Tháng 6 ghi nhận số lần cắt giảm lãi suất cao nhất được thực hiện bởi các nền kinh tế lớn kể từ tháng 3/2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Canada (BoC) vào tháng 6 đã gia nhập hàng ngũ các ngân hàng trung ương lớn thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi các thị trường mới nổi vẫn nỗ lực cắt giảm lãi suất.
Tháng 6 ghi nhận số lần cắt giảm lãi suất cao nhất được thực hiện bởi các nền kinh tế lớn kể từ tháng 3/2020

Trong đó, có 3 trong số 9 ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tổ chức các cuộc họp chính sách vào tháng 6 thực hiện cắt giảm lãi suất, trong đó Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ thực hiện cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong chu kỳ này.

Điều này khiến tháng 6 trở thành tháng có số lần cắt giảm lãi suất cao nhất được thực hiện bởi các ngân hàng trung ương G10 kể từ tháng 3/2020, khi các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất để hỗ trợ các nền kinh tế đang suy thoái trước sự bùng phát của đại dịch Covid.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và các ngân hàng trung ương ở Úc, Thụy Điển, Na Uy và Nhật Bản đã giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng 6.

Paul Greer, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity International cho biết: “Chúng ta đang đi trên con đường giảm phát toàn cầu - có lẽ nó chậm hơn một chút so với những gì chúng ta mong đợi sáu tháng trước… Chúng tôi bắt đầu thấy các ngân hàng trung ương G10 cắt giảm lãi suất - Thụy Điển và Thụy Sĩ, Canada, ECB. Tôi tin tưởng rằng Fed cũng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, thậm chí có thể là một vài lần”.

Fed hiện dự kiến ​​​​sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên vào tháng 11.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục nỗ lực cắt giảm lãi suất, mặc dù với lộ trình chậm hơn.

Cụ thể, có 14 trong số 18 ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển trong mẫu quan sát của Reuters đã tổ chức các cuộc họp ấn định lãi suất vào tháng 6, với 4 lần cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng trung ương ở Brazil, Cộng hòa Séc, Colombia và Chile đã giảm lãi suất cho vay 150 điểm cơ bản.

Ray Jian, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Amundi cho biết: “Rõ ràng, Fed đã không cắt giảm lãi suất mạnh mẽ như các thị trường dự kiến”, đồng thời cho biết thêm rằng các thị trường mới nổi cũng có những động lực đặc trưng riêng khiến tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ ở các quốc gia đang phát triển bị chậm lại, đặc biệt là về mặt tài khoá.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đang tăng áp lực chi tiêu nhiều hơn và con số này sẽ tăng vào năm tới do chu kỳ bầu cử, trong khi Tổng thống mới đắc cử của Mexico cũng muốn tăng chi tiêu tài khoá.

“Rất nhiều diễn biến tài khoá thực sự đang gây áp lực lên thị trường để nói rằng có thể những đợt cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương phải được lùi lại, bởi vì chính sách tài khóa trở nên quyết liệt hơn và do đó chính sách tiền tệ phải thắt chặt lâu hơn”, ông Ray Jian cho biết.

Những động thái mới nhất tại các thị trường mới nổi đã đưa tổng số mức cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm lên 1.175 điểm cơ bản với 23 động thái. Tổng mức tăng lãi suất trong cùng kỳ đứng ở mức 775 điểm cơ bản, hầu như chỉ nhờ vào việc tăng mạnh lãi suất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục