. Ngày 6/6, đã có 113 doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhận được tiền bồi thường tạm ứng với tổng số tiền là hơn 114 tỷ đồng.
Khả năng ứng xử
Là người có mặt ngay tại hiện trường các doanh nghiệp sau khi sự cố xảy ra, cũng như theo sát tiến độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặt vấn đề rõ ràng về khả năng ứng xử với những tình huống cấp bách.
“Các doanh nghiệp Đài Loan ở Đồng Nai cho biết, họ có ngay được sự hỗ trợ tại chỗ của các cấp chính quyền. Ngay sau vụ việc, người của ban quản lý đã chủ động đem dấu, giấy chứng nhận đầu tư… đến doanh nghiệp mà không chờ doanh nghiệp khai báo. Việc vận động các tổ chức tự nguyện tham gia hỗ trợ doanh nghiệp cũng được tiến hành ngay. Chính vì vậy, mọi việc ở Đồng Nai có vẻ tiến triển thuận lợi hơn. Điều này cần sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các cấp chính quyền địa phương”, ông Lộc nói.
Trong tình huống này, cái khó là, doanh nghiệp cần những cách xử lý cụ thể cho nhiều vấn đề rất khác nhau. Nhiều cuộc làm việc đã cho thấy, nếu đầu mối giải quyết không do người có đủ thẩm quyền quyết định, thì nhà đầu tư sẽ phải chạy nhiều cửa.
“Chính phủ đã nhanh chóng kiểm soát tình hình về mặt an ninh, chúng tôi hy vọng các cơ quan chính quyền cũng sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn một cách có hiệu quả”, ông Lộc kiến nghị. Cũng phải nhắc lại rằng, khi được yêu cầu bình luận trước ý kiến cho rằng, Việt Nam vốn chưa thực sự ghi điểm về sự minh bạch, rõ ràng trong thực thi chính sách, bà Virginia Foote đã thẳng thắn nêu quan điểm, “đây là thời điểm để môi trường kinh doanh Việt Nam ghi điểm bằng tính hiệu quả, tốc độ và trách nhiệm của các cấp thực thi”.
(Còn tiếp )????