Tháng 6, chứng khoán bấp bênh đà tăng

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index và VN30-Index có thể sẽ sớm tiến sát các vùng 880 điểm và 833 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu…
Tháng 6, chứng khoán bấp bênh đà tăng

Trên thế giới, các chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang dần nới lỏng cách ly xã hội. Chỉ số Nasdaq ghi nhận đà tăng tốt nhất so với các chỉ số khác và nhóm cổ phiếu công nghệ đang lấy lại gần hết mức thiệt hại kể từ giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Đồng thời, sự hồi phục mạnh của giá dầu Brent đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán và điều này cũng phản ánh về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới đang dần tăng trở lại.

Ngoài ra, việc bơm tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và kích thích nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn rẻ. Đây được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ít chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, giới hạn bơm tiền ra nền kinh tế của Fed vẫn còn khá lớn và cơ quan này cũng sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế để tránh gây suy thoái kéo dài. Theo kịch bản kỳ vọng, nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong quý II và quý III, trước khi hồi phục trở lại trong quý IV/2020.

Cùng với đó, căng thẳng Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang trở lại là vấn đề mà thị trường sẽ lo ngại trong giai đoạn tới. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thay đổi Luật An ninh tại Hồng Kông, điều này có thể sẽ khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị phá vỡ khi đã được thông qua vào năm 2019.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vào đầu năm 2019 từng khiến làn sóng dịch chuyển FDI mạnh mẽ ra khỏi Trung Quốc, thì nay với khả năng dịch bệnh còn kéo dài và tình hình thương chiến leo thang trở lại có thể sẽ khiến làn sóng FDI dịch chuyển mạnh hơn.

Khu vực Đông Nam Á được xem là khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ sự dịch chuyển này nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công thấp…, nhưng mức độ dịch chuyển sẽ phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng của mỗi quốc gia.

Theo đó, 3 vấn đề cấp bách mà Việt Nam cần thực hiện trong giai đoạn tới: Một là khởi động lại nền kinh tế, việc tung ra các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay; hai là thúc đẩy đầu tư công với tổng gói đầu tư 700.000 tỷ đồng, trọng điểm là nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng, đây là tiền đề để thu hút làn sóng FDI trong dài hạn, nhất là các nước phát triển đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc; ba là hỗ trợ và đưa ra các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index duy trì đà tăng trong gần hết tháng 5 và dòng tiền trải đều giữa các nhóm cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng có mức tăng tốt nhất cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào câu chuyện hậu dịch Covid-19 như làn sóng dịch chuyển FDI và đầu tư công.

Đồng thời, khối ngoại giảm bán ròng đáng kể trong tháng 4 và tháng 5 (nếu loại trừ các lượng giao dịch thỏa thuận đột biến) và lượng tài khoản mở mới tăng mạnh, giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn.

Theo đó, các chỉ số VN-Index và VN30-Index có thể sẽ sớm tiến sát các vùng 880 điểm và 833 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng, dẫn tới xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ suy yếu và thị trường sẽ dần bước vào giai đoạn tích lũy. Vì vậy, tháng 6 có thể sẽ là thời điểm khó khăn của thị trường.

Bài viết theo sự cộng tác của CTCK Yuanta Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục