Quỹ cổ phiếu, hiệu quả bấp bênh theo Index

(ĐTCK) Quý I/2020 sẽ được nhớ tới trong thời gian dài, bởi đây là quãng thời gian của những sự kiện đầy bất ổn. Ðại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu, khiến gần 1/3 dân số duy trì tình trạng giãn cách xã hội.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Cả thị trường hàng hóa và chứng khoán đều trải qua những biến động dữ dội với chỉ số S&P 500 rơi tự do khoảng 29% kể từ mức đỉnh gần nhất vào tháng 2 và xóa sạch đà tăng trong 3 năm. Trong khi đó, thị trường dầu mỏ có tháng và quý giảm kỷ lục, lần lượt rơi 54% và 66%.

Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua thời kỳ không lấy làm êm đẹp. VN-Index thời điểm cuối tháng 3 giảm 31,1% so với đầu năm.

Cùng chung tình trạng ảm đạm với diễn biến thị trường, các quỹ đầu tư đều có hiệu suất đầu tư ở mức âm, với đà giảm khá tương đồng với diễn biến chỉ số.

Quỹ cổ phiếu, hiệu quả bấp bênh theo Index  ảnh 1

Biểu đồ suy giảm hiệu suất đầu tư của các quỹ đầu tư.

Trong quý I, quỹ ngoại VOF-VinaCapital có hiệu suất đầu tư tích cực bậc nhất, với mức giảm của giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ là 21,8%, chậm hơn đà giảm hơn 31% của VN-Index.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc quỹ này đang dần rời xa thị trường chứng khoán và rẽ hướng sang vốn cổ phần tư nhân (private equity).

Ðáng chú ý, những thay đổi giá trị tài sản (NAV) của Quỹ chưa được thể hiện ở báo cáo, nhưng với việc môi trường kinh doanh gặp khó khăn vì đại dịch, hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân mà VOF đầu tư khó tránh ảnh hưởng.

Trong thời gian qua, danh mục các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết của VOF không có nhiều thay đổi. Tính tới cuối tháng 3, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục bao gồm HPG (10,3% NAV), KDH (8,1%), VNM (5,7%), ACV (5,5%), EIB (5,4%)…

Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong cơ cấu tài sản của Quỹ vẫn theo xu hướng giảm, từ mức 59,2% vào cuối tháng 1/2020 xuống còn 53,7% vào cuối tháng 3. Trong khi đó, các khoản đầu tư tư nhân tăng lên 26,9% so với mức 19,7% vào cuối tháng 1.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư tại VinaCapital, Tổng giám đốc Quỹ VOF cho biết, VOF có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân, bởi đây là nơi Qũy có thể nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, tiến hành rà soát đặc biệt (due diligence) và bảo vệ nhà đầu tư của mình trong bối cảnh giá cổ phiếu đi xuống.

“Trong bối cảnh thị trường toàn cầu bao trùm bởi các yếu tố bất ổn xuất phát từ đại dịch, các quỹ đầu tư hiện đang nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu niêm yết sẽ chịu nhiều áp lực phải làm tốt hơn và mang lại hiệu suất dương cho nhà đầu tư”, ông Andy Ho chia sẻ.

VOF đã có 2 năm đầu tư mang lại hiệu suất âm liên tiếp (-1,6% năm 2019 và -9% năm 2018), việc chuyển hướng sang khu vực vốn tư nhân liệu có giúp Quỹ thoát khỏi tình cảnh thua lỗ trong năm nay, nhất là khi đã có khởi đầu không thuận lợi trong quý I?

3 tháng đầu năm 2020 là quãng thời gian khó khăn với các quỹ đầu tư và Vietnam Holding cũng thấm thía nỗi đau này khi hiệu suất đầu tư giảm tới 34,6%, so với mức giảm 31,4% của chỉ số Vietnam All Share.

Theo Vietnam Holding, tháng 3 là khoảng thời gian lịch sử của thị trường tài chính toàn cầu khi đại dịch khiến mọi loại hàng hóa, mọi khu vực lao dốc ở mức kỷ lục.

Nhận định Việt Nam vẫn ở vị thế tích cực trước tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, tuy nhiên, Vietnam Holding tỏ ra thận trọng với những khoản đầu tư hiện tại, cũng như dè chừng với cơ hội mới.

Chẳng hạn, quỹ này đã rút vốn khỏi một công ty trong ngành may mặc, không chỉ bởi dịch Covid-19 tác động mạnh tới nhu cầu đối với sản phẩm này trên toàn cầu, mà còn bởi lãnh đạo của doanh nghiệp không còn hợp tác.

“Truyền thông và minh bạch là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình đầu tư của chúng tôi và từ góc nhìn của mình, đây là tín hiệu cảnh báo về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong thế giới hậu Covid-19”, Vietnam Holding nhận định.

Với đánh giá thế giới sẽ dần chuyển sang trạng thái mới, nơi hoạt động làm việc từ xa và giãn cách xã hội trở nên phổ biến, Vietnam Holding cho rằng, lĩnh vực công nghệ sẽ trở nên ngày càng cần thiết. Ðây cũng là lý do mã FPT trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Quỹ (14%).

Vietnam Holding cho biết, với việc cả thế giới đang bị bao trùm bởi những điều khó đoán định, Quỹ cần có sự chuẩn bị cho nhiều trường hợp khác nhau, cho dù là đã phục hồi theo mô hình chữ V hay bước vào làn sóng nhiễm bệnh thứ hai trên toàn cầu.

Theo đó, việc có một danh mục mang tính bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Hiện tại, trong cơ cấu đầu tư của qũy này, ngành dịch vụ và hàng hóa đang chiếm 22%, bất động sản 18%, bán lẻ 17% và viễn thông chiếm 14%...

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục