Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đôn đốc đẩy mạnh giân ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng nay, 21/8.
Đây là hội nghị thứ ba trong năm 2020 về vấn đề đầu tư công - giải pháp tích cực được Chính phủ xác định là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Ước giải ngân đến 31/8 đạt 47%
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế,…
Sau hội nghị giao ban ngày 16/7, Chính phủ đã tổ chức 07 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.
Rại Nghị quyết số 86/2019/QH14 được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực”.
Theo đó, có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến nay, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần 5.530/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 61,6%. “Tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Đi sâu phân tích về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân hơn 1.376 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay gần 2.514 tỷ đồng, đạt 13,82% kế hoạch được giao. “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của dự án đạt mức thấp, khó có khả năng hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn NSTW”, ông Dũng nói.
Kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019
Phân tích các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, cụ thể như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 địa phương).
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, “trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt”.
Ông đề nghị phải xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư để kịp thời đôn đốc, xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Các bộ ngành, địa phương phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.
Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đến hết ngày cuối cùng của năm 2020.