Thảo luận giải pháp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016 - 2020.
Thảo luận giải pháp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 với các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra sáng nay 26/8 tại Hà Nội.

Báo cáo của Vụ Kinh tế địa phương tại Hội nghị cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 của vùng trung du và miền núi phía Bắc có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của hội đồng nhân dân các tỉnh đề ra. Tuy nhiên, còn 3 chỉ tiêu dự kiến chưa đạt mục tiêu bao gồm tốc độ tăng trưởng (GRDP), tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ giảm nghèo tuy vượt kế hoạch đề ra song là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Cụ thể, đối với vùng đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,74%, cao hơn mức bình quân của cả nước (1,81%); trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt 3,07%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số địa phương trong vùng tăng cao như Hải Phòng 12,8%, Quảng Ninh 7,8%, Hưng Yên 6,9, một số địa phương như: Vĩnh Phúc giảm 8,3%, Bắc Ninh giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành. Mặc dù các địa phương quan tâm, tập trung phát triển kinh tế xã hội nhưng do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nên dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng đều không đạt mục tiêu đề ra...

Đưa ra định hướng đối với việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu công năm 2021 và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách Trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

“Cần ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Vốn ODA là nguồn vốn vay với lãi suất cao nên cần lựa chọn các dự án thật sự có ý nghĩa và thiết thực cho địa phương; kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai cá dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để triển khai thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này…”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, hiện nay các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội và duy trì tăng trưởng năm 2020 trong điều kiện “ bình thường mới”.

Trong bối cảnh này, cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh các dự án đầu tư để hạn chế tối đa thất thu của ngân sách Nhà nước và chống lãng phí.  

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho các địa phương phát hành trái phiếu Chính phủ; bố trí thêm nguồn vốn xây dựng công trình giao thông kết nối liên vùng để xây dựng đô thị thông minh; sớm có dự kiến kế hoạch tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó các địa phương triển khai kế hoạch; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng đề án về ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết tháng 7, tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 3.500 tỷ đồng, bằng 52,7% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao. Dự báo kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 rất khó khăn.

Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê rà soát, sớm công bố số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh để địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xãhooij năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Chỉ thị số 18, 31 của Thủ tướng Chính phủ; sớm hướng dẫn, thông báo số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 để tỉnh có cơ sở triển khai đầu tư các dự án đảm bảo thủ tục theo quy định. 

Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang kiến nghị sớm ban hành Quyết định về quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời thông báo định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương làm căn cứ hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện, giao kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Sớm ban hành danh mục các chương trình, dự án, tiểu dự án và khung hướng dẫn cụ thể để các địa phương có định hướng triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công các Chương trình MTQG phù hợp, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương chủ động rà soát kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tình hình giải ngân vốn đầu tư 9 tháng 2020; tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 đã được giao; Tổng Cục Thống kê rà soát, có số ước tốc độ tăng trưởng, số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh để các địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Tiếp sau Hội nghị này, tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tuyến về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 với Vùng Miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của các Hội nghị nhằm tập trung trao đổi, giải đáp kịp thời các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công; đồng thời, đề xuất các giải pháp, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác năm 2020. Đồng thời thảo luận việc triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, trao đổi, giải đáp các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến những nội dung này.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục