“Điều này minh chứng, tinh thần của Chỉ thị 11/CT-TTg và Nghị quyết 84/NQ-CP đã đi vào cuộc sống”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) bình luận.
Từ năm 2016 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công rất ì ạch. Theo ông, vì sao năm nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công lại khởi sắc?
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những năm trước bị chậm thường được vin vào những nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, Luật Đầu tư công năm 2014 đưa ra nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, phân bổ vốn thường bị chậm… Nhưng theo tôi, giải ngân chậm chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, đó là các công trình, dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã được bố trí vốn nên các bộ, ngành, địa phương không việc gì phải vội, với tâm lý “cơm không ăn, gạo còn đó”.
Còn năm nay là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nếu không hoàn thành, thì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 sẽ bị cắt vốn, nên các bộ, ngành, địa phương bắt buộc phải tập trung vào nhiệm vụ này.
Đặc biệt, năm nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến đẩy nhanh vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt các giải pháp để giải phóng nhanh nguồn vốn qua việc ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020) và Nghị quyết 84/NQ-CP (ngày 29/5/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Kết quả là đến hết tháng 8/2020, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 47% kế hoạch (không tính nguồn vốn năm 2019 chuyển sang), cả về số tuyệt đối lẫn tương đối, trong 8 tháng của năm nay đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhưng đâu phải chỉ có năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mà kể từ năm 2016 trở lại đây, năm nào cũng có các văn bản tương tự để thúc đẩy giải ngân, thưa ông?
Khác với những năm trước, nền kinh tế Việt Nam và thế giới năm nay bị tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch Covid-19, hầu hết khu vực kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, du lịch, đến thương mại, dịch vụ đều suy giảm nghiêm trọng.
Khi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động tiêu cực, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn nước ngoài và khu vực tư nhân. Khi nguồn vốn đầu tư của 2 khu vực kinh tế này giảm, thì việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Có nghĩa là năm nay sẽ quyết tâm cao hơn?
Chưa bao giờ Chính phủ lập đoàn công tác đi đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như năm nay. Chính phủ không chỉ thành lập 2-3 đoàn công tác và giao cho lãnh đạo các bộ, ngành đi đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, mà thành lập tới 7 đoàn, do đích thân Thủ tướng, các Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành hữu quan.
Còn ở dưới địa phương, theo tôi được biết, cũng thành lập các đoàn đi đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án, công trình. Chưa bao giờ, Thủ tướng trực tiếp chủ trì liên tục 2 hội nghị giao ban với các bộ, ngành, địa phương (vào ngày 16/7/2020 và 21/8/2020) để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công như năm nay.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp cụ thể, với quyết tâm giải ngân toàn bộ số vốn trong kế hoạch năm 2020 và vốn tồn đọng từ các năm trước chuyển sang, trong đó có việc hàng tháng, công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Với quyết tâm cao độ, ông có tin rằng năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch?
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, nếu giải ngân không đạt tiến độ sẽ điều chuyển vốn cho dự án khác, thậm chí có thể điều chuyển chủ đầu tư.
Với yêu cầu cụ thể này, bắt buộc người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, thậm chí là thay thế tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ với bất cứ lý do gì.
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại 2 hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công. Chế tài đã có, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc nên tôi hy vọng sẽ hoàn thành được kế hoạch.
Nếu hoàn thành kế hoạch giải ngân thì sẽ tác động ra sao tới tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
Vốn đầu tư công có tác động tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành xây dựng và GDP. Cụ thể, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Bởi vậy, nếu năm nay giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng.
Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… nên một khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP, là nhân tố vô cùng quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.