Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công còn rất nặng nề

Tính đến hết ngày 24/6/2020, các bộ ngành, địa phương mới phân bổ (nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo từng dự án) kế hoạch vốn đầu tư công nước ngoài đạt hơn 85% (48.286 tỷ đồng).
Do đại dịch Covid-19 khiến giải ngân vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn Do đại dịch Covid-19 khiến giải ngân vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn

Nhấn mạnh tại Hội nghị Sơ kết và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công vay nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề vì khối lượng còn lại rất lớn".

Giải ngân vốn ODA gấp 3,6 lần

Trong Quý I/2020, Bộ Tài chính đã gửi 5 văn bản đôn đốc các bộ ngành, địa phương sớm phân bổ và nhập Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách) số dự toán được giao để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nuyết, chỉ thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục gửi 2 công văn đôn đốc chủ dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ ngành, địa phương báo cáo số kế hoạch vốn phân khai và nhập Tabmis, số giải ngân và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn.

Thậm chí, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ ngành, địa phương có dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Bộ Giao thông-vận tải và Bộ Giáo dục-đào tạo để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà khẳng định, năm 2020, Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới

Tuy nhiên, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2020 giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt đạt 13% (7.427 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, bộ ngành giải ngân được 2.815 tỷ đồng, đạt 15,46%; địa phương giải ngân 4.611 tỷ đồng, đạt gần 12% dự toán.

“Sáu tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 vẫn gấp 3,6 lần so với cùng kỳ của năm 2019”, ông Long phân tích.

Ngoài nguồn vốn nước ngoài thuộc nguồn vốn năm 2020, ông Long cho biết, các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn nước ngoài năm 2019 được chuyển sang năm 2020 với tổng số tiền là 7.198 tỷ đồng.

Nhưng quá thấp so với nguồn vốn trong nước

“Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn rất thấp (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước đạt hơn 28% trong 6 tháng đầu năm. Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các bộ ngành, địa phương và chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Phân tích về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài trong nửa đầu năm 2020 vẫn rất chậm trễ theo ông Hà, có rất nhiều nguyên nhân trong đó cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

“Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là WB) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận”, ông Hà cho biết.

Còn theo ông Trương Hùng Long, giải ngân chậm còn có nguyên nhân là nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) vì vậy mất nhiều thời gian đàm phán lại với nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cảng Lạch Huyện, Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo...

Tuy nhiên, theo ông Hà, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể, ngay từ đầu năm kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhưng đến nay nhiều bộ ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cho từng dự án, công trình. Cụ thể, tính đến hết 24/6/2020, các bộ ngành, địa phương mới phân bổ (nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án) kế hoạch vốn nước ngoài đạt hơn 85% (48.286 tỷ đồng).

“Giải ngân vốn đầu công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề vì khối lượng còn lại rất lớn. Hơn nữa, năm 2020 lại là năm cuối cùng của giai đoạn Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 nên khối lượng cộng việc dồn lại vô cùng lớn. Hơn nữa, để phục hồi tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19, đầu tư công được coi là giải pháp vô cùng quan trọng trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và bảo đảm dự toán ngân sách, kế hoạch tài chính trong cả giai đoạn 2016-2020”, ông Hà Nhấn mạnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục