Thành viên TTCK đợi gì ở VBF 2014?

(ĐTCK) Có 3 nhóm câu hỏi đang được nhiều thành viên TTCK chờ đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giải đáp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014, diễn ra vào ngày mai (5/6).
Thành viên TTCK đợi gì ở VBF 2014?

Cách nào tăng thanh khoản?

Nhìn nhận của các thành viên thị trường cho thấy, dù cơ quan quản lý, tổ chức thị trường đã có nhiều nỗ lực cải thiện thanh khoản trong những năm qua, nhưng kết quả mang lại chưa như kỳ vọng, bởi vòng quay chứng khoán và dòng tiền vẫn chậm. Phương thức và thời gian đặt lệnh, giao dịch không khác nhiều so với thời điểm TTCK bắt đầu hoạt động cách đây hơn 10 năm.

“Các giải pháp mà UBCK và các sở GDCK triển khai trong thời gian qua thiên về cải thiện thanh khoản trong trung và dài hạn, chứ chưa góp ích nhiều trong gia tăng vòng quay của dòng tiền, chứng khoán trong ngắn hạn…”, Tổng giám đốc một CTCK nhìn nhận.

Để khắc phục tình trạng trên, vị lãnh đạo CTCK trên, cũng như một số thành viên thị trường cho rằng, cơ quan quản lý nên ưu tiên xem xét triển khai 2 giải pháp.

Thứ nhất, thay vì 2 đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa và giá đóng cửa kéo dài tới 15 phút/đợt, nên xem xét giảm tương ứng còn 5 phút/đợt và 10 phút/đợt. Diễn biến thị trường cho thấy, tuy thời gian của hai đợt khớp lệnh hiện hành kéo dài tới 30 phút, nhưng giá trị và khối lượng giao dịch không đáng kể. Kéo dài thời gian của 2 đợt khớp lệnh này có “rộng cửa” cho hành vi thao túng giá? Việc bắt NĐT phải đợi khá lâu như hiện tại là không phù hợp, tác động không tích cực đến thanh khoản của thị trường.

Thứ hai, được biết Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã xây dựng phần mềm Hệ thống quản lý hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL). Có thể vận dụng hệ thống này để tính toán phương án cho phép các CTCK được cung cấp dịch vụ vay và cho vay chứng khoán? CTCK đã được phép cho vay tiền, thì nay được cho vay chứng khoán là hợp lý. Trong thời gian đầu, để giảm thiểu rủi ro phát sinh, nên cho phép CTCK triển khai dịch vụ vay và cho vay chứng khoán trong nội bộ CTCK. Nghĩa là cho các khách hàng của CTCK vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau, để đáp ứng nhu cầu giao dịch của họ. Sau bước này nên áp dụng mang tính rộng rãi hơn là cho phép các CTCK được vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau, nhằm góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.

Cần câu trả lời rõ ràng về room

Sau thời gian dài chờ đợi, đến nay, một trong những câu hỏi “nóng” vẫn được nhiều thành viên thị trường chờ câu trả lời từ lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK, là cơ chế nới room cho khối ngoại có được ban hành không, nếu có thì bao giờ?

Sở dĩ câu hỏi trên đang thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên thị trường, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), là bởi ngay đầu năm nay, UBCK đã phát tín hiệu đến thị trường về khả năng cơ chế nới room cho NĐT nước ngoài sẽ sớm được ban hành, nhằm gia tăng thu hút dòng vốn ngoại, cải thiện thanh khoản cho thị trường. Thế nhưng, nửa năm trôi qua, đến nay, cơ chế này không những chưa được ban hành, mà còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về phương án nới room như hiện tại đã tối ưu chưa, đây đã là thời điểm thích hợp để nới room? Bất kể vì lý do gì, điều các thành viên thị trường trông đợi lúc này là cần lời giải thích thỏa đáng từ phía Bộ Tài chính, với tư cách là đầu mối trả lời các thắc mắc của nhóm công tác thị trường vốn tại các kỳ VBF định kỳ diễn ra hàng năm.

Tăng chất lượng hàng hóa, cách nào?

Liên quan đến nỗ lực cải thiện chất lượng hàng hóa, các thành viên thị trường mong đợi Bộ Tài chính, UBCK sẽ có những giải đáp thỏa đáng về 2 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, liệu trong thời gian ngắn nữa sẽ có những giải pháp mạnh nào để thúc đẩy các DN lớn, kinh doanh có hiệu quả đang và sắp cổ phần hóa lên niêm yết? Cùng với đó, cơ quan quản lý có tính đến giải pháp đào thải nhanh hơn các DN kinh doanh thua lỗ, kém minh bạch thông tin… đang niêm yết, để tránh rủi ro cho NĐT?

Thứ hai, theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các công ty niêm yết, trong bối cảnh TTCK và các DN niêm yết đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là chịu tác động bất lợi do Trung Quốc bất ngờ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Tài chính cần sớm có đề xuất dừng việc truy thu thuế đối với các DN trong diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN do có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006. Điều này không chỉ giúp DN giảm bớt khó khăn, mà còn hỗ trợ tích cực cho tâm lý của thị trường.   

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ