Bloomberg: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị gián đoạn sau 3 thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hãng tin kinh tế tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg vừa có bài viết nhìn lại ảnh hưởng của Covid-19 tới quá trình tăng trưởng của Việt Nam. 
Bloomberg: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị gián đoạn sau 3 thập kỷ

Theo Blooomberg, trong ba thập kỷ qua, Việt Nam được thế giới biết đến với những tin tức về kinh tế tốt hoặc tuyệt vời với sự tăng trưởng mạnh mẽ và nhất quán của một quốc gia xuất khẩu. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ. Với việc các công ty may mặc chứng kiến lượng đơn hàng giảm và các lĩnh vực khác bị sụt giảm xuất khẩu đột ngột, công nhân Việt Nam đang phải chịu đựng những mặt trái của việc bị ràng buộc vào nền kinh tế toàn cầu.

Suy thoái kinh tế ở Mỹ và các thị trường khác mà Việt Nam phụ thuộc vào tăng trưởng đang có thể cảm nhận được trên các đường phố của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng như các làng quê và trung tâm du lịch.

Việt Nam đã là một trong những ngôi sao của toàn cầu hóa, đang chuyển mình từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp thành một cường quốc sản xuất trong vòng vài thập kỷ.

Với xuất khẩu tương đương quy mô GDP, Việt Nam đã chứng kiến nền kinh tế của mình tăng trưởng nhanh ở mức 7,02% trong năm 2019.

Và hiện nay đang đối mặt với mức tăng trưởng chậm nhất trong hai thập kỷ với dự báo mức tăng 2,4% cho GDP năm 2020.

“Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế toán cầu trong hai thập kỷ qua và đối diện với một cuộc suy thoái kinh tế đáng kể”, Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, người đã sống tại Việt Nam từ năm 1994 cho biết.

Sự sụt giảm đột ngột của Việt Nam làm nổi bật lên sự tàn phá tài chính của đại dịch và ngay cả những quốc gia đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn virus cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng kinh tế.

Những nền kinh tế như vậy sẽ không thể trở lại kinh doanh như bình thường cho đến khi phần còn lại của thế giới trở lại bình thường.

Sian Fenner, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, có trụ sở tại Singapore đã dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020.

“Các quốc gia định hướng xuất khẩu sẽ vẫn dễ bị tổn thương”, ông cho biết.

Mặc dù Việt Nam đang có tình hình tốt hơn so với các nền kinh tế khác ở châu Á, những nơi dịch bệnh nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều, nhưng sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và ngành du lịch đã cho người dân bài học về tác động của sự biến động trên toàn cầu.

Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như hàng dệt may, ngành sử dụng hàng triệu lao động trình độ thấp. Hay tại Samsung Việt Nam, có sản phẩm điện tử chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm ngoái, đã điều chỉnh dự báo xuất khẩu năm 2020 còn 45,5 tỷ USD, giảm 13,5 tỷ USD so với năm 2019, theo Bộ Công thương.

Trong khi đó, ngành du lịch chiếm khoảng 9% nền kinh tế, đã giảm 55,4% doanh thu trong 7 tháng đầu năm.

Theo Infocus Mekong Research, với sự gián đoạn, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong 25 năm. 2/3 cư dân Việt Nam đang trì hoãn hoặc quyết định không thực hiện các giao dịch mua lớn.

Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu cũng cho biết có 63% người Việt Nam đang cân nhắc quyết định vay vốn khi họ đang tìm kiếm những hỗ trợ tài chính.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục