VBF giữa kỳ 2014: Hiểu nhau hơn từ những sự cố

(ĐTCK) Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014: “Từ chương trình tới hành động - chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới” diễn ra ngày hôm qua (5/6) được nhìn nhận rất thời sự và hữu ích , không chỉ bởi sự kiện diễn ra ngay sau sự cố liên quan đến những phần tử quá khích tại Bình Dương, Hà Tĩnh, mà VBF lần này còn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lắng nghe ý kiến của các DN.
VBF giữa kỳ 2014 có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ ngành liên quan VBF giữa kỳ 2014 có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ ngành liên quan

Phát biểu khai mạc, bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF đã đề cập ngay: “Tất cả chúng ta đều cảm thấy đáng tiếc vì các sự kiện xảy ra giữa tháng 5 vừa qua, vì vậy, sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện của các bộ, ngành liên quan tại Diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với DN… Chúng ta hy vọng sẽ làm nổi bật một số vấn đề phát sinh sau sự cố, cũng như bày tỏ những ý kiến và đề xuất cụ thể liên quan đến vấn đề này”.

Bà Liu Mei Teh, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam chia sẻ, các DN Đài Loan chịu nhiều tổn thất trong sự cố vừa qua, nhưng Chính phủ Việt Nam đã cho thấy quyết tâm và tính hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề, đặc biệt về an ninh - điều các nhà đầu tư nước ngoài từng quan ngại.

“Không chỉ thu hút đầu tư mới, mà cần giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài lâu dài hơn. Việc này còn tùy thuộc vào các động thái để nhà đầu tư thấy an toàn và có thể sinh lời”, bà Liu nói.

Đại diện cho tiếng nói của các DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự cố vừa qua đã gây thiệt hại cho một số DN FDI cả về cơ sở vật chất và tinh thần, ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh một điểm đến thân thiện, ổn định và an toàn cho đầu tư mà Việt Nam đã tạo dựng nhiều năm qua. Tuy nhiên, các DN bị thiệt hại đều mong muốn mau chóng khắc phục sự cố, ổn định lại sản xuất, tiếp tục gắn bó với Việt Nam.

Đánh giá cao khả năng vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý hậu quả của sự cố đáng tiếc, nhưng lãnh đạo các hiệp hội cũng thẳng thắn đưa ra những kiến nghị về giải pháp xử lý câu chuyện này.

Ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đề xuất, Chính phủ nên có một công bố chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài biết những giải pháp cụ thể để ổn định môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét một số chính sách để bù đắp cho những DN bị thiệt hại, như đưa ra những khoản vay với lãi suất thấp bằng những quy định pháp lý cụ thể; chính sách miễn thuế, giải pháp phù hợp dành cho người lao động bị mất việc bởi sự cố…, để các DN này có thể phục hồi trong thời gian sớm nhất và ổn định lại hoạt động kinh doanh.

“Việt Nam nên lắng nghe tiếng nói của những DN hiện đang có mặt tại đây, đối xử với DN theo hướng tạo thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm bình đẳng giữa các khu vực, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Những DN đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam hiện dõi theo rất chặt những gì đang diễn ra với những DN đi trước”, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) nói.

“Chúng tôi hoan nghênh các hành động của Chính phủ Việt Nam sau sự kiện đáng tiếc vừa qua và tin tưởng Việt Nam sẽ có các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả một cách minh bạch, hợp lý và chuyên nghiệp. Một ủy ban thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố với sự góp mặt của đại diện quốc tế và tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu sẽ có thể có tác động tích cực lớn và nâng cao hình ảnh, danh tiếng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ khi có yêu cầu”, bà Virginia Foote nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã gây ra sự phẫn nộ trong toàn dân và một số nơi biểu tình hòa bình phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Lợi dụng việc biểu tình yêu nước của người dân, một số người đã manh động phá hoại tài sản của DN đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tình trạng này tái diễn, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại, nên hầu hết các DN này đã quay trở lại sản xuất - kinh doanh bình thường.

“Còn khoảng hơn 20 DN chưa trở lại sản xuất, Chính phủ đã cùng với chính quyền địa phương bàn bạc cụ thể đối với từng DN bị thiệt hại, đưa ra phương án xử lý có tình, có lý, để đưa DN sớm trở lại sản xuất. Và chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ của DN đối với hành động này của Việt Nam”, Thủ tướng nói và khẳng định, Việt Nam sẽ bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, DN nước ngoài, người nước ngoài công tác, học tập, sinh sống tại Việt Nam. Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện quyết tâm này.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục