ECB kêu gọi các quốc gia thuộc Eurozone cắt giảm nợ công đang ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính đáng kể do dân số già đi, chi tiêu quốc phòng tăng thêm và biến đổi khí hậu, những điều này khiến việc cắt giảm mức nợ cao của khu vực trở nên cấp bách hơn.
ECB kêu gọi các quốc gia thuộc Eurozone cắt giảm nợ công đang ở mức cao

Các quan chức ECB ước tính Eurozone phải giảm thâm hụt ngân sách trung bình 5 điểm phần trăm GDP, điều này đòi hỏi phải tiết kiệm hoặc tăng thêm doanh thu 720 tỷ euro ở mức sản lượng kinh tế hiện tại.

Đánh giá của ECB về những thách thức ngân sách mà các quốc gia thuộc Eurozone phải đối mặt được đưa ra khi Ủy ban châu Âu (EC) khiển trách Pháp và 6 quốc gia khác vi phạm các quy tắc tài chính của EU, làm gia tăng lo lắng của nhà đầu tư về tính bền vững của tài chính công.

Mức nợ của các quốc gia Eurozone đang được chú ý sau khi chúng tăng vọt do chi tiêu chính phủ cao hơn nhằm bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

ECB cho biết áp lực lên tài chính công trong khối sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Để đối phó với nhu cầu ngày càng tăng của dân số già, biến đổi khí hậu và chi tiêu quốc phòng cao hơn cho tới năm 2070, các quốc gia sẽ cần nỗ lực tài chính bổ sung trung bình 3% GDP bắt đầu từ năm nay.

Điều này sẽ đặt lên trên nhu cầu giảm mức nợ xuống mức giới hạn 60% GDP của EU vào năm 2070, mà chính ECB cho biết sẽ yêu cầu các quốc gia phải “ngay lập tức và vĩnh viễn” tiết kiệm thêm 2% GDP.

ECB cho biết: “Những diễn biến này sẽ đủ thách thức nếu xét riêng lẻ và các quốc gia sẽ phải đối mặt với tất cả chúng cùng một lúc… Do đó, cần phải hành động ngay hôm nay, đặc biệt là ở các quốc gia có nợ cao đang phải đối mặt với lãi suất tăng cao và các rủi ro liên quan”.

Có sự khác biệt lớn giữa quy mô nỗ lực tài chính mà ECB ước tính các quốc gia sẽ cần thực hiện để đạt được mục tiêu năm 2070. Slovakia được ước tính cần tiết kiệm 10% GDP và Tây Ban Nha là 8% GDP, trong khi Estonia, Croatia, Hy Lạp và Cộng Hoà Síp sẽ cần tiết kiệm dưới 2% GDP.

“Việc điều chỉnh tài chính cần thiết là rất lớn so với các tiêu chuẩn lịch sử, nhưng không phải là không có tiền lệ”, ECB cho biết và chỉ ra rằng một số quốc gia bao gồm Bỉ, Ireland và Phần Lan có thặng dư ngân sách cơ bản, không bao gồm các khoản thanh toán lãi là hơn 5% GDP trong hơn một thập kỷ vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Bên cạnh đó, ECB cũng cảnh báo chi phí giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể lớn hơn nhiều nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng ECB cho biết có thể có những tác động lan tỏa tích cực từ chi tiêu cao hơn, cải cách cơ cấu, số hóa và toàn cầu hóa mà các mô hình của ngân hàng trung ương không nắm bắt được.

“Không có chỗ cho sự tự mãn, vì việc điều chỉnh càng bị trì hoãn lâu thì chi phí điều chỉnh cuối cùng sẽ càng lớn”, ECB cảnh báo.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục